Giãn cách xã hội là chìa khóa thành công trong phòng chống dịch bệnh

Thứ Sáu, 10/04/2020 23:05

|

(CAO) Theo TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, giãn cách xã hội chính là chìa khóa thành công mà không cần dược phẩm trong giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Báo Công an TP.HCM giới thiệu bài viết của TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đến đọc giả để cùng có thêm thông tin hữu ích, chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19:

TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chia sẻ thông tin trong ngày bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm covid-19 (bệnh nhân đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam) được xuất viện. Ảnh: Ngô Đồng

"Giãn cách xã hội hay cách ly xã hội là từ mà chúng ta rất thường nghe trong thời gian gần đây. Tuy không cùng một thời gian nhưng hầu như tất cả các quốc gia trên Thế giới có người nhiễm bệnh Covid-19 đã lần lượt thực hiện. Vậy bản chất của biện pháp này là gì?

Khi virus đột biến lây từ động vật sang người gây ra một căn bệnh lạ, nếu người đó là Robinson sống ngoài hoang đảo thì chẳng ai bị ảnh hưởng ngoài chính bản thân anh ấy.

Sẽ có hai tình huống xảy ra sau khi Robinson nhiễm bệnh. Thứ nhất, là kháng thể của anh ta chiến thắng virus, Robinson sẽ khỏi bệnh và virus bị tiêu diệt; Thứ hai, là virus chiến thắng và Robinson sẽ chết. Nhưng dù là ở tình huống nào đi chăng nữa thì virus cũng sẽ chịu chung một cái kết, đó là chúng không thể tồn tại và sản sinh ra thế hệ tiếp theo.

Lý do, ở tình huống thứ nhất nó bị kháng thể của người bệnh tiêu diệt, cha mẹ chết không thể sản sinh ra thế hệ con cháu. Ở tình huống thứ hai khi người bệnh tử vong, virus cha mẹ sẽ không tìm được tế bào sống nào để chui vào để sản sinh ra thế con cháu. Căn bệnh chấm dứt sau khi xuất hiện một thời gian ngắn.

Khác với ngoài hoang đảo, nếu căn bệnh xuất hiện trong một cộng đồng. Một người đầu tiên nhiễm bệnh như Robinson có thể sẽ lây truyền virus sang cho vài người tiếp xúc gần anh ta. Mỗi người trong những người mới nhiễm bệnh lại lây truyền cho vài người khác. Cứ như thế bệnh lan truyền trong cộng đồng tạo ra dịch bệnh.

Như vậy, chủng virus gây bệnh không thể bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn vì chúng luôn tìm được tế bào sống ở người khác để sản sinh ra thế hệ kế tiếp. Chỉ sau một thời gian dài hoành hành thì có thể virus mới dần bị tiêu diệt khi đã có rất nhiều người trong cộng đồng khỏi bệnh. Lý do là, những người khỏi bệnh đã có kháng thể chống lại virus sẽ tạo ra lá chắn chống lại sự lây lan của virus. “Miễn dịch cộng đồng” thụ động đã được hình thành, chỉ có điều đã quá nhiều người đã chết giống như tình huống thứ hai của Robinson. Đấy cũng chính là tình trạng người dân của Ý, Tây Ban Nha đang phải trải qua.

Covid-19 lan đến Việt Nam rất sớm, sau khi dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán. Cả nước nỗ lực chống dịch, đã có lúc hy vọng dập tắt được dịch bệnh đã bùng lên trong giai đoạn 1. Nhưng thực tế chúng ta mới chỉ đạt được mục tiêu khống chế số người nhiễm bệnh thấp nhất có thể và chưa để ai tử vong.

Sau thành công lớn ở giai đoạn đầu, nhưng tới nay mối lo ngại nhất cũng đã xảy ra, dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng với sự mất dấu của F0. Không biết ai là F0, có nghĩa người đó vẫn có thể đang âm thầm lây bệnh cho người khác mà không ai biết. Cũng có nghĩa là bất cứ ai quanh ta cũng có thể là người mang virus chưa phát bệnh. Và như vậy các biện pháp phát hiện người bệnh để cách ly đã không còn mang vai trò chủ đạo, cần phải áp dụng biện pháp khác.

