Vui, buồn chuyện thưởng Tết vì thế cũng nhiều, nhưng có câu chuyện trong nghề báo mà tôi không thể quên, khi công nhân (CN) một nhà máy của người bạn lãn công, ngừng việc ngày giáp Tết vì công ty xin khất tiền thưởng, sau Tết mới trả.
Không có quy định thưởng Tết, nhưng đó là trách nhiệm
Giám đốc công ty gọi điện thoại cho tôi xin đừng đăng báo chuyện lãn công của CN, vì sợ ảnh hưởng. Tôi tìm hiểu và biết công ty đang gặp khó khăn, đến độ tiền thưởng Tết có 2 triệu đồng cho mỗi CN mà cũng không xoay xở được. Tôi biết giám đốc dư sức trả, cố thuyết phục bạn tôi nhưng bất thành với nhiều lý do. Và tôi quyết định đăng tin này lên báo, tất nhiên sau đó nhận những cú điện thoại trách móc. Tôi cố gắng im lặng.
Rồi đến 27 Tết, công ty cũng trả được tiền thưởng cho CN kèm túi quà nho nhỏ. Khỏi phải nói, CN mừng đến rơi nước mắt, dù biết số tiền đó cũng chỉ đủ mua vé tàu xe về quê là hết sạch.
Chiều 19 Tết, vị giám đốc ấy mời tôi dự tất niên. Tôi thấy trên bàn có 1 chai rượu ngoại đắt tiền. Chúng tôi vui vẻ uống với nhau ly rượu cuối năm và tôi chúc mừng bạn đã có tiền trả thưởng Tết cho CN. Bạn nói thiệt đó là tiền đi vay, do nghe lời tôi và vì nghĩ lại, cảm thấy thương CN. Tôi nói, bạn thì vay được, chứ CN họ chỉ có thể vay nóng.
Những ly rượu tối đó thật ấm áp!
Những cuộc lãn công xảy ra cuối năm thường liên quan đến tiền thưởng Tết. Một năm đằng đẵng lao động miệt mài, NLĐ rất kỳ vọng vào tiền thưởng cuối năm. Kỳ vọng lớn đôi khi thất vọng là vậy! Thường những ông chủ tốt luôn quan tâm đến người làm thuê cho mình, cố gắng tích lũy để cuối năm chia sẻ với những người đã giúp mình làm ăn. Cứ đến Chợ Lớn, những ông chủ người Hoa, dù chỉ có 5-10 người làm thuê, cuối năm, đầu năm họ đều có bữa tiệc vui, lì xì cho người làm công với lòng biết ơn chân thành; sau kỳ nghỉ Tết, đi làm lại cũng được chủ lì xì.
Công ty CP Sài Gòn Food (TPHCM) chi 3,5 tỷ đồng thưởng Tết Giáp Thìn cho công nhân
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhiều lần khẳng định không có quy định thưởng Tết, dù mỗi dịp cuối năm, xã hội lại "nóng" lên trước các thông tin thưởng Tết. Cần hiểu rằng Tết ta là một kỳ nghỉ của NLĐ theo luật, không gắn kết gì với sản xuất - kinh doanh (SX-KD). Pháp luật cũng không có quy định nào về thưởng Tết. Có thể nhiều người hiểu lầm khoản thưởng sau một kỳ SX-KD (được quy định trong Bộ luật Lao động - BLLĐ) là thưởng Tết. Khoản này thường được chia sau một năm tài chính, thường từ sau Tết Dương lịch đến trước Tết Âm lịch.
Cũng theo BLLĐ, người sử dụng lao động (SDLĐ) không bắt buộc phải trả tiền thưởng cho nhân viên (NV), kể cả khi công ty, đơn vị làm ăn có lãi. Điều 104 BLLĐ 2019 đề cập đến tiền thưởng cho NLĐ như sau:
1. Thưởng là số tiền hay tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người SDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả SX-KD, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
2. Quy chế thưởng do người SDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.
Luật là vậy. Thậm chí có nhiều DN đưa tiền thưởng Tết vào thỏa ước lao động của Công đoàn, nhưng đó cũng không phải luật, chỉ là thỏa ước. Thực tế khác, nhiều năm qua, thưởng Tết là chuyện các DN phải làm, để chia sẻ với NLĐ, như một nghĩa cử đẹp với những người tạo ra lợi nhuận cho mình, lâu thành ra "luật". Ngay cả khi tài chính không cho phép, người SDLĐ cũng bằng nhiều cách kiếm tiền để san sẻ với NLĐ. Thực tế NLĐ cũng kỳ vọng tiền thưởng Tết để trang trải chi phí gia đình.
Ở các DN lớn như ngân hàng chẳng hạn, nhiều khi thưởng Tết lương tháng 13, 14, thậm chí 5 tháng lương cũng là bình thường. Tại các DN nước ngoài cũng có lương tháng 13. Đây là khoản tiền thưởng được trả thêm cho NLĐ ngoài tiền lương tháng thường xuyên. Lương tháng 13 không phải là khoản tiền thưởng Tết Nguyên đán, thường được trả vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới.
Theo pháp luật, khái niệm lương tháng 13 chưa được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản pháp quy nào. Tuy nhiên, nó vẫn được NLĐ coi như một khoản tiền thưởng của công ty.
Ở các nước khác, do văn hóa và quy định khác nhau nên tiền thưởng cuối năm ở các nước cũng khác nhau. Như ở Nhật, tiền thưởng cuối năm của cán bộ công chức trung bình khoảng 683.000 yen Nhật (khoảng 6.324 USD). Năm 2006, thủ tướng Nhật có mức thưởng cao nhất 5.820.000 yen Nhật (khoảng 53.888 USD). Ở Nhật, nhiều DN, ngoài tiền thưởng giữa năm, cuối năm, tháng 4 hàng năm cũng được thưởng nhưng không đưa cho NV mà thưởng cho các... bà vợ, được gọi là "tiền thưởng phu nhân", vì họ cho rằng "tiền thưởng phu nhân" rất quan trọng, có tác dụng thúc đẩy các phu nhân chăm sóc, ủng hộ các ông chồng nhiều hơn.
Ở Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam, luật không quy định phải phát tiền thưởng cuối năm, mà do các DN tự quy định. Tại Pháp, người thu nhập thấp cũng có tiền đón năm mới, dù nước này không quy định cuối năm phải thưởng cho NV, nhưng mức thưởng cuối năm của NV bình quân khoảng 8% lương năm. Những người sống nhờ bảo hiểm xã hội cuối năm được nhận món tiền trợ cấp đón năm mới, từ 150-500 euro (như cán bộ hưu trí, những đối tượng hưởng chính sách người có công ở TPHCM Tết nào cũng nhận được từ chính quyền thành phố khoảng 1, 2 triệu đồng).
Thưởng Tết là sự chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, NLĐ rất dễ dịch chuyển, nhất là sau dịp nghỉ Tết, nếu chính sách đãi ngộ không tốt. Thưởng là một hình thức ghi nhận, đánh giá kịp thời mức độ đóng góp của họ, ngoài tiền lương để giữ chân NV.
Người SDLĐ đúng đắn nhất là phải thưởng cho NLĐ, bởi quá trình SX-KD không chỉ phụ thuộc công nghệ, máy móc, mà còn phụ thuộc vào con người. Xu hướng quan hệ lao động hiện đại là phải chia sẻ với nhau, thưởng Tết, thưởng cuối năm cũng là hình thức chia sẻ.
Năm 2023, kinh tế khó khăn chồng chất nhưng nhiều DN vẫn thưởng Tết. Như Công ty CP Sài Gòn Food (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM) dành gần 30 tỷ đồng để thưởng Tết, có CN được thưởng gần 30 triệu đồng. Công ty còn chi trả tồn phép năm bằng tiền cho CN sản xuất và chi thưởng thâm niên cho NLĐ với tổng số hơn 3,5 tỷ đồng; ngoài ra còn tổ chức xe giường nằm chất lượng cao cho NLĐ về quê ăn Tết, còn có cả tiền thưởng cho CN trở lại làm việc sau Tết đúng hạn với tổng chi phí hỗ trợ 1 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều DN và một số địa phương đã công bố mức thưởng Tết để báo cáo với Bộ LĐ-TB&XH... Như TPHCM, theo công bố của Sở LĐ-TB&XH sáng 29/12, mức thưởng Tết TPHCM công bố dựa trên khảo sát 1.300 DN sử dụng 288.000 lao động ở địa bàn, cao nhất là 2,078 tỷ đồng, hơn năm ngoái khoảng 1,3 tỷ đồng, thấp nhất là 4,8 triệu đồng. Một số địa phương gần TPHCM cũng có mức thưởng tương tự...
Thưởng Tết đã trở thành tập quán, một nét văn hóa trong đời sống. Đó là văn hóa chia sẻ, văn hóa tinh thần, cũng là hình thức động viên thiết thực với NLĐ, qua đó thể hiện "sức khỏe" của DN. Có người SDLĐ nào không vui khi nhìn CN của mình vừa lãnh tiền thưởng, quà Tết, bước lên xe, hay cầm vé máy bay được công ty mua tặng về quê ăn Tết.
Đó là niềm vui của sự chia sẻ, chia sẻ mùa xuân cho chính những người đã tạo ra lợi nhuận cho DN của mình. Sự chia sẻ này đầy tính nhân văn và trách nhiệm...