Bệnh viện Thống Nhất vững vàng tuyến đầu chống dịch

Thứ Ba, 28/09/2021 13:34

|

(CATP) Thành lập năm 1975, Bệnh viện Thống Nhất (Bộ Y tế) có nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, nhân dân các tỉnh phía Nam và khu vực lân cận, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe Trung ương. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng với các bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế và Trung ương, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Thống Nhất đã gác lại những công việc riêng để dốc hết sức lực và tâm trí tham gia phòng chống dịch.

Trong hơn 100 ngày kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Thống Nhất dường như chỉ có thể nhận biết nhau qua dòng tên trên bộ đồ bảo hộ. Từ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, tiêm ngừa vắc-xin đến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, công tác nào cũng đầy nguy cơ lây nhiễm. Màu áo xanh, áo trắng trở thành trang phục không thể tháo rời của họ trong nhiều tháng.

Dàn lực lượng trên nhiều mặt trận

Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 tái bùng phát, Bệnh viện Thống Nhất là đơn vị tích cực tham gia vào việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng cũng như chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thần tốc của TPHCM với từ 5 - 6 ngàn liều mỗi ngày. Đây cũng là một trong những bệnh viện đầu tiên tham gia vào bệnh viện dã chiến.

Tháng 7-2021, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố lên đến con số hàng nghìn người. Để đảm bảo điều trị tốt cho bệnh nhân, Bệnh viện Thống Nhất huy động trên 200 bác sĩ, điều dưỡng, KTV chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 8 (thành phố Thủ Đức). Thời điểm này cũng là lúc hầu hết các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TPHCM gần như quá tải, việc chuyển tuyến cho bệnh nhân từ bệnh viện này sang bệnh viện khác trở nên khó khăn, thêm vào đó các bệnh viện dã chiến chưa đủ để đảm nhiệm chức năng thu dung điều trị bệnh.

Y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 8

Xuất phát từ thực tế đó, lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Tân Bình, khẩn trương thành lập bệnh viện dã chiến đa tầng để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ nhẹ đến nặng, nhằm tiết kiệm việc di chuyển, đồng thời giảm thiểu số ca mắc chuyển từ nhẹ sang nặng.

Ngày 18-8-2021, đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình được thành lập trên cơ sở trưng dụng hạ tầng cơ sở của Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình (số 446 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình) với quy mô 1.000 giường, gồm 3 tầng điều trị với 50 giường hồi sức, 150 giường cho bệnh nhân nặng, 500 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình và 300 giường cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành chung của bệnh viện.

Tuy là bệnh viện dã chiến, nhưng Bệnh viện Đa tầng Tân Bình được nói là được trang bị đầy đủ thiết bị và dụng cụ y tế, có cả máy lọc máu và hệ thống oxy trung tâm.

Bệnh viện Dã chiến Đa tầng Tân Bình hoạt động theo mô hình "ba trong một" từ trung tuần tháng 8-2021 và sau hơn một tháng bệnh viện này giảm được tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 từ 5% xuống dưới 3%.

Tất cả các kỹ thuật điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng đều được thực hiện tại đây

Thực hiện tất cả các kỹ thuật tiên tiến: ECMO, lọc máu ngắt quãng, lọc máu hấp phụ, các hình thức thở máy như thở máy xâm lấn để đảm bảo việc chăm sóc cho người bệnh, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn lực từ các bệnh viện và Trung tâm Y tế quận Tân Bình, Bệnh viện Thống Nhất phân bổ gần 140 y bác sĩ (có cả nhân viên y tế nghỉ hưu) của đơn vị cùng tham gia, đồng thời trang bị 150 đầu oxy, nhiều máy thở, máy xét nghiệm, X-quang tại chỗ.

Bệnh viện dã chiến Tân Bình

Từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19: thu dung được các bệnh nhân trong cộng đồng, người bệnh không phải chuyển sang các đơn vị hồi sức khác, tỷ lệ ra viện rất cao và tử vong ngày càng giảm thấp, việc chuyển tuyến của bệnh nhân trên địa bàn Tân Bình cũng vô cùng thuận lợi. Hiện nay gần như không có tử vong trong cộng đồng, tử vong trong các khu tập trung Covid và Bệnh viện đa khoa Tân Bình. Đến nay, sau hơn một tháng hoạt động, nơi đây đã điều trị khỏi bệnh cho khoảng 300 bệnh nhân.

Song song với việc tăng cường lực lượng cho các bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Thống Nhất đẩy mạnh công tác khám sàng lọc, đảm bảo không để SARS-CoV-2 xâm lấn vào trong bệnh viện. Đồng thời, duy trì các kỹ thuật điều trị tại bệnh viện, đảm bảo tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố và khu vực.

Bệnh viện đầu tiên lập khoa hồi sức, phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau điều trị Covid-19

Sau thời gian điều trị Covid-19, mặc dù người bệnh đã phục hồi và có kết quả âm tính, tuy nhiên nhiều bệnh nhân sau đó vẫn phải chịu tác động từ những di chứng, biến chứng do virus SARS-CoV-2 gây nên. Sự tổn thương tâm lý và tinh thần, nhất là ở những bệnh nhân bị Covid-19 nặng thường rất nghiêm trọng. Đặc biệt, trên những bệnh nhân lớn tuổi hay người có nhiều bệnh phối hợp thì đây là lúc các bệnh nền dễ bộc phát do thiếu điều trị chuyên khoa trong thời gian mắc Covid-19. Vì vậy, việc hỗ trợ điều trị chăm sóc trong giai đoạn phục hồi càng sớm thì hậu quả của căn bệnh (nếu có) càng nhẹ, hoặc có khi không để lại chút di chứng nào.

Điều trị cho bệnh nhân hậu Covid-19

Xuất phát từ thực tế điều trị bệnh nhân Covid-19 cùng kinh nghiệm điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân đa bệnh lý và thế mạnh khám chữa bệnh người cao tuổi, ngày 6-9-2021, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh ký quyết định thành lập "Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau Covid-19", bao gồm 8 bác sĩ và 16 điều dưỡng được điều động từ các chuyên khoa, điều trị kết hợp giữa phục hồi chức năng với điều trị bệnh nền của các chuyên khoa (Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Nội tiết..), giữa Đông và Tây y, giữa điều trị hiện đại với y học cổ truyền, điều trị tâm lý, dinh dưỡng sau Covid-19.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Thống Nhất còn thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả, tính an toàn thuốc kháng virus được uống Molnupiravir đối với các bệnh nhân vừa và nhẹ. Hiện bệnh viện đã hoàn thành nghiên cứu pha 2 và sắp hoàn thành pha 3. Những nghiên cứu này giúp sớm đưa các thuốc điều trị Covid-19 đến bệnh nhân và cộng đồng. Song song đó, bệnh viện cũng kết hợp với Khoa Y học cổ truyền của bệnh viện Đại học Y Dược nghiên cứu các thuốc y học dân tộc để điều trị cho bệnh nhân mắc SARS-CoV-2, đồng thời nghiên cứu sử dụng các chế phẩm y học dân tộc trong việc phục hồi các chức năng bệnh nhân sau Covid.

Tiêm ngừa cho bệnh nhân nội trú

Nhiều y bác sĩ dấn thân vào cuộc chiến

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm Giám đốc bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình cho biết, Bệnh viện Thống Nhất có khoảng 1.300 cán bộ nhân viên (trong đó có 350 bác sĩ, 50 dược sĩ, còn lại là điều dưỡng và các khâu khác). Để đảm bảo thực hiện cùng lúc 4 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, gồm: phòng chống Covid-19, điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện, điều trị cho các bệnh nhân hậu Covid-19 và nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Thống Nhất dàn trải lực lượng trên tất cả các mặt trận. Dù lực lượng mỏng, mỗi người phải làm việc gấp hai gấp ba lần so với giai đoạn trước dịch bệnh nhưng đến giờ phút này bệnh viện vẫn đảm bảo an toàn và làm việc hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đây là nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên y tế bệnh viện.

Với cương vị Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm Giám đốc bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ cố gắng duy trì hoạt động, tham gia tốt công tác phòng chống dịch cũng như điều trị tốt cho cán bộ và nhân dân trong khu vực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang