Sáng nay, 5-4, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM dẫn đầu đã đến làm việc với quản lý tòa nhà Petro Vietnam Tower (1-5 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Đây là tòa nhà nữ bệnh nhân 33 tuổi dương tính với virus Zika làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc tại tòa nhà Petro Vietnam Tower
Trước đó, Bộ Y tế công bố đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika, cả 2 đều là nữ. Theo đó, bệnh nhân nữ tại TP.HCM tên P.T.H.L (33 tuổi, hiện đang trên cư trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM). Được biết chị L. đang mang thai 8 tuần.
Bệnh khởi phát ngày 29-3-2016, với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella; nhập viện.
Kết quả xét nghiệm ngày 31-3 và 1-4-2016 tại Viện Pasteur TP.HCM dương tính với virus Zika; sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2-4-2016 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4-4-2016 cũng cho kết quả dương tính với virus Zika.
Kết quả giám sát đến ngày 4-4-2016, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm vi rút Zika tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika tại TP.HCM và tỉnh Khánh Hòa. Trường hợp dương tính với virus Zika tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, quản lý tòa nhà PetroVietnam Tower cho biết, tòa nhà hiện có 21 công ty, 19 tầng lầu với khoảng 1.200 nhân viên, với nhiều người nước ngoài làm việc, chưa kể khách ra vào mỗi ngày. Tuy nhiên, hàng tháng tòa nhà vẫn tổ chức phun thuốc diệt côn trùng và thuốc diệt lăng quăng trong các bể chứa nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, quản lý tòa nhà PetroVietnam Tower cho biết, tòa nhà hiện có hàng nghìn nhân viên và khách hàng ra vào mỗi ngày
Kiểm tra tòa nhà, Bộ Y tế chưa phát hiện dấu hiệu lây lan của dịch bệnh. Bộ Y tế đã hướng dẫn ban quản lý tòa nhà phun thuốc phòng chống dịch.
11 giờ cùng ngày, Đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã di chuyển đến phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM để kiểm tra nhà nữ bệnh nhân và môi trường xung quanh.
Bộ trưởng cùng đoàn đi kiểm tra môi trườngn ơi bệnh nhân sinh sống
Khảo sát tại nhà riêng và khu phố của chị L., tại đây đoàn cũng chưa ghi nhận có dấu hiệu lây lan của bệnh. Đoàn giám sát Bộ Y tế không phát hiện để xảy ra tình trạng loăng quăng, muỗi sinh sôi…
Ông P.T.K (SN 1939, ba của chị L) cho biết, chị L. có chồng đang làm việc ở Malaysia, trước khi bệnh nhân phát bệnh thì chồng có về nước 4 ngày (từ ngày 16 đến ngày 19-3) nhưng trong thời gian ở trong nước chồng chị L. không có triệu chứng gì.
Chị L. còn có một con gái 2 tuổi, trước đó bị sốt nhưng xét nghiệm thì chỉ bị sốt xuất huyết.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, ca nhiễm virus Zika tại TP.HCM được phát hiện rất sớm. 2 tuần trước, chồng bệnh nhân có về Việt Nam. Tuy nhiên, người này đã quay về lại Malaysia và chưa có biểu hiện nhiễm nên khả năng chị L. là bị truyền bệnh virus Zika qua muỗi là rất lớn.
Bộ trưởng kiểm tra các lu chứa nước và chỉ đạo địa phương diệt muỗi, lăng quăng
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cũng cho biết, địa bàn Q2 năm 2015 có xuất hiện ổ dịch về sốt xuất huyết nhưng đã được dập tắt kịp thời. Sau khi phát hiện trường hợp nhiễm Zika đầu tiên này, ngành y tế TP đã cử đoàn xuống đánh giá về mật độ lăng quăng trên địa bàn. Ngoài ra, kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika.
Đến thời điểm hiện tại chị L đã đi làm được do sức khỏe đã ổn định. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo ngành y tế địa phương theo dõi sát sao trường hợp này, vì bệnh nhân đang trong quá trình mang thai. Đồng thời, UBND cấp quận huyện cũng nhanh chóng kiểm tra, giám sát và tổ chức phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng trên địa bàn, nhất là các địa phương trọng điểm của dịch sốt xuất huyết…
Do đặc điểm của bệnh thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm virus Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ đang mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika.
Đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đến phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM để kiểm tra nhà nữ bệnh nhân và môi trường xung quanh
Trong thời gian cuối năm 2015 đến nay, dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp tại 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu.
WHO đã công bố tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có sự quan ngại về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch.
Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới, để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan vào nước ta, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống ngay cả khi chưa phát hiện trường hợp dương tính với virus Zika tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã chủ động nâng mức độ cảnh báo đáp ứng với tình hình dịch như có trường hợp bệnh, theo đó tăng cường việc giám sát dịch bệnh do virus Zika tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời.
Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika do hiện nay có sự giao lưu đi lại giữa các quốc gia cũng như giữa các địa phương trong cả nước đồng thời Việt Nam có lưu hành muỗi vằn là véc tơ truyền bệnh và chưa có miễn dịch trong cộng đồng.
Để chủ động phòng chống dịch do virus Zika nhằm hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung triển khai các hoạt động sau:
1. Nâng mức cảnh báo và triển khai các hoạt động đáp ứng chống dịch theo tình huống 2 của Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương để phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; tổ chức giám sát véc tơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng.
2. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”, đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch.
3. Các địa phương thực hiện việc công bố dịch theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm nếu có dịch xảy ra nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
4. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi trong cả nước.
4. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.
5. Bố trí bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Zika; hướng dẫn chế độ, chính sách cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và đăng trên website của Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn).