Phòng chống dịch trên biển Tây Nam

Thứ Bảy, 31/07/2021 12:33  | Thiện Thảo

|

(CATP) So với đất liền, công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trên biển Tây nam cực kỳ khó khăn. Từ ngày bùng phát dịch, lực lượng biên phòng 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau luôn đảm bảo công tác tuần tra và phát hiện nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản chở người vượt biên giới trái phép.

Mạng lưới "an ninh nhân dân"

Theo Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang, địa phương có bờ biển dài gần 200km, với vùng biển rộng hơn 63.000km2 và có 143 đảo, trong đó có 43 đảo có dân sinh sống. Đặc biệt, quần đảo Phú Quốc, quần đảo Hải Tặc có vị trí địa lý rất gần với đất liền của Campuchia. Khác với đất liền, trên vùng biển, đảo có nhiều bãi ngang, bến thuyền tự phát, có hàng nghìn phương tiện hoạt động ngày đêm, khiến cho công tác kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC) gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới biển tại Hà Tiên là rất lớn.

Đến nay, BĐBP Kiên Giang đã tổ chức triển khai và duy trì nghiêm 144 chốt cố định, 24 tổ cơ động, 13 tàu, 2 xuồng, với sự tham gia tích cực của gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ. Riêng trên đảo Phú Quốc, hiện nay, đơn vị cũng đã triển khai 30 chốt kiểm soát, PCD Covid-19 và 8 tổ cơ động. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các đồn, đơn vị Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tổ chức 388 đợt tuần tra/1.544 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, bảo vệ an toàn đoạn biên giới, địa bàn phụ trách... Nhờ chủ động, tích cực, biết dựa vào sức mạnh của mạng lưới "an ninh nhân dân", chỉ tính từ đầu tháng 1-2021 đến nay, BĐBP Kiên Giang đã phát hiện, bắt giữ trên 40 vụ/230 đối tượng XNC trái phép qua biên giới.

BĐBP tỉnh Kiên Giang kiểm tra ngư dân trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch

Vừa qua trong lúc tuần tra, mật phục, BĐBP tỉnh Kiên Giang phát hiện 1 sà lan và 1 tàu kéo chạy từ Campuchia về Việt Nam hết sức khả nghi. Lực lượng tiến hành kiểm tra phát hiện trên tàu có 4 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Qua đấu tranh, 4 người trên tàu khai nhận thuê tàu sang Campuchia làm ăn, do thời điểm hiện nay dịch bệnh Covid-19 bên Campuchia bùng phát nên trở về Việt Nam trốn dịch.

Đại tá Võ Văn Sử, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, trước và ngay khi bùng phát dịch, lực lượng đã tập trung chỉ đạo toàn lực lượng vươn khơi, bám biển, có mặt trên từng hải lý; phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng mỗi người dân là một "pháo đài" chống dịch. "Lực lượng tuyên truyền cho ngư dân về tác hại của dịch bệnh, hành vi đưa người nhập cảnh trái phép... Qua đó, kêu gọi ngư dân phối hợp với lực lượng thì công tác phòng, chống dịch tăng hiệu quả”, đại tá Sử nói.

Anh Mai Văn Quốc (32 tuổi, ngụ phường Dương Đông, TP.Phú Quốc) nghề thu mua hải sản trên biển được BĐBP Kiên Giang tuyên truyền công tác phòng chống dịch cũng như hành vi vi phạm chở người nhập cảnh trái phép. Khi phát hiện những phương tiện nghi ngờ báo với BĐBP để cùng tham gia công tác phòng chống dịch. Khoảng tháng 5-2021, trong chuyến thu mua hải sản, anh Quốc phát hiện một phương tiện chở nhiều người từ Campuchia về Việt Nam. Anh gọi báo cho lực lượng biên phòng ngăn chặn, bắt giữ.

