Những phận đời ở chợ nông sản Thủ Đức

Thứ Hai, 27/04/2020 18:50  | Nam Anh

|

(CATP) Những ngày cuối tháng 4-2020, chúng tôi đến chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Thủ Đức (gọi tắt chợ đầu mối nông sản Thủ Đức), nơi có hàng trăm công nhân (CN) bốc vác hàng hóa từ các xe tải vào nhà lồng. Chợ hoạt động từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng, là nơi giao thương của các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường TPHCM. Đây là chợ bán sỉ nên thường rẻ hơn 3 - 4 lần so với giá ở các chợ lẻ.

Chợ không dành cho người mua lẻ

Khi đến chợ vào lúc 7 giờ tối, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm xe tải hạng nặng (từ 15 - 20 tấn) đang thay phiên nhau xuống hàng, chắn hết lối đi. Để vào bên trong chợ, chúng tôi phải mất hơn 15 phút len lỏi quanh hông các xe tải mới vào được bãi gửi. Vây quanh những ôtô tải đang xuống hàng là những người thợ làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng vào nhà lồng. Phía bên ngoài, chạy song song với Quốc lộ 1A là khu vực dành riêng cho hàng chục chiếc xe tải chở trái cây xuống hàng, vào sâu hơn là bãi đậu cho những chiếc xe chở nông sản. Đây là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất của TPHCM, diện tích 20ha, ở cửa ngõ phía đông thành phố thuộc P.Tam Bình, Q.Thủ Đức.

Anh Nguyễn Văn Hùng, CN bốc vác tại chợ này, cho biết từ 17 - 22 giờ mỗi ngày, những chiếc xe tải 10 - 20 tấn chở sản vật từ khắp mọi miền đất nước ùn ùn đổ về. Đây cũng là thời điểm những CN làm nghề bốc vác phải làm việc cật lực để kéo hàng vào các sạp bên trong nhà lồng. Tầm 22 giờ, chợ bắt đầu hoạt động náo nhiệt, kéo dài tới 6 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm, chợ tiêu thụ hàng nghìn tấn trái cây, rau, củ quả các loại.

Những chiếc xe rùa được sử dụng rất phổ biến tại chợ

Chúng tôi bước vào bên trong chợ thấy hàng trăm sạp hàng bán đủ các loại nông sản, thực phẩm; bên trong nhà lồng là những lối đi rộng 1 - 2m để các thương nhân buôn bán cũng như làm lối đi chung. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng, lối này cũng trở nên chật hẹp, bởi người mua hàng đến dọ giá cùng những chiếc xe rùa được đội quân bốc vác hoạt động hết công suất. Khi chúng tôi đưa máy lên chụp hình thì vấp phải những ánh mắt giận dữ của tiểu thương cùng những lời chửi rủa của đội quân bốc vác.

Đêm xuống, mọi thứ ở đây nhộn nhịp hẳn. Xe chở nông sản tấp nập vào ra; ngoài những người mua bán, chợ có cả trăm CN bốc vác đẩy hàng ra vào liên tục, khu nhà lồng sáng như ban ngày bởi hàng trăm bóng đèn cao áp chiếu rọi khắp nơi. Điều khác biệt ở ngôi chợ này là mỗi tiểu thương chỉ bán 1 - 2 loại mặt hàng. Khu A được Ban quản lý bố trí làm điểm bán trái cây và những mặt hàng đồ khô; khu B là nơi bán rau củ quả các loại; khu C là điểm bán hoa. Đặc trưng của chợ là chỉ bán sỉ, không bán lẻ, trái cây được bán theo thùng; còn rau, củ, quả... bán theo sọt với giá rất rẻ.

Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, anh Đặng Văn Lâm - có thâm niên làm nghề bốc vác hơn 10 năm tại chợ - cho biết, làm nghề này tại đây cũng có quy luật riêng. Ban quản lý đã phân ra các khu chức năng thì nghề bốc vác cũng được chia thành các tổ, nhóm 30 - 60 người, nếu tổ chuyên bốc trái cây thì không thể tham gia bốc rau củ của tổ khác. Mỗi lần dùng xe kéo thông thường từ 100 - 200kg từ xe tải vào nhà lồng với quãng đường khoảng 100 - 400m (tùy sạp hàng xa hay gần) và từ 10 giờ đêm đến sáng lại kéo theo chiều ngược lại để đưa lên xe cho các tiểu thương mang về chợ nhỏ bán.

Đêm sáng như ban ngày

Về mức thu nhập anh Lâm cho biết, tùy vào khối lượng hàng mỗi đêm mà tổ làm. Tổ anh có 35 người, mỗi đêm bốc được 65 - 120 tấn hàng, thu nhập 250 - 500 ngàn đồng/người. 3 tháng trở lại đây, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trái cây Trung Quốc nhập về ít nên thu nhập cũng giảm...

Càng tiến sâu vào trong những khu nhà lồng càng thấy sáng như ban ngày nhờ những bóng đèn cao áp. Hầu hết các sạp hàng ở đây rộng từ 10 - 15m2. Lối đi bên trong nhà lồng tương đối hẹp, việc vô tình va phải người đẩy hàng là chuyện rất bình thường. Mỗi đêm có cả chục ngàn tiểu thương từ các chợ nhỏ đến đây giao dịch, mua bán: người ít thì vài chục ký, người mua nhiều đến cả tấn. Vào dịp lễ, Tết, lượng hàng giao dịch tại chợ tăng lên gấp đôi.

Rau các loại được bán tại chợ

Chợ đầu mối này cũng là nơi trung chuyển, giao thương hàng hóa nông sản cho nông dân cả nước hội tụ về. Lượng hàng về chợ mỗi đêm lên tới cả ngàn tấn rau củ quả các loại, có cả đồ khô. Chợ không chỉ cung cấp hàng cho tiểu thương thành phố, mà còn cho tiểu thương Bình Dương, Đồng Nai.

Phía trước nhà lồng khu A, hướng ra Quốc lộ 1A là khu vực chuyên bán trái cây với khoảng 40 gian hàng trái cây ngoại nhập: nho đen Nam Phi, táo Ba Lan, cam Mỹ, cherry Úc, lê Hàn... tha hồ cho khách chọn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lương Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành dịch vụ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - cho biết, chợ có sức chứa lên đến 1.424 sạp với gần 1.000 thương nhân kinh doanh, được thiết kế hiện đại theo hướng chuyên nghiệp nên có nhiều công trình phụ như: nhà kho, khu sơ chế, khu quản lý, khu điều hành, nhà máy xử lý rác, trạm nước ngầm, trạm xử lý nước thải...

Đây là chợ nông sản có quy mô lớn nhất của thành phố và cả nước chuyên phục vụ các mặt hàng nông sản, lượng hàng bình quân về chợ khoảng 3.500 tấn/ ngày. Do hoạt động chủ yếu trong đêm nên từ 5 giờ sáng, chợ bắt đầu giải tán và thưa dần. Từ 5 - 9 giờ, chợ họp phía bên ngoài chỉ là những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ và hàng tồn được mang ra phục vụ khách lẻ. Đến 10 giờ, chợ vãn cũng là lúc CN bắt đầu dọn vệ sinh, thu gom rác thải để phục vụ cho phiên chợ hôm sau.

Bình luận (0)

Lên đầu trang