(CAO) Theo đại diện Sở Y tế Hòa Bình, bệnh viện đa khoa tỉnh không kiểm định lại nguồn nước chạy thận sau bảo dưỡng máy.
Tại buổi họp báo chiều 8-6, ông Trần Quang Khánh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, ban đầu chúng tôi đánh giá là sốc phản vệ, nhưng đến giờ thì hội đồng cho rằng đây là tình trạng ngộ độc cấp, cùng sử dụng chung 1 hệ thống thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh, cùng triệu chứng là ngứa, nôn, trụy tim mạch...
Nguyên nhân theo hội đồng chuyên môn: trên 4 yếu tố thì hội đồng loại trừ yếu tố quả lọc, loại trừ yếu tố dịch lọc, hóa chất, loại trừ những thứ liên quan đến quy trình kỹ thuật, chỉ còn lại vấn đề nước lọc là hệ thống RO số 2, đã gây nên tình trạng này. Cụ thể, nguồn lọc nhiễm độc tố gì, hóa chất gì thì đang chờ đợi kết luận cuối cùng.
Ông Trần Quang Khánh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình
“Như vậy, các bệnh nhân đều có biểu hiện ngứa, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốc trụy tim mạch… nên nghĩ đến ngộ độc cấp qua đường máu. Nguyên nhân có thể do nguồn nước bị ô nhiễm. Cơ quan chức năng vẫn đang xác định yếu tố gây ngộ độc tập thể này và sẽ thông báo khi có kết luận chính thức”, ông Khánh thông tin.
“Theo nguyên tắc phải kiểm tra máy chạy thận, kiểm tra thông số nước, theo dõi giám sát hiện tượng xảy ra bất thường. Quy trình này đã được Bộ Y tế ban hành.
Quy trình bảo trì, hệ thống lọc nước phải kiểm nghiệm đầu ra trước khi bàn giao cho cán bộ y tế lọc máu. Tuy nhiên do giá thành đắt nên bệnh viện không kiểm định. Hiện không có đại diện bệnh viện ở cuộc họp nên Sở không nắm được giá thành, tuy nhiên dù đắt vẫn phải đi kiểm định.
Về nguyên tắc sau khi bảo dưỡng bảo trì hệ thống máy thì phải kiểm định bảo đảm an toàn mới bàn giao lại cho bệnh viện sử dụng. Trong vụ việc này, lỗi của cán bộ y tế là chưa có biên bản bàn giao đã vận hành nên có thể có sự cố. Công an đang điều tra kỹ sư chịu trách nhiệm bảo dưỡng bảo trì”, vị này thông tin.
Theo người đứng đầu Sở Y tế Hòa Bình, mức độ sai phạm, cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm thì cơ quan công an sẽ điều tra và kết luận cụ thể.
Còn bà Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ bệnh án, các tài liệu và tường trình của cá nhân liên quan, hội đồng khẳng định sự cố là một thảm họa, các bệnh nhân trong tình trạng diễn biến hết sức phức tạp. Bệnh viện thiếu kinh nghiệm, phương tiện, nhân lực, kiến thức xử trí tình trạng thảm họa.
Theo bà Hằng, vấn đề được nghĩ đến nhiều nhất là sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Sáng cùng ngày, Sở Y tế Hòa bình đã có quyết định tạm đình chỉ 3 cán bộ tại bệnh viện tỉnh Hòa Bình, trong đó có ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình liên quan đến vụ chạy thận 8 người tử vong.
Theo đó, 2 người còn lại là ông Trần Văn Sơn - Phòng vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình và bà Đỗ Thị Điệp - Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.