An toàn vệ sinh thực phẩm làm nóng Nghị trường

Thứ Hai, 05/06/2017 13:06

|

(CAO) Ngày 5-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.

Đây là lĩnh vực liên quan mật thiết đến sức khỏe, sinh mạng, tuổi thọ, giống nòi… nên cử tri đặc biệt quan tâm.

Từ năm 2011 đến tháng 10-2016, cả nước ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật, do độc tố tự nhiên, do hóa chất và có đến 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, trong quản lý an toàn thực phẩm cần đánh giá 2 vấn đề là: chúng ta làm được gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn và khuyến khích thực phẩm sạch?

“Chúng ta có lực lượng thanh tra, kiểm tra, nhưng chủ yếu kiểm tra giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh ATTP mà chưa chú trọng làm rõ có hay không vi phạm ATTP? Điều này dẫn đến nhiều sự vụ lớn, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn bị lọt lưới”, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Vị đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng việc thanh tra, kiểm tra không được làm theo kiểu hình thức mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra; phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng.

Phát biểu trong phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng vấn đề ATTP không phải mới phát sinh; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây bức xúc dư luận.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP do VPQH tiến hành thì có tới 59% người dân chưa yên tâm và 27,5% hoàn toàn không yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày,...

“Cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này… thiết lập đường dây nóng dễ nhớ; nghiêm túc xem xét tiêu chí an toàn thực phẩm…”, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề nghị.

Còn đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng ngộ độc rượu xảy ra thời gian qua gây tâm lý hoan mang trong dư luận.

Đại biểu kiến nghị các giải pháp về quản lý sản phẩm bia, rượu kém chất lượng; nâng mức xử lý hình sự đối với những đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng...

Ngoài ra, các đại biểu khác cũng nêu nhiều vấn đề về: Quản lý nguồn hóa chất liên quan đến bảo vệ thực vật, chế biến thực phẩm; cần có sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn; nâng cao vai trò, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguồn gốc thực phẩm…

Bình luận (0)

Lên đầu trang