Anh Quốc cho biết, qua công tác vận động của BĐBP, anh cùng ngư dân thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên luôn tuân thủ biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế. Đồng thời, anh thường xuyên theo dõi, nắm tình hình những đối tượng qua lại bất hợp pháp để thông tin với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Anh Bùi Tấn Lượng cũng là ngư dân phường Dương Đông (TP.Phú Quốc) đang làm trên tàu cá hiệu Quốc Quỳnh. Anh Lượng cho biết, mỗi khi anh đến Trạm Biên phòng làm thủ tục ra khơi, anh đều nhận thêm tài liệu tuyên truyền trên biển để phát lại cho các bạn tàu khác ít có dịp vào bờ. Nhận tin báo của người dân xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc và Tổ bảo vệ Công ty cổ phần Vinpearl (chi nhánh Kiên Giang), lực lượng BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương đã phát hiện, bắt giữ 11 công dân nhập cảnh trái phép bằng đường biển từ Campuchia về Phú Quốc. Khai nhận ban đầu, các công dân này cho biết, sang Campuchia làm ăn, nhưng do lo sợ dịch bệnh bùng phát nên trốn về Phú Quốc bằng đường biển. Tuy nhiên, khi vừa tới xã Gành Dầu đã bị phát hiện, bắt giữ.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau thực hiện công tác kiểm tra

Bình yên cho cửa biển

Tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp, người lao động của tỉnh Cà Mau ở một số nước láng giềng đang đứng trước nguy cơ mất việc. Vì vậy, dự báo sẽ có nhiều người từ nước ngoài về nước và nhập cảnh trái phép vào tỉnh ta, nhất là các địa phương ven biển. Vì vậy, BĐBP tỉnh tăng cường công tác tuần tra trên biển.

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng ban chỉ đạo PCD Covid-19 cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có một số cá nhân vi phạm đưa người nhập cảnh trái phép bằng đường biển. Các đối tượng chưa có hành vi chống người thi hành công vụ, nhưng việc đưa người nước ngoài vào trái phép thì ngoài vi phạm quy định về xuất nhập cảnh còn mối nguy cơ có thể gây lây lan dịch bệnh Covid-19.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh kết hợp các đơn vị chức năng trong tỉnh tuần tra, kiểm soát. Tổng số trường hợp được phát hiện là 108 người, đã ra quyết định đưa vào các cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Đã xử lý khởi tố hình sự 2 vụ tàu cá đưa người nhập cảnh trái phép. Đến nay tình trạng này không còn hoặc còn nhỏ lẻ.

Tại các cửa biển tỉnh Cà Mau, lực lượng BĐBP luôn đảm bảo công tác tuần tra kiểm soát. Đồn Biên phòng Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đã tăng cường lực lượng trực 24/24 trực tại các tổ, chốt kiểm soát trên tuyến biển, chủ động nắm tình hình, phân công lực lượng thường xuyên tuần tra tại các nhánh sông thông ra biển, để ngăn chặn kịp thời những đối tượng từ nơi khác trốn cách ly về địa bàn.

Theo Đồn Biên phòng Sông Đốc, các đối tượng môi giới, chủ phương tiện đưa người nhập cảnh trái phép vào địa bàn thường lợi dụng trời tối, địa hình có nhiều cây cối che khuất tầm nhìn để lẩn trốn qua mắt lực lượng chức năng. Khi thi hành nhiệm vụ, đội tuần tra chia nhiều tổ tăng cường tuần tra ban ngày, lẫn ban đêm. Đặc biệt, rà soát kỹ những điểm nghi ngờ, thậm chí các lực lượng trong đội tuần tra phải trực tiếp lội xuống chân đê xem xét, đề phòng các trường hợp có thể xảy ra. Nhờ công tác trên nên cửa biển bình yên. Ngư dân nhận thức được công tác PCD Covid-19.

Tại Bạc Liêu, lực lượng BĐBP duy trì 3 tàu, tiếp nhận thêm một tàu của Hải quân Vùng 5 và một tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 với sự tham gia của hàng chục cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Ở 2 tàu Hải quân và Cảnh sát biển, BĐBP tỉnh đã cử 3 cán bộ trực tiếp chỉ huy. Nhiệm vụ của các tàu là chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực biên giới biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; tập trung đấu tranh với hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và PCD Covid-19. Hàng ngày, lực lượng kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền cho ngư dân chấp hành luật pháp, các quy định của Nhà nước, của địa phương về bảo vệ biên giới vùng biển.

An Giang - Đồng Tháp: Phòng chống dịch trên sông

Tại An Giang, Đồng Tháp công tác phòng chống dịch trên sông hết sức khó khăn. Thời gian qua, Ban lãnh đạo phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang phân công lãnh đạo đơn vị ứng trực 24/24 tại đơn vị, đồng thời thường xuyên xuống các chốt trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc giải quyết kịp thời những vướng mắc, phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Khu vực chốt kiểm soát với lòng sông rộng, nhưng gần bờ mực nước cạn, phương tiện trọng tải lớn không vào đến tận nơi, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã bố trí phương tiện võ lãi để đưa rước người từ các phương tiện lớn vào chốt kiểm tra. Tại đây, các lực lượng Công an, Y tế, Dân quân, Đoàn thanh niên... thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt, thử test nhanh...

Lực lượng y tế phối hợp Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang test nhanh kháng nguyên Covid-19

Ngoài ra, BĐBP tỉnh An Giang tích cực trong công tác phòng chống dịch. Theo BĐBP An Giang, công tác kiểm soát biên giới khó khăn nhất là lúc trời tối, trời mưa, nhưng với quyết tâm cao của các lực lượng Biên phòng, công an, dân quân và các lực lượng khác, công tác tuần tra vẫn đảm bảo an toàn tại các khu vực; có những đêm các lực lượng phải thức trắng để ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.

Bất kể ngày đêm, những buổi tuần tra luân phiên - khép kín luôn được các tổ, chốt (trung bình mỗi tổ được chia làm hai hoặc ba điểm) duy trì đều đặn, nhất là ở khu vực có nhiều đường mòn, lối mở như trong các vườn cây ăn trái liền kề của nhân dân hai nước, những đoạn sông nhỏ có mật độ dân cư sinh sống đông đúc trên các lồng bè, mọi dấu hiệu khả nghi đều được các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng quan sát, theo dõi nhằm phát hiện xử lý khi có tình huống.

Tại điểm nóng huyện An Phú, lực lượng phối hợp các cơ quan chức năng đã thành lập 77 chốt, trong đó có 53 chốt đường bộ và 24 chốt đường sông với gần 700 cán bộ, chiến sĩ tham gia canh trực, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và khép kín mọi đường mòn, lối mở, kênh rạch thông qua biên giới.

Tại Đồng Tháp, trong 50,5 km đường biên giới quản lý, có 40km đường biên giới trên sông, tình trạng xuất nhập cảnh và qua lại biên giới trái phép gia tăng diễn biến phức tạp... Công tác quản lý biên giới, phòng chống các loại tội phạm và phòng, chống dịch Covid-19 gặp khó khăn nhưng lực lượng BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng giữ vững vùng biên.

Các địa bàn trọng điểm có thể xảy ra hoạt động của các loại tội phạm, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép là Sông Tiền, cánh gà CKQT Thường Phước (đồn BP CKQT Thường Phước), sông Sở Thượng (Đồn BP Cầu Muống), sông Sở Hạ, cánh gà CKQT Dinh Bà (Đồn BP CKQT Dinh Bà) luôn được tuần tra kiểm soát 24/24. Thời gian qua, lực lượng phát hiện và bắt giữ hàng trăm đối tượng nhập cảnh trái phép trên sông.

Xuân Lan

Bình luận (0)

Lên đầu trang