Lần đầu tiên thiết bị đọc tự động phát hiện ung thư được ứng dụng tại Việt Nam

Thứ Hai, 27/11/2017 08:49  | Ngô Đồng

|

(CAO) Một thiết bị đọc hình ảnh tế bào tự động để xác định ung thư cổ tử cung lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam. Thiết bị đọc tự động này xác định chính xác những vùng có khả năng ung thư cổ tử cung rồi sau đó đưa ra kết luận cuối cùng.

Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM vừa đưa kỹ thuật đọc hình ảnh tế bào tự động Thinprep 12 về Việt Nam để tầm soát ung thư cổ tử cung. Thiết bị này giúp người bệnh phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cũng như giúp bác sĩ điều trị xác định chính xác kết quả tế bào ung thư sớm và đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh.

Cụ thể, thiết bị này có khả năng quét toàn bộ hình ảnh tế bào trên tiêu bản, định vị ra 22 vùng khả nghi nhất dựa trên công nghệ hình ảnh và thuật toán tích hợp trong phần mềm, gọi là đọc lần 1. Sau đó các nhà tế bào học sẽ đọc 22 vùng được chọn đó và đưa ra kết luận cuối cùng gọi là đọc lần 2.

Như vậy với công nghệ Dual Review (đọc 2 lần) mang lại cho người bệnh kết quả chẩn đoán chính xác nhất, giảm tỷ lệ âm tính giả 39% số với phương pháp đọc thông thường đồng thời tăng tỷ lệ phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung mức độ cao lên 38%, vì dù trên tiêu bản chỉ có 1 tế bào bất thường máy cũng có khả năng phát hiện ra và định vị lại.

Theo BS Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng thứ 2 ở phụ nữ, sau ung thư vú. Mỗi năm tại Việt Nam có thêm 5.000 ca mắc ung thư cổ tử cung và hơn 2.000 ca tử vong. Nguyên nhân gây ra loại ung thư này là xuất phát từ việc nhiễm virus HPV.

BS Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM

"90% ung thư cổ tử cung đều có nhiễm virus HPV. Ngoài ra, việc có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, di truyền,... cũng được xem là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung", BS Nghiêm cho hay.

Để tầm soát ung thư cổ tử cung, BS Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM khuyến cáo, tốt nhất người bệnh nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Phương pháp hiện đại nhất hiện nay là ứng dụng kỹ thuật tìm virus HPV đánh giá nguy cơ ung thư. Đây là kỹ thuật mới nhất được áp dụng tại Việt Nam.

Phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm để tầm soát và điều trị sớm nếu phát hiện bệnh. Ảnh minh họa

"Tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu làm từ độ tuổi 21 ở phụ nữ. Phụ nữ từ trong độ tuổi 21-29 chỉ cần làm xét nghiệm tế bào học, và làm mỗi 3 năm 1 lần.

Phụ nữ từ độ tuổi 30-65 nên làm xét nghiệm contesting (Pap + HPV test), khuyến nghị tầm soát mỗi 5 năm nếu làm contesting hoặc 3 năm 1 lần nếu tầm soát bằng PAP nhúng dịch.

Đối với phụ nữ lớn hơn 25 tuổi, xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm bộ đôi Cotesting (PAP+HPV test) vẫn được khuyến nghị như 1 chương trình tầm soát lựa chọn.

Trường hợp đặc biệt, đối với các nhóm phụ có nguy cơ cao như nhóm phụ nữ nhiễm HIV, nhóm phụ nữ đang trong tình trạng suy giảm miễn dịch (đang thời kỳ ghép tạng), nhóm phụ nữ đã được điều trị CIN2, CIN3 hoặc ung thư trước đây thì cần được tầm soát thường xuyên hàng năm", BS Huỳnh Xuân Nghiêm khuyến cáo.

Chị em phụ nữ nên quan tâm đến cơ thể mình nhiều hơn, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường dù rất nhỏ, đặc biệt là ở vùng kín nên đi khám để điều trị sớm nếu phát hiện bệnh. Nhiều chị em nhất là ở khu vực nông thôn không có điều kiện đi khám thường bỏ qua dấu hiệu bệnh và thường chỉ phát hiện được bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

'Virus phụ nữ' tấn công đàn ông và nguy cơ ung thư 'vùng kín'
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang