Cẩn trọng phòng ngừa loài ký sinh trùng 'đào hang đẻ trứng' trên da người

Thứ Sáu, 20/09/2019 08:39  | Ngô Đồng

|

(CAO) Sau khi xâm nhập vào da ký chủ, loài ký sinh trùng này phá hủy mô dưới da làm thức ăn và đào đường hầm để làm nơi cư ngụ. Điều kiện thuận lợi cho chúng 'đào đường hầm' là vào ban đêm, mỗi ngày đào được khoảng 3-5mm.

Thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM cho biết, thời gian gần đây Viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân, có cả người lớn và trẻ em, đến khám bệnh ký sinh trùng có triệu chứng lâm sàng ngứa, nổi mụn nước kẽ tay, mông…

Qua thăm khám, các bác sĩ chỉ định cạo mẫu da soi, kết quả đã tìm thấy trứng cái ghẻ và cái ghẻ trưởng thành. Sau khi xác định là bệnh ghẻ, bệnh nhân được bác sĩ cấp toa điều trị và hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh.

Ký sinh trùng gây bệnh ghẻ được tìm thấy trên bệnh nhân khám tại Viện Ký sinh Trùng - Côn Trùng TP.HCM.

Các bác sĩ tại đây cho biết, bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ.

Cái ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei, là loài chân đốt y học thuộc họ Sarcoptidae. Mặc dù có kích thước cơ thể rất nhỏ nhưng nó chuyên "đào hang" để đẻ trứng và ký sinh trên da người và động vật.

Sau khi xâm nhập vào da ký chủ, cái ghẻ phá hủy mô dưới da làm thức ăn và đào đường hầm để làm nơi cư ngụ… Điều kiện thuận lợi cho chúng đào đường hầm là vào ban đêm, mỗi ngày đào được khoảng 3-5mm, những đoạn đường hầm kết thúc khi đụng tới lớp sừng của da. Đường hầm thường khó thấy, là biểu hiện lâm sàng đặc trưng nhất của bệnh ghẻ.

Các bác sĩ cho biết, ở người trưởng thành và trẻ lớn, ghẻ thường xuất hiện ở kẽ ngón tay, các nếp gấp ở cổ tay, vùng khuỷu tay bên trong, lòng bàn chân, trong nách, lưng, mông, vùng quanh vú, xung quanh bộ phận sinh dục. Còn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm thường ở da đầu, mặt, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể lan toàn cơ thể.

Cái ghẻ thường đào đường hầm vào ban đêm do đó người bệnh ngứa nhiều nhất là về đêm, lúc đi ngủ do cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang, làm người bệnh mất ngủ, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể.

Khi bám được vào bề mặt da, ghẻ cái chui sâu vào trong đẻ trứng, vùng da đó ngứa dữ dội do cơ thể phản ứng với các tác nhân dị ứng gây nên tình trạng ngứa, người bệnh gãi nhiều làm da bị trầy xước dễ bị bội nhiễm gây viêm da cấp tính với vi khuẩn. Da bị sần lên, xuất hiện mụn nước, mụn mủ,… dẫn đến sự phát triển của bệnh chốc lở (loét da). Bệnh chốc lở có thể trở nên phức tạp do nhiễm trùng da sâu hơn như áp xe, cũng như bệnh xâm lấn nghiêm trọng và nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh.

Nhiễm trùng da liên quan đến bệnh ghẻ là một yếu tố nguy cơ phổ biến đối với các biến chứng qua trung gian miễn dịch như viêm cầu thận sau liên cầu khuẩn cấp tính (bệnh thận) và có thể là bệnh thấp khớp.

Sự diễn biến của bệnh ghẻ thường phức tạp do nhiễm vi khuẩn, dẫn đến sự phát triển của các vết loét da, do đó, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng máu, bệnh tim và bệnh thận mạn tính.

Tổn thương da trên bệnh nhân nhiễm Sarcoptes scabiei đến khám tại Viện Ký sinh Trùng - Côn Trùng TP.HCM

Ghẻ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa da với da của người bị ghẻ. Khi ngứa người bệnh gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu... Bệnh ghẻ lây lan do nằm chung giường, mặc quần áo chung, lây qua tiếp xúc da khi quan hệ tình dục nên xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh,...

Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, điều trị sớm hạn chế để lại biến chứng, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh. Người dân cần vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ để tránh lây lan bệnh.

Điều trị cái ghẻ phải điều trị đồng thời cho tất cả mọi người đang sinh hoạt chung: tập thể, gia đình, nhà trẻ… Tránh tình trạng tái nhiễm lẫn nhau, có thể sử dụng thuốc thoa hoặc thuốc uống; giặt sạch, phơi khô quần áo, chăn màn…

Doanh nhân, dân văn phòng dễ nhiễm ký sinh trùng
 
 
 
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang