(CAO) Là huyện vùng sâu, khu vực tiếp giáp biên giới của tỉnh Long An, Tân Hưng đã khai giảng năm học trước gần hai tuần do tránh mùa lũ. Trong danh sách, nhiều em có tên đậu vào lớp 10 nhưng vẫn chưa ra lớp. Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết chính do gia đình số học sinh này thật sự khó khăn trong cuộc sống…
Ngày 6-9, tìm thăm em Đỗ Thị Thùy Dương (16 tuổi, ngụ ấp 4, xã Thạnh Hưng) - đứa con được cha mẹ kỳ vọng nhiều nhất, em là học sinh khá giỏi liên tục nhiều năm liền tại Trường THCS Thạnh Hưng. Kỳ thi vừa rồi, Dương trúng tuyển vào lớp 10 với 37 điểm, xem như thí sinh đạt kết quả cao nhất ở ấp. Vậy mà đến ngày khai giảng, em đành phải ngậm ngùi chia tay trường lớp, bạn bè để “chính thức” thành cô nông dân nhỏ tuổi theo cha mẹ lo việc đồng áng.
“Muốn thoát nghèo phải cố gắng học. Em muốn tiếp tục học hết phổ thông rồi thi vào đại học, nhưng hoàn cảnh nghèo quá cha mẹ buộc em phải nghỉ học ở nhà đi làm lo cho hai em tiếp tục được đến trường”, Dương ngậm ngùi chia sẻ. Dù sống ở vùng nông thôn, nhưng gia đình lại không có nhiều đất, hàng ngày phải làm thuê kiếm sống nên nuôi cùng lúc ba đứa con đi học, cha mẹ em buộc lòng phải cho đứa con lớn nghỉ khi năm học mới bắt đầu. “Đang nhổ cỏ dưới ruộng, thấy bạn bè đạp xe tới trường mà rơi nước mắt. Tại nghèo đành chịu chứ biết làm sao”, giọng Dương buồn buồn.
Cùng chung hoàn cảnh đó, chị Cao Thị Thanh Vân (43 tuổi, ngụ ấp 1, xã Thạnh Hưng), phụ huynh em Võ Thị Kim Hiền (16 tuổi) cũng nén những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác buộc lòng nói với con: “Ở nhà đi làm đi con, gia đình mình nghèo lắm không thể kiếm tiền đóng học phí, may quần áo, sách vở. Là con gái thì đâu thể mặc đồ cũ, mà có một bộ thì phải làm sao lúc trời mưa ướt”.
Được biết, cuộc sống của chị Vân còn khó khăn hơn. Nhà ở nông thôn mà không có tấc đất để sản xuất, thu nhập chính là làm thuê bất kể việc gì để có cái ăn. Trường hợp anh Trần À Sa (40 tuổi, ngụ ấp Kênh Mới, xã Hưng Điền B) phụ huynh em Trần Văn Bảo (16 tuổi) cuãng không hơn là mấy. Anh cho biết: “Cho con nghỉ một phần là do em học yếu nhưng cái chính vẫn là tiền. Mới vào trường nghe thông báo đóng vài trăm ngàn học phí các thứ, sau đó phải mua sách vở, quần áo… Nhà xa, không có xe đạp thì càng khổ hơn nữa. Thôi quyết định cho nó ở nhà đi làm mướn cùng cha mẹ!”. Nhiều trường hợp còn lại, các em có học lực khá nhưng đành gác bút để bươn chải cho cuộc sống hiện tại.
“Vùng quê này còn nghèo lắm. Lam lũ mưu sinh như vậy cũng chỉ đủ ăn”, chị Vân cho biết thêm.
Trong 72 trường hợp không đến trường mùa khai giảng năm nay (2016-2017), hầu hết đều thuộc diện hoàn cảnh nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cha mẹ làm thuê làm mướn quanh năm. Một số em cũng thành thật tâm sự, nhìn thấy gia đình lam lũ suốt ngày mới kiếm đủ cái ăn nên không còn tha thiết đến trường.
Theo danh sách của ngành giáo dục, hiện tại trường THPT Tân Hưng có 29 em không đến lớp, trường THCS và THPT Hưng Điền B là 43 em. Thầy Nguyễn Ngọc Giao- Hiệu trưởng trường THCS và THPT Hưng Điền B cho biết: “Năm học 2016-2017, chỉ tiêu trường tuyển sinh 326 em học sinh khối cấp THPT. Đầu năm học mới có 275/326 em ra lớp”.
Thầy Nguyễn Thanh Hải- Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Hưng thì cho rằng: “Nhằm đảm bảo sĩ số học sinh đầu năm, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp UBND các xã đến tận nhà gặp từng trường hợp để tìm hiểu, động viên gia đình cho các em tiếp tục đến trường”.
Cái chữ đến với học sinh vùng sâu, biên giới vẫn còn muôn vàn khó khăn. Dù thật sự muốn tiếp tục học để chọn tương lai sau này, thế nhưng họ “lực bất tòng tâm” đành để con em nghỉ học vào đời bươn chải sớm. Liệu các em có vượt qua hay phải làm theo lời cha mẹ: lo cho cái ăn, chứ tiền đâu để tới trường…