Ông Hồ Đức Dương, Phó giám đốc BVĐK huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thừa nhận: "Trong 15 ngày qua có đến 3 bệnh nhân chết trong, ngoài bệnh viện. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự việc đáng tiếc là do cán bộ y tế thăm khám chưa được sát sao, phát hiện và tiên lượng bệnh không được kịp thời trong lúc diễn biến bệnh tiến triển quá nhanh, bác sỹ có nhiều bệnh nhân nên bị chi phối...".
Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu, Nghệ An
Bệnh viện thừa nhận nhân viên y tế chưa sát sao
Vụ việc mới nhất xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 ngày 21-3. Bệnh nhân Lý Thị Thu (14 tuổi) được người nhà đưa đến với các biểu hiện nổi thủy đậu, sốt cao, sức khỏe yếu.
Sau gần 3 ngày điều trị người nhà cho biết bệnh nhân không được bác sĩ chăm sóc, thăm khám cẩn thận. Đến sáng 23-3, bệnh nhân bị viêm phổi nặng, các bác sĩ thăm khám và cho chuyển tuyến trên. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong tại BV Sản - Nhi Nghệ An.
Quá bức xúc với việc làm tắc trách của các y, bác sĩ BVĐK huyện Quỳnh Lưu, tối hôm đó người nhà đã đưa thi thể nạn nhân đến ''bao vây'' bệnh viện và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, quy trách nhiệm nguyên nhân cái chết "oan uổng" của bệnh nhân.
Sự việc này sau đó được ông Hồ Đức Dương, Phó GĐ Bệnh viện cho biết, ngày 21-3, sau khi bệnh nhân Thu nhập viện, buổi tối bác sĩ Phạm Ngọc Lưu đã thăm khám và chuyển sang Khoa lây nhiễm.
Những ngày sau, các bác sĩ cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau, truyền dịch.
Ông Dương thừa nhận, nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự việc là do cán bộ y tế thăm khám chưa được sát sao, phát hiện và tiên lượng bệnh không kịp thời trong lúc diễn biến bệnh tiến triển quá nhanh, bác sĩ có nhiều bệnh nhân nên bị chi phối...
Kết luận nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân là do sốc nhiễm khuẩn tiền suy đa phủ tạng.
Thiếu xe cứu thương và những cái chết oan uổng
Vụ việc thứ 2, khoảng 9 giờ ngày 14-3, bệnh nhi Trần Đức Tài (6 tháng tuổi, trú tại xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu) nhập viện với bệnh lý ho, sốt, sức khỏe yếu. Sau khi được các bác sĩ tại đây thăm khám cho uống thuốc... nhưng sau 1 ngày bệnh tình không thuyên giảm, có phần nặng hơn nên rạng sáng hôm sau bệnh viện đã cho bệnh nhi chuyển viện lên tuyến trên bằng xe cấp cứu tư nhân, nhưng đã tử vong trên đường di chuyển khi xe mới chạy được 30km.
Quá bức xúc vì cái chết của bệnh nhi, người nhà đã đưa thi thể đến bệnh viện để yêu cầu làm rõ trách nhiệm và tố cáo các bác sĩ không tiên lượng được bệnh tình, không chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân.
Đặc biệt, trên xe cấp cứu chuyển tuyến đã không có các dụng cụ y tế cần thiết để cấp cứu khi di chuyển bệnh nhân và không có nhân viên y tế đi cùng khi chuyển viện trong tình trạng bệnh nhân cấp cứu...
Về vấn đề này, ông Dương thừa nhận, do bệnh viện chỉ có 2 xe cấp cứu, thay nhau trực nên phải thuê xe ngoài. Xe ngoài vận chuyển thì không có dụng cụ hỗ trợ cấp cứu và không có cán bộ y tế đi theo. Nguyên nhân tử vong bước đầu xác định, bé Tài bị suy hô hấp, viêm phổi nặng.
Ông Hồ Đức Dương, Phó GĐ Bệnh viện liên tục kí hồ sơ chuyển viện cho bệnh nhân trong những ngày qua
Trước đó (ngày 7-3), ông Nguyễn Văn Thung (43 tuổi, ở xã Quỳnh Thọ) được đưa đến BVĐK Quỳnh Lưu nhưng tử vong sau 3 ngày điều trị.
Theo người nhà cho biết, ông Thung bị động kinh lên cơn co giật hội chứng cai rượu. Các bác sĩ ở đây sử dụng thuốc không đúng chỉ định khiến bệnh nhân tử vong nên đã “vây” bệnh viện yêu cầu làm rõ...
Vụ việc này được vị phó giám đốc Dương cho biết: "Ông Thung bị động kinh trên Hội chứng cai nghiện rượu. Bệnh nhân được bác sĩ cho dùng thuốc gây mê và an thần".
Cũng theo ông Dương, nếu bệnh nhân có tiền sử bị bệnh động kinh nên thận trọng khi dùng thuốc, khi dùng phải có máy móc cấp cứu đầy đủ, thường xuyên theo dõi chức năng tuần hoàn và hô hấp. Nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tử vong, ông Dương cho rằng, nhiều khả năng do tổn thương gan, hiện 2 vụ việc này vẫn chưa được bệnh viện kiểm thảo nguyên nhân cũng như thành lập Hội đồng khoa học đánh giá, làm rõ.
Chỉ trong vòng 15 ngày, bệnh viện huyện có 3 người tử vong, ông Dương thừa nhận trách nhiệm của bệnh viện và cho biết: ''Mấy ngày qua tình hình bệnh viện rất phức tạp, đã có nhiều bệnh nhân không tin tưởng vào khả năng chữa trị bệnh của các y, bác sĩ của bệnh viện nên hàng ngày ông liên tục phải kí hồ sơ xin chuyển viện cho các bệnh nhân lên tuyến trên.
Ban giám đốc rất lo lắng, mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng làm việc, anh em cán bộ trong bệnh viện lo lắng... Các bệnh nhân tử vong đều được bệnh viện hỗ trợ một khoản tiền... Tuy nhiên, số tiền cụ thể bao nhiêu không được ông Dương cho biết vì chưa được phát ngôn...
Chiều 28-3, ông Bùi Đình Long, GĐ Sở Y tế Nghệ An cho biết, Sở đã thành lập đoàn thanh tra và thành lập Hội đồng khoa học đánh giá nguyên nhân từng vụ việc và sẽ thanh tra toàn diện BVĐK huyện Quỳnh Lưu. Ghi nhận ban đầu tại Bệnh viện thì: ''Hồ sơ bệnh án sơ sài; theo dõi diễn biến bệnh nhân chưa sát, trình độ chuyên môn hạn chế,...
"Khi đoàn thanh tra có kết quả cụ thể sẽ thông tin đến báo chí. Từ kết quả thanh tra mới có hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân liên quan trước vụ việc", ông Long nói.
Thiết nghĩ chỉ đơn giản các bệnh nhân bị nổi thủy đậu, viêm phổi, ho, sốt cao, động kinh mà dẫn đến những cái chết "oan uổng", con mất cha, vợ mất chồng, bố mẹ mất con... thì quả thật là quá đáng tiếc và đau lòng.
Bộ y tế và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân những cái chết của những bệnh nhân tại BVĐK Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong những ngày qua, truy cứu trách nhiệm hình sự những y, bác sĩ kém đạo đức nghề y, yếu về năng lực chuyên môn... dẫn đến chết người làm gương cho những y, bác sĩ khác.