(CAO) Hai năm qua người dân ở xóm 4, 5 thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, TP.Quy Nhơn nhiều lần kêu cứu đến chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định về các doanh nghiệp trong KCN Long Mỹ lưu chứa mì lát gây phát sinh mối mọt ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe.
Hơn 300 hộ dân xóm 4, 5 thôn Thanh Long xã Phước Mỹ phải sống chung với nạn mối mọt hoành hành phát tán từ các kho chứa mì lát của 4 doanh nghiệp Công ty Lương thực Miền Bắc, Doanh nghiệp Phú Lợi, Công ty TNHH MTV Sáng tạo Á Châu và Công ty TNHH Trung Hưng Kon Tum.
Công ty TNHH Trung Hưng Kon Tum
Ông Nguyễn Hồng Phong – Trưởng thôn Thanh Long bức xúc: “Trời nắng người dân trong thôn chịu không nỗi, mối mọt bay vào khắp nhà, người đi đường bị té xe vì chúng táp vào mặt. Thời điểm chúng hoành hành nhiều nhất là từ 17 giờ đến chiều sẫm tối lúc mọi gia đình sinh hoạt ăn cơm tối, chúng bay vào thức ăn, nước uống, bám trên quần áo nên nhà nào cũng phải đóng cửa”.
Anh Lê Văn Tuấn cùng thôn tiếp lời: “Từ khi các doanh nghiệp này chứa mì là cuộc sống người dân trong thôn rất cơ cực bởi nạn mối mọt hoành hành. Nhiều lần bà con kiến nghị lên UBND xã Phước Mỹ nhưng đâu vẫn còn đấy khiến dân rất bức xúc. Mối mọt bay khắp nhà, cắn trẻ em nổi hột ngứa khắp cơ thể, người già bưng bát cơm ăn mối mọt bay vào cứ thế ăn luôn.
Đồ ăn không đậy cẩn thẩn chúng bay vào nhất là các gia đình bán đồ ăn, cà phê. Mang ly cà phê ra khách chưa kịp uống chúng bay vào, khách thấy vậy bỏ luôn cả ly cà phê, muốn ăn tô bún phở cũng không dám ăn. Chúng tôi không thể sống chung với mối mọt như thế này, chính quyền di dời dân chúng tôi đi nơi khác sinh sống hoặc phải di dời các kho bãi chứa mì đi nơi khác thì mới chấm dứt được tình trạng này”.
Doanh nghiệp Phú Lợi
Bà Đặng Thị Tuyết Nhung – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ cho biết, UBND xã cũng đã gửi văn bản lên Ban quản lý Khu Kinh tế Bình Định về việc bụi gỗ, côn trùng của các doanh nghiệp trong KCN Long Mỹ phát tán ra khu dân cư làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa thể khắc phục tình trạng mối mọt vì kinh phí xử lý mối mọt rất cao. Thời điểm doanh nghiệp xuất mì lát thì không có mối mọt nhưng khi doanh nghiệp nhập mì lát về một tuần sau mối mọt lại xuất hiện hoành hành khắp thôn, xóm.
Không chỉ có người dân mà một số doanh nghiệp trong KCN Long Mỹ phản ảnh về việc côn trùng phát sinh tại các doanh nghiệp lưu chứa mì lát, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngày 13-4-2017 Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra hiện trường tại mặt bằng các doanh nghiệp lưu chứa mì lát.
Qua kiểm tra, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc sử dụng 3 nhà kho để lưu chứa mì lát với khối lượng khoảng 20.000 tấn, Doanh nghiệp Phú Lợi sử dụng 2 nhà kho để lưu chứa mì lát khối lượng 15.000 tấn. Các doanh nghiệp chưa đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động chế biến nông sản mà chỉ sử dụng kho để lưu chứa mì lát là không đúng mục tiêu ngành nghề đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư.
Tổng công ty lương thực miền Bắc chứa 20.000 tấn mì lát gây mối mọt
Trong quá trình lưu chứa để phát sinh ra côn trùng, phát tán ra môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp lân cận và nhân dân địa phương. Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định yêu cầu các doanh nghiệp phun thuốc sát trùng, khử trùng toàn bộ kho chứa mì lát để xử lý dứt điểm tình trạng côn trùng phát sinh và vận chuyển toàn bộ lượng mì lát lưu chứa ra khỏi mặt bằng doanh nghiệp.
Ông Ngô Văn Tổng – Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định thông tin thêm: “UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế kiểm tra xử lý theo thẩm quyền đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, trong đó có các doanh nghiệp chế biến nông sản. Tỉnh cho gia hạn đến ngày 30-6-2017 cho các doanh nghiệp không đầu tư thiết bị chế biến nông sản mà chỉ lưu chứa nông sản để bán thì sẽ tập trung về Khu kho bãi Nhơn Tân – thị xã An Nhơn. Khu công nghiệp Long Mỹ chỉ dành cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị chế biến nông sản công nghệ hiện đại. Đến hạn 30/6 kiên quyết giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường về chất thải bột đá và phát sinh côn trùng”.