Bên cạnh đó, không ít tin xấu về covid này được xác định: bệnh có thể lây truyền trong thời gian người nhiễm không triệu chứng; thời gian ủ bệnh có khả năng kéo dài hơn 14 ngày; xuất hiện những bệnh nhân dương tính lại sau khi đã điều trị; vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu vẫn chưa xác định…. Nguy cơ lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng giờ đây cao hơn bất cứ lúc nào kể từ đầu mùa dịch. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Giãn cách cộng đồng, cách ly xã hội chính là điều mà người ta muốn tái hiện trường hợp nhiễm bệnh của Robinson. Nếu người dân ở nhà, tránh tiếp xúc gần với người khác, thực hiện việc phòng ngừa cá nhân cho tốt thì mỗi chúng ta đang tự tạo cho mình một hoang đảo để sống, để triệt tiêu điều kiện thuận lợi cho virus phát triển dẫn tới tiêu diệt căn bệnh mà không cần thuốc. Vậy GIÃN CÁCH XÃ HỘI chính là CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG MÀ KHÔNG CẦN DƯỢC PHẨM TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH BỆNH LÂY LAN TRONG CỘNG ĐỒNG.

Giãn cách xã hội tuy là biện pháp hữu hiệu để dập dịch, tuy nhiên cái giá phải trả của nó là không hề nhỏ. Kinh tế xã hội trì trệ. Chỉ vài tháng qua, cả thế giới đã phải chi khoảng 8.000 tỷ USD cho việc ngăn chăn đại dịch này, chưa kể đến những chi phí tiếp theo đến khi dịch thoái lui. Rồi sau đại dịch, tình trạng lạm phát, thất nghiệp, thiếu hàng hóa... gia tăng sẽ còn là vấn đề đau đầu cho tất cả các quốc gia. Quốc gia nào chống dịch tốt, thời gian giãn cách xã hội ngắn thì hậu quả sẽ nhẹ nhàng và ngược lại.

Mặt khác, việc toàn bộ người dân phải thay đổi thói quen sinh hoạt xưa nay bằng áp đặt cuộc sống theo khuôn khổ mới một cách đột ngột không phải dễ thực hiện. Dân tộc nào không đồng lòng thực hiện việc giãn cách xã hội thì virus vẫn còn có kẽ hở tồn tại và tiếp tục lây lan trong những nhóm người không thực hiện. Nó như những mồi lửa âm ỉ chực chờ bùng phát trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Cũng đồng nghĩa là không thể chấm dứt sớm việc giãn cách xã hội hoặc biện pháp này sẽ phải tái lập lại khi số lượng người bệnh tăng vọt trở lại như Hàn, như Nhật hiện nay.

Biện pháp giãn cách xã hội cũng không thể kéo quá lâu hay tái lập nhiều lần vì nhu cầu kinh tế xã hội không cho phép, có nghĩa khi đó biện pháp giãn cách xã hội được coi là thất bại. Con đường duy nhất lúc đó là phải dựa vào miễn dịch cộng đồng thụ động bất chấp hậu quả về số người mắc bệnh, số người tử vong và những chi phí khủng khiếp để giải quyết hậu quả của dịch bệnh. Chắc chắn bất cứ người dân nào kể cả giàu và nghèo trong một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như thế cũng phải trả những cái giá rất đắt không những về kinh tế mà còn cả mạng sống của bản thân cũng như thân nhân của họ.

Vậy bạn muốn làm gì trong bối cảnh Việt nam hiện nay? Tùy theo sự suy nghĩ của bạn. Còn tôi, thà phải chịu thay đổi thói quen sinh hoạt trong hai tuần hay thậm chí vài tuần còn hơn là thỏa mãn nhu cầu của mình trong chốc lát rồi phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc đã biết trước.

Sống chậm lại và khám phá những khả năng tiền ẩn trong con người chính mình trong thời gian này. Bạn có thể sẽ có những sáng tạo, hành động thiết thực giúp ích cho gia đình và cộng đồng".

Thủ tướng chủ trì
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang