(CAO) BS Phạm Văn Hưng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo, con người có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí có thể tử vong bởi các chất sinh học và nấm mốc tích tụ trong nhà.
Các chất sinh học là những sinh vật sống trong bụi bặm như siêu vi trùng, vi trùng và vi nấm hoặc được sinh sản trên vật thể sinh học như lông thú, nước miếng thú cưng, vật nuôi, phấn hoa, mốc meo, gián và con mạt.
BS Phạm Văn Hưng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo, tình trạng trong nhà tồn lưu vật thể sinh học, không khí, vật dụng bị ẩm ướt, bám bẩn giúp tăng sinh nhanh chóng các siêu vi trùng, vi trùng và nấm nguy hại. Vi nấm sinh sản và lây lan bằng cách nhả các bào tử rất nhỏ vào không khí vào đến phổi và tồn trú trong phổi người.
Ngay cả các thú cưng nuôi trong nhà, chúng có thể tạo cho chúng ta niềm vui mỗi ngày nhưng cũng có thể kéo theo những bệnh tật không mong muốn vì những ký sinh trùng có trên cơ thể chúng.
"Thời gian ở trong nhà của mỗi người ít nhất là 8 giờ, đối với một số trường hợp như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, thời gian trong nhà có thể nhiều hơn. Điều này dẫn đến phơi nhiễm các mầm bệnh từ các chất sinh học và nấm mốc rất lớn, nguy cơ này có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe và thậm chí có thể gây tử vong.
Các chất sinh học và nấm mốc gây ra hàng loạt các triệu chứng đường thở như nghẹt mũi, ho, khò khè, rát họng, kích ứng da, niêm mạc, mắt,... Ngay cả trẻ em khỏe mạnh nếu tiếp xúc với nấm mốc trong nhà cũng có thể dẫn đến mắc bệnh. Còn người bị suy giảm miễn dịch và người bị bệnh phổi mạn tính, bị hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể có phản ứng nghiêm trọng hơn như bị nhiễm nấm phổi", BS Hưng cho biết.
Con người có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí có thể tử vong bởi các chất sinh học và nấm mốc tích tụ trong nhà. Ảnh minh họa
Để phòng ngừa bệnh, BS Phạm Văn Hưng khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm soát độ ẩm trong nhà, kiểm soát các chất sinh học gây ô nhiễm tại nhà, làm sạch nấm mốc trong nhà. Cụ thể, phải giữ gìn nhà cửa sạch sẽ; làm sạch các đường ống thoát hơi, máy điều hòa; hút bụi sàn nhà; thường xuyên giặt chăn gối nệm,... Mạnh dạn vứt bỏ các vật liệu thấm nước bị nhiễm bẩn; đặc biệt chú ý đến miếng che trần nhà, vách thạch cao, các miến thảm vì chúng rất dễ bị mốc do ẩm ướt. Khi dọn dẹp, làm sạch nấm mốc hãy dùng bao tay và đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên dọn dẹp nước tù đọng ở các chậu hoa, cây kiểng; không cho nước đọng quanh thông gió, máy điều hòa,...
"Ngoài ra, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tư vấn bác sĩ gia đình, tiêm phòng các loại vắc xin đúng lịch cho người nhà là rất cần thiết. Cũng cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi trong nhà", BS Hưng khuyến cáo.