Chữa bệnh tự kỷ bằng châm cứu

Thứ Ba, 12/09/2017 14:08  | Ngô Đồng

|

(CAO) Mặc dù chưa phải là phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng ngày càng có nhiều nước trên thế giới sử dụng châm cứu để điều trị cho trẻ em mắc hội chứng tự kỷ.

Trẻ tự kỷ có thể bị tàn phế nếu không được chữa trị

Theo Thầy thuốc ưu tú BS Nguyễn Quốc Văn, Trưởng khoa Điều trị chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, hội chứng tự kỷ là một chứng rối loạn quá trình phát triển tâm lý ở trẻ em về ngôn ngữ, giao tiếp, quan hệ xã hội, hành vi, cảm xúc, trí tuệ,.. thường xuất hiện trước 3 tuổi.

Hiện nay trên thế giới chưa có nghiên cứu nào khẳng định nguyên nhân gây tự kỷ, song một số yếu tố nguy cơ được cho là có liên quan. Chẳng hạn như yếu tố di truyền trên gen yếu, các tác nhân môi trường trước sinh, người mẹ bị nhiễm trùng hoặc dùng thuốc khi mang thai, thai phụ có vấn đề về tuyến giáp, căng thẳng trước khi sinh...

Các triệu chứng của trẻ tự kỷ thường xuất hiện trước 3 tuổi như không biết cười, chơi một mình, giao tiếp mắt kém, không hòa nhập,... Thường lập lại một số hành vi hoặc cử động cơ thể nhất định nào đó; sự tập trung chú ý cực kỳ ngắn hoặc không có. Không đáp ứng khi gọi tên, giống như bị điếc, không biết chỉ hoặc vẫy tay chào tạm biệt. Xuất hiện những cơn nổi dậy, tăng động, không hợp tác, chống đối, đi nhón gót, gắn bó khác thường với một đồ chơi nào đó, quá nhạy cảm với súc giác và âm thanh, có những kiểu vận động ngón tay hoặc cơ thể khác lạ;...

Tự kỷ chưa có nguyên nhân rõ ràng do đó đến nay chưa có biện pháp chữa trị triệt để. Song điều đó không có nghĩa là không có những phương pháp chăm sóc, điều trị giúp cải thiện tình trạng của trẻ, giúp các em hòa nhập tốt hơn với cuộc sống. Ảnh minh họa

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu, điều tra, thống kê chính thức số trẻ mắc tự kỷ. Tuy nhiên, nếu ước lượng theo tỉ lệ của Anh: Việt Nam có 83 triệu dân thì trong đó sẽ có khoảng trên 160.000 người tự kỷ. Riêng tại Bệnh Viện Châm cứu Trung ương, những năm vừa qua, mỗi năm có trên 1.500 lượt trẻ bị hội chứng tự kỷ đến điều trị.

BS Nguyễn Quốc Văn chia sẻ: "Do hội chứng tự kỷ cần điều trị lâu dài, nhiều đợt và số trẻ bị bệnh mới ngày càng gia tăng nên các cơ sở điều trị, giáo dục bị quá tải, các cháu phải điều trị và học tập trong môi trường chật chội; có nơi các cháu chỉ được học 1-2 buổi/tuần,... đấy là các cháu may mắn được học tập và rất nhiều cháu khác còn không có nơi để học. Hậu quả khi không được chữa trị hoặc điều trị không đạt kết quả như mong muốn có thể khiến các cháu bị tàn phế, không học tập được, không tự phục vụ cho bản thân các hoạt động hàng ngày được… dẫn đến là gánh nặng cho gia đình và xã hội".

Cấy chỉ, thủy châm, điện châm rất có tác dụng với trẻ tự kỷ

Mặc dù chưa phải là phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng ngày càng có nhiều nước trên thế giới sử dụng châm cứu để điều trị cho trẻ em mắc hội chứng tự kỷ. Thông qua việc tác động vào các huyệt vị bằng các phương pháp điện châm, thủy châm, cấy chỉ, châm cứu giúp điều trị thanh nhiệt, tỉnh thần, khai khiếu, bổ ích ngũ tạng, bổ dưỡng khí huyết, thông kinh hoạt lạc, cân bằng âm dương… Một khi cơ thể cân bằng âm dương thì sức khỏe cũng sẽ tốt, mọi bệnh tật sẽ tự động bị đẩy lùi, trong đó có chứng tự kỷ.

"Các nghiên cứu cho thấy, nếu áp dụng phương pháp phối hợp: điện châm, thủy châm, giáo dục kỹ năng sống, đạt kết quả 60% hòa nhập, trong đó có trên 20% các trẻ đi học được. Các trẻ đã biết giao tiếp với mọi người xung quanh, đã biết nghe lời ông bà và bố mẹ, nói đúng mục đích, học tập và tiếp thu tốt hơn…", BS Nguyễn Quốc Văn chia sẻ.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu áp dụng phương pháp phối hợp: điện châm, thủy châm, giáo dục kỹ năng sống, đạt kết quả 60% hòa nhập, trong đó có trên 20% các trẻ đi học được. Ảnh minh họa

Từ năm 2012, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã thành lập khoa điều trị chăm sóc cho trẻ tự kỷ, hiện trung bình mỗi ngày, đơn vị này điều trị cho khoảng 80-90 trẻ. Ngoài các biện pháp thủy châm, điện châm, cấy chỉ, châm cứu, trẻ cũng được dạy kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, chấn chỉnh hành vi. Đến nay, hiệu quả của điều trị bằng y học cổ truyền được xác nhận có đến 60% trẻ tự kỷ điều trị sớm có thể hòa nhập với cuộc sống, trong đó có khoảng 25% trẻ đi học bình thường.

Tính ưu việt của phương pháp châm cứu là bệnh nhi có khả năng hồi phục cao, không bị ngộ độc thần kinh. Việc châm cứu bằng thuốc bổ não và thuốc nhóm vitamin sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhi.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Quốc Văn khuyến cáo, phương pháp này có hiệu quả cao nhất đối với trẻ dưới 3 tuổi, đây là thời gian vàng để điều trị cho trẻ tự kỷ. Đối với trẻ trên 6 tuổi, tỷ lệ hòa nhập, đi học đạt rất thấp. Do vậy, phụ huynh cần chú ý theo dõi phát hiện các biểu hiện tự kỷ ở trẻ để có thể can thiệp kịp thờ

Các bệnh nhi mắc hội chứng tự kỷ nói riêng cũng như các bệnh nhân bị suy giảm trí tuệ, mất ngôn ngữ, tăng động được phục hồi hành vi… phụ huynh cần phải đưa trẻ đi điều trị sớm, thời điểm tốt nhất là khoảng 3 tuổi để có sự can thiệp hiệu quả. Đồng thời, các chuyên gia khuyến cáo cần phải kết hợp song hành phương pháp điều trị không dùng thuốc để bệnh nhi phát triển toàn diện hơn. Điều này phải có sự phối hợp từ các bậc cha mẹ bệnh nhi.

Tư vấn, điều trị hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ và thiểu năng não tại Viện Y học dân tộc TP.HCM

Nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc người bệnh ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM vừa tiếp nhận gói kỹ thuật cao “Tư vấn, điều trị hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ và thiểu năng não” và gói kỹ thuật cao “Điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người liệt” từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Theo TS BS Trương Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Đào tạo – Nghiên cứu – Chỉ đạo tuyến Viện y dược học dân tộc TP.HCM, với chứng tự kỷ, châm cứu rất hiệu quả trong việc tăng độ tập trung chú ý của trẻ, tăng độ hiểu lời của trẻ.

Để có thể triển khai kỹ thuật này, Viện Y dược học dân tộc TP đã cử các bác sĩ, nhân viên BV đi học tập cách đây 3 năm với hy vọng tạo thêm cơ hội cho trẻ tự kỷ ở khu vực phía Nam được tiếp cận thêm một phương pháp điều trị mới.

Trước đây, các bác sĩ của Viện Y dược học dân tộc TP cũng đã áp dụng cấy chỉ, điện châm trong điều trị tự kỷ nhưng chỉ là các ca đơn lẻ, chưa thành quy trình như Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

“Sau khi hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Y tế đưa kỹ thuật này vào danh mục được Bảo hiểm y tế thanh toán nhằm giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân do quá trình điều trị này tương đối lâu dài và tốn kém”, TS BS Trương Thị Ngọc Lan cho hay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang