Rước bệnh ung thư dạ dày vì thói quen ăn mặn

Thứ Ba, 14/08/2018 07:34  | Ngô Đồng

|

(CAO) Chế độ ăn có liên hệ mật thiết với ung thư dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy, người ăn mặn thường xuyên có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn bình thường.

Người đàn ông 54 tuổi (ngụ Quảng Ngãi) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị dai dẳng không dứt. Người bệnh cho biết, trước khi nhập viện cứ rằng do viêm loét dạ dày tái phát nên tự ý mua thuốc về uống, nhưng không hết đau.

Nhân dịp vào TP.HCM thăm gia đình, bệnh nhân mới đi khám. Các bác sĩ Khoa Tiêu hóa BV Đại học y dược tiến hành nội soi dạ dày và phát hiện bệnh nhân có khối u lớn ở 1/3 giữa dạ dày. Xác định người bệnh bị ung thư dạ dày giai đoạn 3 nhưng chưa di căn.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, bố ruột của bệnh nhân đã qua đời cũng do căn bệnh ung thư dạ dày. Người bệnh có thói quen ăn mặn và tiền sử viêm loét dạ dày nhiều năm.

TS BS. Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa BV Đại học y dược đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt gần toàn bộ dạ dày của bệnh nhân, trừ tâm vị và đáy vị. 

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường và đang tiếp tục được theo dõi và hóa trị để ngăn ngừa những tế bào ung thư còn tiềm ẩn.

Theo TS BS. Võ Duy Long bệnh ung thư dạ dày chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có 4 nhóm yếu tố nguy cơ. Những người có yếu tố nguy cơ sẽ mắc ung thư dạ dày cao hơn, bao gồm: Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày. Tiền sử bản thân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như viêm loét dạ dày, đa polyp dạ dày...

Ngoài ra, những người thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày....Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm khuẩn Helicobater pylori... sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Những người thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày.... sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ảnh minh họa

Trước đây để điều trị ung thư dạ dày ở vị trí 1/3 giữa hoặc 1/3 trên của dạ dày, bác sĩ sẽ cắt toàn bộ dạ dày của người bệnh. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh sau cuộc mổ. Vì khi dạ dày bị cắt toàn bộ, khả năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất như canxi, vitamin D, vitamin B12… từ thức ăn không còn như trước, gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin và khoáng chất, bên cạnh nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản gây khó chịu cho người bệnh.

Hiện tại có hai phương pháp mới điều trị là cắt bán phần trên dạ dày (đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 trên dạ dày) và cắt gần toàn bộ dạ dày (đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 giữa dạ dày). Vì vẫn giữ lại một phần dạ dày nên người bệnh có thể bảo tồn chức năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất, tránh trào ngược, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật.

Hiện nay, ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở Việt Nam. Mỗi năm, chỉ tính riêng tại BV Đại học y dược tiếp nhận khoảng 250 - 300 trường hợp đến điều trị. Không ít trường hợp đến điều trị khi người bệnh đã xuất hiện các biến chứng của ung thư như chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, thủng dạ dày bắt buộc phải mổ cấp cứu, có thể tế bào ung thư đã di căn đến phổi, phúc mạc, gan, xương…

Đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ cảm thấy đầy bụng, ăn khó tiêu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị… Khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng rõ ràng hơn như ói ra máu, đau bụng kéo dài, đi tiêu phân đen, sờ thấy khối u trong ổ bụng... thì ung thư dạ dày đã bước vào giai đoạn tiến triển.

TS BS. Võ Duy Long chia sẻ thêm, nếu phát hiện ung thư vào giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị. Vì vậy, người dân từ 40 tuổi trở lên hoặc có các triệu chứng như đau thượng vị, ăn khó tiêu, đầy bụng... nên đến các cơ sở y tế thực hiện nội soi dạ dày để phát hiện sớm và gia tăng tỉ lệ thành công khi điều trị ung thư dạ dày.

Từ ngày 13 đến 18-8-2018, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức Hội nghị Khoa học và Đào tạo năm 2018. Đây là sự kiện thường niên dành cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên lâm sàng, cận lâm sàng và nhân viên y tế cập nhật kiến thức, kỹ thuật y học tiên tiến và trao đổi kinh nghiệm với những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Nội dung Hội nghị rất đa dạng và bao quát trên nhiều lĩnh vực Nội khoa, Ngoại khoa, Dược, Cận lâm sàng, Chăm sóc người bệnh…

PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “BV Đại học y dược hoạt động theo mô hình Trường – Bệnh viện, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba sứ mệnh khám chữa bệnh – đào tạo – nghiên cứu khoa học. Hội nghị Khoa học và Đào tạo thường niên của Bệnh viện chính là một diễn đàn khoa học uy tín, nơi gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm hữu ích dành cho cộng đồng y khoa nói chung và đội ngũ thầy thuốc, điều dưỡng, nhân viên Bệnh viện nói riêng.

Chăm sóc sức khỏe con người là một lĩnh vực đặc biệt, đòi hỏi người thầy thuốc và nhân viên y tế không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng và cập nhật những tiến bộ y học tiến tiến. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp đội ngũ y tế có thể chẩn đoán, điều trị, chăm sóc cho người bệnh một cách tốt nhất, đem lại sự hài lòng cao cho mỗi người bệnh đến khám tại bệnh viện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang