TPHCM: Rác vẫn "bủa vây" nhiều nơi!

Thứ Tư, 23/02/2022 15:54

|

(CATP) Kênh rạch ô nhiễm và những tuyến đường "ngập" rác luôn là vấn nạn gây nhức nhối dư luận xã hội. Nhiều hệ thống kênh rạch ở TPHCM trở thành những bãi rác di động rất mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hiện tình trạng rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường tại các kênh rạch vẫn không thuyên giảm, dù trước đó chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều phương án xử lý.

Kênh rạch ô nhiễm nghiêm trọng

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dòng kênh Tàu Hũ vẫn đen ngòm vì nhiều người bỏ rác bừa bãi trên đường, thậm chí vứt thẳng xuống kênh. Dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn (Q7), hàng chục gia đình (đa số là người dân đến từ các tỉnh) sinh sống, buôn bán trên các xuồng ghe đậu san sát, hàng ngày họ xả thẳng xuống kênh lượng lớn rác thải đủ loại. Thêm vào đó còn có "phần đóng góp" của nhiều hộ dân xung quanh cùng lượng rác thải không nhỏ do người từ nơi khác mang đến bỏ lén dọc bờ kênh. Đó là chưa kể rác từ đâu theo dòng nước chảy về cộng với số từ các cống ngầm tích tụ theo dòng nước cuốn ra kênh, dẫn đến phía cuối dòng ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Khi thủy triều lên, rác trôi ra giữa dòng, nổi lềnh bềnh; thủy triều xuống, nhiều bãi rác dưới lòng kênh phơi ra bốc mùi. Trong đó, kênh Tẻ cũng lâm tình trạng tương tự. Ngoài ra, tại nhiều khu vực có các kênh rạch như quận 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, tình trạng rác thải vẫn tồn tại gây ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân.

Ngoài việc phục vụ giao thông đi lại bằng đường thủy thì kênh rạch còn thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nước, thế nhưng sự bồi lắng chất thải đang khiến các dòng kênh ở đây bị ô nhiễm với màu nước đen ngòm. Quận Gò Vấp cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm kênh rạch ở P14, nơi đây bị nhuộm đen bởi nước xả thải của các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Rác dọc hành lang đường sắt

Bãi rác tự phát trên nhiều tuyến đường

Đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, nối từ Q7 đến QL1A (đoạn đi qua huyện Bình Chánh), kết nối với đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương, từng là một trong những con đường có cảnh quan đẹp của thành phố. Tuy vậy, tại một số điểm, rác thải được tấp hàng đống vào lề đường, lấp kín gốc cây, tràn xuống kênh rạch, bốc mùi hôi thối. Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh trên lề đường thường xuyên đốt rác, để lại những vệt cháy nham nhở gây mất mỹ quan. Chạy dọc tuyến này, cứ vài trăm mét là có một bãi rác tự phát to nhỏ chất thành đống, những lô đất trống cũng bị biến thành nơi tập kết rác.

Được biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp với Công ty môi trường đô thị thu gom rác trên tuyến này, nhưng chỉ ít ngày sau người dân vẫn thản nhiên mang rác ra vứt trên trục này, có cả xác động vật. Buổi chiều, một số người còn kéo đến các bãi đất trống tổ chức ăn nhậu, hát hò rồi bỏ đi, không hề dọn dẹp. Những người bán dạo nông sản cũng vô tư trút rác xuống hai bên đường. Người dân nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng tình trạng trên vẫn không giảm.

Đáng lo là nhiều đoạn hành lang an toàn đường sắt ở TPHCM cũng đang trở thành nơi chứa rác. Trong đó, tuyến đường sắt dọc đường Kha Vạn Cân (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) thường xuất hiện các bãi rác do người dân lén đổ gây mất vệ sinh và mỹ quan. Dù chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn!

Thời gian qua, một số quận huyện trên địa bàn TPHCM đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường, trong đó có áp dụng hệ thống camera giám sát an ninh, nhưng không xuể, bởi việc ghi hình, xử phạt xả rác qua "mắt thần" vẫn còn bất cập, nhất là với người từ nơi khác mang rác đến dù có ghi nhận được biển số xe cũng khó tìm ra tên tuổi, địa chỉ. Chính vì thế rất cần thêm quy định tăng nặng mức xử phạt, bổ sung chế tài bắt buộc như công khai tên tuổi trên phương tiện truyền thông, gửi thông báo về địa phương và cơ quan chủ quản, phạt lao động công ích... đối với những người cố tình tái phạm.

Việc này nên giao cho từng phường tự quản lý và phải có người chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xả rác nơi công cộng. Hiện nay, việc xả rác ra kênh rạch là "bệnh kinh niên", chính quyền cần mạnh tay xử phạt nặng, làm phải đến nơi đến chốn thì người dân mới thực hiện nghiêm túc.

Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, chất thải nhựa vẫn ở mức rất cao. Đây là "gánh nặng" nghiêm trọng cho môi trường. Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nylon chiếm khoảng 8% - 12%; lượng rác thải nhựa, túi nylon tăng dần theo từng năm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang