Cẩn trọng trước nguy cơ bùng dịch sởi

Chủ Nhật, 16/06/2024 16:22  | Trung Hiếu

|

(CATP) Thông tin từ Viện Pasteur TPHCM, tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, tình hình bệnh sởi tại 20 tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam có chiều hướng tăng bất thường so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh nhân được phát hiện tại nhiều tỉnh, thành: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh…

Chỉ tính riêng tại TPHCM đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh sởi (Q.Bình Tân 8 ca, H.Hóc Môn 5 ca, H.Bình Chánh 2 ca, Q8 có 1 ca). Trong khi đó, đại dịch Covid-19 trong năm 2020 - 2021 và tình trạng gián đoạn cung ứng vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng năm 2022 và 2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ bao phủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc-xin phòng bệnh sởi nói riêng tại các tỉnh, thành phía Nam.

Tính đến hết tháng 5/2024, tỉ lệ bao phủ vắc-xin phòng bệnh sởi của trẻ em sinh từ năm 2019 - 2023 tại TPHCM đều chưa đạt 95%. Kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng phòng bệnh sởi do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới và BV Nhi Đồng 1, bước đầu cho thấy tỉ lệ có kháng thể phòng bệnh sởi ở trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi chỉ đạt 86%. Trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi thì tỉ lệ miễn dịch cộng đồng phải đạt trên 95%. Do đó, nguy cơ bùng dịch sởi tại TPHCM trong thời gian tới là khá cao.

Trước tình hình trên, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống bệnh sởi của ngành Y tế TPHCM năm 2024, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi, ngăn chặn, không để lây lan diện rộng trong cộng đồng, hạn chế lây lan trong BV và không có ca tử vong do sởi.

Theo Sở Y tế, trước hết cần giám sát, phát hiện số ca bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời điều tra, lấy mẫu huyết thanh đối với tất cả trường hợp có các biểu hiện sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng: ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp đến khám hoặc nhập viện. Đồng thời, khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trong vòng 24 giờ đối với các trường hợp ca có thể và ca xác định.

Cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nhanh chóng triển khai đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi ở quy mô quận, huyện, theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Viện Pasteur TPHCM.

Cần tư vấn tiêm chủng cho những trẻ chưa được tiêm đủ các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (ảnh minh họa)

Bước kế tiếp là chú trọng tăng cường miễn dịch cộng đồng, gồm: triển khai tiêm bù mũi các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn TPHCM năm 2024; tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ mầm non, học sinh tiểu học trong các nhóm trẻ gia đình, trường học công lập và ngoài công lập, tại cộng đồng; tư vấn tiêm chủng cho trẻ em chưa được tiêm đủ các vắc-xin bắt buộc theo Chương trình tiêm chủng mở rộng... Ước tính sẽ tiêm bổ sung vắc-xin sởi cho 517.250 trẻ (sinh từ ngày 01/01/2018 đến 31/8/2023) theo hình thức tiêm chiến dịch tại trường học, trạm y tế và các BV. Dự kiến thời gian tổ chức chiến dịch từ tháng 7/2024 đến tháng 9/2024. Đặc biệt, Sở Y tế nhấn mạnh, cần khẩn trương mua vắc-xin để đáp ứng tiến độ.

Công tác kiểm soát dịch trong cộng đồng cũng cần được quan tâm đúng mức nhằm góp phần củng cố hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, chú trọng phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và trường mầm non. Các công tác khác như: thu dung điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe và liên kết vùng trong chống dịch sởi cũng phải được chú trọng, nhằm bảo đảm công tác khám, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân sởi.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian thực hiện kế hoạch chủ động phòng, chống bệnh sởi của ngành Y tế TPHCM năm 2024 diễn ra từ tháng 6/2024 đến hết tháng 12/2024.

Bình luận (0)

Lên đầu trang