(CAO) Ngày 21-9, trở lại khảo sát tại khu vực đồi Chơ Niên, thôn 4 và thôn Yên Thành xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho thấy tình trạng sụt lún đất vườn cà phê khu vực này chưa dừng lại.
Con đường dân sinh và phục vụ sản xuất nối liền 2 thôn bị lún nứt, hư hỏng nặng, các phương tiện không lưu thông được. Theo ông Lê Hồng Quang – Phó chủ tịch UBND xã Đạ Đờn, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã gây ra tình trạng sụt lún, nứt đất tại một số khu vực thuộc thôn 4 và thôn Yên Thành. Hiện đất tại khu vực này đang có xu hướng lún xuống, chảy thành dòng từ trên đỉnh đồi xuống thung lũng.
Đất bị sụt, lún thành từng khối đất đã lớn, chiều dài hàng chục mét, khiến khoảng 5.000 m2 cà phê bị chôn vùi, ngã đổ. Con đường dân sinh được mở tạm vào cuối năm ngoái cũng đã bị nứt nghiêm trọng một đoạn khiến các phương tiện không qua lại được.
Khi đặt vấn đề gần khu vực sụt lún đất có tình trạng khai thác vàng có gây ảnh hưởng đến sụt lún đất thì ông ông Lê Hồng Quang cho rằng các hầm đào vàng trái phép được phát hiện cách đồi Chơ Niên khoảng 2 km, (nằm bên kia quả đồi).
Hiện trường vụ việc
Cách đây khoảng 10 ngày, UBND xã đã phát hiện tái diện tình trạng đào vàng trái phép, tiến hành triệu tập 3 hộ dân đang đào vàng trái phép để yêu cầu họ di chuyển toàn bộ máy móc lều trại ra khỏi khu vực nói trên. Đồng thời đã báo với UBND huyện Lâm Hà, lực lượng công binh tiến hành “đánh sập” các hầm vàng trái phép, để tránh những hậu quả khó lường.
Trước tình hình trên, trong các ngày 19 đến 21-9, các cơ quan chức năng huyện Lâm Hà và UBND xã Đạ Đờn vừa tiến hành khảo sát các vết nứt đất, tính toán để mở một con đường vòng nối hai thôn, cách vị trí bị sụt lún khoảng 200 m.
Tuy nhiên theo ông Lê Hồng Quang do chưa thống nhất được phương án đền bù giữa các hộ dân nên chưa thể triển khai công tác mở đường mới cho các hộ dân phía bên trong của khu vực sạt lở. Hiện UBND xã Đạ Đờn đang tiếp tục tiến hành thống kê thiệt hại để đề xuất phương án hỗ trợ cho người dân.
Trước đó, vào tháng 10-2017 tại khu vực nói trên, khu vực này từng bị sạt lở đất nghiêm trọng, chôn vùi hơn trên 15 ha cà phê của người dân đang trong thời kỳ thu hoạch và 1 km đường dân sinh. Các hộ bị thiệt hại đã được chính quyền địa phương hỗ trợ hơn 40 triệu đồng, tương đương 4 triệu đồng/ha cà phê.