Thủ phạm âm thầm phá vỡ hạnh phúc của phái đẹp
Chị P.T.T. (49 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) tìm đến bác sĩ vì gần đây chị cảm thấy trong người khó chịu, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, khó tập trung, 12 tháng liên tiếp không có kinh,... Đặc biệt, một tháng trở lại đây, chị lại có thêm triệu chứng són tiểu. Đi khám, bác sĩ cho siêu âm và thử nước tiểu, kết quả âm tính. Bác sĩ kết luận chị đang gặp vấn đề ở tuổi mãn kinh, những biểu hiện trên là dấu hiệu của tuổi xế chiều.
Tuy nhiên, chị T. không biết giải quyết tình trạng cùa mình như thế nào, chị vẫn cứ bị mất ngủ, són tiểu, cảm giác yêu đương nguội lạnh dần. Tìm đến bác sĩ BV Từ Dũ, chị T. tâm sự: "Em uống thuốc nhưng tình trạng cũng chỉ giảm một phần thôi, em nghĩ mình bị nhiễm trùng đường tiểu".
Nói về tình trạng của chị T., BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: "12 tháng liên tiếp không có kinh là mãn kinh. Thời kỳ mãn kinh có khi đến êm ả, nhưng phần lớn không êm ả do những biến đổi dẫn tới hàng loạt hậu quả nặng nề, có thể gây ra bệnh tật, tiêu tốn ngân sách không nhỏ cho việc điều trị.
Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mất 20% khối lượng xương những năm ngay sau mãn kinh; tỷ lệ mắc bệnh tim mạch của phụ nữ mãn kinh tăng cao gấp 2 – 4 lần so với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ;...".
Chị em tìm đến nhờ bác sĩ tư vấn về việc giữ gìn sức khỏe tại lễ phát động chiến dịch "Đừng thờ ơ với
nội tiết tố nữ" do Bệnh viện Từ Dũ, Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 10-6 tại BV Từ Dũ TP.HCM. Ảnh: NĐ
BS Nhi lý giải, nguyên nhân sâu xa là phụ nữ sau tuổi 30, buồng trứng bắt đầu giảm tiết estrogen (nội tiết tố nữ) và ngay lập tức khiến cán cân nội tiết mất thăng bằng. Cơ thể suy giảm estrogen gây xáo trộn cholesterol và triglycerid, làm tăng xơ vữa và hẹp lòng mạch máu, cản trở lưu thông máu từ đó làm tăng bệnh tim mạch.
Mặc khác, việc thiếu hụt estrogen còn gây teo lớp tế bào biểu mô âm đạo, đường tiết niệu và có thay đổi pH âm đạo, từ đó làm âm đạo bị khô, mỏng hơn, khả năng đàn hồi kém làm cho khi giao hợp gây đau đớn dẫn đến dễ nhiễm trùng đường tiểu hoặc âm đạo, són tiểu.
Đối với những người đã có gia đình, tình trạng khô rát âm đạo, giảm dịch nhờn gây khó khăn, đau đớn khi gần gũi với chồng. Cảm xúc yêu đương dần nguội lạnh, không còn tha thiết chuyện gối chăn có nguy cơ dẫn đến lãnh cảm ở người phụ nữ làm cho đời sống vợ chồng không còn hòa hợp. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến khiến đổ vỡ hạnh phúc gia đình trong xã hội ngày nay.
Bên cạnh đó rất nhiều chị em gặp phải chứng mất ngủ, đêm về trằn trọc, giấc ngủ không ngon, không sâu gây nên tình trạng uể oải, cơ thể mỏi mệt, thần sắc kém, căng thẳng thần kinh. Từ đó dễ nảy sinh tâm lý bực bội, cáu gắt với mọi người xung quanh, sinh hoạt đời thường bị xáo trộn, áp lực cuộc sống gia tăng.
Đáng lưu ý là, theo các chuyên gia y tế, khi lượng estrogen không đủ cũng sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn kinh nguyệt, khó đậu thai hơn. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng hiếm muộn hoặc vô sinh ở nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay.
Giải pháp 'giữ lửa'
Theo BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, thiếu hụt nội tiết tố không chỉ xảy ra với chị em ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh mà ngay cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hay sau sinh cũng dễ rơi vào tình trạng này. Nguyên nhân là do sự lão hóa của các cơ quan sinh sản như buồng trứng, tử cung... Sự thiếu này gây ra nhiều rối loạn về sinh lý, làm suy giảm hệ miễn dịch và sức khỏe. Do đó, estrogen đóng vai trò quan trọng suốt cả cuộc đời người phụ nữ từ khi dậy thì.
Một số triệu chứng thiếu hụt nội tiết tố ở phụ nữ thường gặp là tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc chậm kinh, mệt mỏi, thường mắc chứng hay quên, mất ngủ, giảm ham muốn tình dục và đau khi quan hệ do nồng độ estrogen thấp hoặc bắt đầu suy giảm gây ra tình trạng "khô hạn" ở âm đạo. Tuy nhiên, nhiều chị em không biết mình bị thiếu hụt nội tiết tố mà thường nghĩ do đã toan về già, vất vả nên không có nhu cầu về sinh lý.
Theo BS Bùi Thanh Vân, nguyên trưởng khoa khám Phụ khoa BV Từ Dũ TP.HCM, để cải thiện tình trạng thiếu hụt nội tiết tố chị em cần có chế độ luyện tập thể dục thường xuyên và hợp lý. Ngoài ra, chị em cũng nên bổ sung dinh dưỡng toàn diện và hợp lý như tránh ăn những thức ăn nhiều ngọt và béo, cay, rượu, cà phê,... nên ăn thực phẩm ít béo và nhiều chất xơ, giàu vitamin C… Hoặc có thể uống bổ sung các loại thuốc bổ sung nội tiết tố.
"Để khủng hoảng tuổi giao mùa đi qua nhẹ nhàng, phụ nữ cần chủ động chăm sóc sức khỏe bên trong, vóc dáng bên ngoài cùng đời sống sinh lý từ sớm. Trong đó, giúp cơ thể tự cân chỉnh lượng nội tiết tố đúng và đủ theo nhu cầu cơ thể là phương thức tiếp cận khoa học trúng đích, hiệu quả và bền vững", BS Vân khuyến cáo.
Tuy nhiên, khi thấy sự thiếu hụt nội tiết tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì chị em cần đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị cụ thể. Việc xử lý mức độ thiếu hụt nội tiết tố phải dựa vào nguyên nhân cụ thể và do bác sĩ quyết định sau khi khám xét cẩn thận.
(CAO) Mất ngủ kéo dài, kèm theo đau đầu, chóng mặt; người phụ nữ đi khám nhiều nơi nhưng mỗi nơi lại có kết quả khác nhau. Nơi thì chẩn đoán chị bị rối loạn tiền đình, nơi thì kết luận chị bị rối loạn hệ thần kinh thực vật.