TP.Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Thứ Năm, 14/12/2023 08:11  | Trung Hiếu

|

(CATP) Nỗi lo thực phẩm (TP) mất an toàn là vấn đề tồn đọng suốt nhiều năm qua, gây ra những hệ lụy không nhỏ cho gia đình và xã hội. Thời gian qua, lực lượng chức năng TPHCM đã nỗ lực bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn, góp phần bảo vệ người dân. Những tháng cuối năm 2023 và những năm kế tiếp, các ban ngành hữu trách thành phố sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP, quyết liệt kiểm soát thị trường để bảo đảm an toàn cuộc sống người dân.

Còn đó nỗi lo về ngộ độc thực phẩm

Mới đây, Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP TPHCM đã ban hành báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm QLNN về ATTP trong tình hình mới.

Năm qua, thành phố đã kịp thời xây dựng (XD) các kế hoạch bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp, quyết tâm cao, phương thức điều hành, chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định. Theo đó, BCĐ liên ngành về ATTP đã ban hành 301 văn bản triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm ATTP nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất (SX), kinh doanh (KD), quảng cáo TP và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP. Đặc biệt, công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm TP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) luôn được chú trọng. Tuy nhiên, theo báo cáo hoạt động ATTP thì từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xảy ra 2 vụ NĐTP với tổng số 42 người, có 9 người nhập viện và may mắn không có trường hợp tử vong.

Cũng theo báo cáo, trong năm qua, TPHCM tập trung kiểm tra có trọng điểm theo chuyên đề, cao điểm Tháng hành động, các nhóm sản phẩm (SP) nguy cơ cao nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm TP, bảo đảm an toàn cho SP lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về ATTP, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả đã thanh, kiểm tra 37.443 cơ sở (CS), phát hiện 3.852 CS vi phạm, xử phạt 1.651 CS, phạt tiền 1.587 CS với tổng số hơn 20,3 tỷ đồng, tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, TP không bảo đảm an toàn gồm: bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng (TPCN), các SP thực phẩm từ động vật...; chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 CS. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thành phố cũng đã rà soát, tổng hợp 14.390 sản phẩm TPCN và TP bảo vệ sức khỏe trên các trang thông tin điện tử kinh doanh qua mạng, phát hiện 139 SP có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng TPHCM kiểm tra thực phẩm tại một siêu thị trên địa bàn

Theo Ban quản lý ATTP TPHCM, từ nay đến cuối năm, công tác bảo đảm ATTP tập trung vào giải quyết các chợ tự phát xung quanh các chợ đầu mối, bảo đảm an toàn tại các chợ truyền thống và những gánh hàng rong; đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn, phòng ngừa NĐTP tại bếp ăn tập thể, trường học cũng sẽ được tăng cường nhằm bảo đảm ATTP vào các mùa lễ hội.

Nỗ lực vì thực phẩm an toàn

Theo BCĐ liên ngành về ATTP TPHCM, những năm qua công tác bảo đảm ATTP được xác định là một nội dung trọng tâm, luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Do đó, sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác phối hợp những năm qua đã tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực trong bảo đảm ATTP.

Điển hình, TPHCM phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý, kết nối tiêu thụ nông sản, TP bảo đảm ATTP cho các cơ sở SX - KD trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn (TPAT) giai đoạn 2021 - 2025; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối SX - KD tiêu thụ SP nông sản, TPAT và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, thành phố đã lập cơ sở dữ liệu (CSDL) để thiết lập hệ thống quản lý, cụ thể là lập CSDL với 1.833 cơ sở SX - KD thực phẩm nông, lâm, thủy hải sản tươi sống tại 22 tỉnh, thành cung cấp vào TPHCM đạt các chứng nhận an toàn, phát triển chuỗi TPAT; triển khai Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP; Đề án "Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc" thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm được quan tâm đúng mức.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của HĐND, UBND TPHCM, công tác quản lý bảo đảm ATTP từng bước đạt hiệu quả hơn, xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của lực lượng phối hợp, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ QLNN về ATTP nhằm bảo đảm mục tiêu "Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn thành phố". Trong đó, công tác giáo dục truyền thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động bảo đảm ATTP nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm về nghiệp vụ ATTP cho người quản lý, SX, chế biến TP tại các bếp ăn, CS dịch vụ ăn uống trên địa bàn...

Tuy nhiên, cũng theo bà Lan, thời gian qua, vấn đề bảo đảm ATTP còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc: các bộ chưa ban hành Danh mục chất cấm sử dụng trong SX, chế biến TP như trong Bộ luật Hình sự; năng lực phân tích hóa chất, thành phần trong TP của các đơn vị còn hạn chế, hay còn thiếu quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng TP, đặc biệt là những mặt hàng chế biến từ nông sản nên thiếu CS pháp lý để xử lý các trường hợp SX thực phẩm giả về chất lượng. Trong khi đó, các nghị định xử phạt liên quan đến lĩnh vực ATTP không quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt của Ban quản lý ATTP, gây khó khăn trong xử lý các CS vi phạm...

Thời gian tới, BCĐ liên ngành về ATTP TPHCM sẽ tăng cường công tác quản lý ATTP từ mọi cấp độ; đánh giá kết quả QLNN về bảo đảm ATTP của các cấp, các ngành; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế NĐTP và các bệnh truyền qua TP, bảo đảm sức khỏe người dân kết hợp phòng, chống dịch bệnh trong mùa cao điểm Tết cũng như trong thời gian tới; đặc biệt, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở SX, chế biến, kinh doanh TP, tập trung vào SP của các CS có nguy cơ cao gây mất an toàn, đồng thời có hướng xử lý nghiêm các CS vi phạm cũng như cảnh báo ATTP kịp thời đối với người tiêu dùng; cần nâng cao tuyên truyền về việc lựa chọn nguồn hàng kinh doanh và hàng hóa sử dụng; trong đó nhấn mạnh người bán cần bán đúng hàng, còn người mua cần lựa chọn đúng quầy, tránh mua hàng không bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang