Những đứa trẻ không có mùa hè

Thứ Hai, 12/06/2017 10:09  | Phan Vi

|

(CAO) Khi những tiếng ve kêu rộn rã trên cây phượng bung nở rực rỡ nơi sân trường cũng là thời điểm báo hiệu một mùa hè đã bắt đầu. Trong khi nhiều đứa trẻ được gia đình chuẩn bị cho một kì nghỉ hoành tráng, những chương trình học tập vui chơi thì có không ít em học sinh chọn mùa hè để lao vào mưu sinh phụ giúp gia đình.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Mặc dù mới sáng sớm nhưng thời tiết Tây Nguyên đã oi nồng vì hơi đất sau những trận mưa đầu mùa, trong khi người người tìm chỗ tránh nắng thì ngay tại một cây xăng góc ngã tư Lý Tự Trọng và Lý Thái Tổ thuộc thành phố Buôn Mê Thuột, một bàn tay nhỏ xạm đen chìa ra mời những người ghé đổ xăng xấp vé số còn mới tinh.

Hình ảnh cậu bé gầy gò đen nhẻm mặc trên mình chiếc áo đồng phục học sinh đã cũ sờn dường như trở nên quen thuộc với tất cả những người buôn bán ở khu vực này. Đó chính là em Nông Văn Dũng (SN 2003, ngụ Thi Sách Phường Tự An, Buôn Mê Thuột). Đưa tay quệt dòng mồ hôi trên trán Dũng cười hồn nhiên khi được hỏi về công việc của mình. Cậu bé bộc bạch : “Gia đình cháu ở huyện Cư Jut, Đắk Nông nhưng nhà nghèo quá không có tiền nên bố mẹ đem hai anh em cháu lên thuê nhà ở đây, hằng ngày cháu theo mẹ đi bán vé số, còn bố đau yếu không có việc làm nên ở nhà trông em nhỏ”.

Mùa hè đối với nhiều học sinh chính là thời gian kiếm tiền phụ giúp gia đình

Khi được hỏi về việc học Dũng cho biết : “Cháu học trường Trần Phú,hè năm lớp 4 cháu theo mẹ đi bán vé số lúc đầu chỉ tính phụ giúp mẹ vào dịp hè nhưng rồi khi quay lại học thấy mẹ kiếm tiền vất vả quá nên cháu nghỉ luôn để đi bán cùng mẹ”. Ngần ngừ giây lát cậu bé lại vui vẻ khoe : “Cháu chỉ nghỉ tạm vài năm thôi, sang năm mẹ nói em bé lớn bố có việc làm thì mẹ lại cho cháu đi học tiếp". 

Mỗi ngày Dũng nhận vé số cùng mẹ rồi chia nhau ra bán tại các khu vực cây xăng, quán cà phê với thu nhập trên dưới 100 nghìn là một số tiền lớn đối với gia đình cậu bé.

Những công việc mà các em nhỏ chọn để phụ giúp gia đình trong mùa hè đa phần là bán vé số, hàng rong, đánh giày …đặc biệt là đội ngũ “làm việc” trong quán nhậu cũng tăng lên đáng kể mỗi khi hè về.

Có mặt tại một quán nhậu khá sầm uất ngay khu vực trung tâm thành phố chúng tôi chứng kiến nhiều đứa trẻ trên người vẫn còn khoác chiếc áo đồng phục học sinh nhưng trên tay là những rổ đậu phộng, nem chả để mời khách ăn thêm, đặc biệt khi thấy khách “bắt chuyện” các em rất vui vẻ trả lời vì biết rằng sau mỗi lần trò chuyện khách sẽ mua cho mình ít hàng.

Một chủ quán nhậu từng chứng kiến hàng chục em học sinh vất vả mưu sinh nơi quán của mình chia sẻ : “Nhiều lúc thấy các em làm phiền khách cũng không muốn cho bán nhưng nghĩ thấy tội quá nên mình chỉ nhắc nhở không cho chèo kéo khách thôi”.

Hiểm nguy rình rập

Bán vé số gần ba năm qua nhưng khi nhắc lại kỉ niệm những ngày mới chập chững đi bán Dũng vẫn chưa hết rùng mình vì sợ hãi, cậu bé chia sẻ : “Lần đó cháu nhận vé số từ mẹ mới bán được vài tờ thì có một anh đến hỏi mua cháu đưa cho anh ấy chọn vé, không ngờ anh ta giật luôn cả cọc rồi bỏ chạy. Cháu kêu cứu nhưng không có ai giúp. Sau này bán quen cháu có gặp anh ta vài lần và biết đó là một kẻ nghiện ma túy ở gần khu vực này”.

Chuyện vị giật vé số, bị “ma cũ” bắt nạt là những bài học mà bất kỳ đứa trẻ nào khi mới vào nghề hầu như cũng gặp phải và sau những lần bị “nạn” tự các em sẽ tìm cách để thích nghi và bảo vệ mình, đặc biệt là các em gái vì không ít kẻ xấu luôn nhắm vào các em để ra tay.

Kể lại câu chuyện bị kẻ gian suýt hãm hại em Nguyễn Thị N (học sinh lớp 5 một trường tiểu học tại huyện Easup) cho biết : “Nhà con nghèo mẹ lại hay ốm nên mỗi dịp hè con theo dì lên phố để bán đậu phộng cho mấy quán nhậu, có lần chú kia kêu con theo về nhà rồi mua cho con hết hàng, tin lời nên con đi theo, không ngờ mới đi đến con hẻm nhỏ thì chú ấy kéo con vào trong rồi sờ soạng đủ thứ cũng may dì con phát hiện kịp la to nên chú ấy sợ quá bỏ đi”.

Chưa kể gặp những quán nhậu không cho bán hàng khi thấy các em xuất hiện thì xua đuổi thậm chí tỏ thái độ nghi ngờ các em là đối tượng cố tình trà trộn để đánh cắp đồ của khách nhậu khiến không ít em tủi thân và sợ hãi.

Mặc dù vất vả mệt nhọc và  phải đối mặtcả hiểm nguy nhưng mỗi khi nhắc đến công việc của mình các em cho biết mình rất vui vì có thêm tiền phụ giúp cho ba mẹ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang