Với số lượng khoảng 10.000 con lợn/ngày, tương đương 800 tấn, TP.HCM là một trong những đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước. Công tác phòng dịch tả heo châu Phi đang được thành phố đặt lên hàng đầu.
Theo đó, đoàn đã đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình giết mổ tại các cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi), một trong 4 nơi giết mổ và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất trên địa bàn.
Ba cơ sở còn lại cũng được giám sát trong đợt này gồm: nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Đoàn tiến hành giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ cũng như vận chuyển heo tiêu thụ đến các chợ đầu mối. Mỗi con heo khi được nhập vào những cơ sở này đều được các lực lượng chức năng yêu cầu nhân viên tại đây kiểm tra kỹ về giấy tờ chứng nhận kiểm dịch, chứng minh thú y, vòng truy xuất nguồn gốc... để hạn chế đến mức thấp nhất việc lây nhiễm dịch bệnh.
Tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (Củ Chi), mỗi đêm giết mổ khoảng 1.300 – 1.500 con heo. Tuy nhiên, trước tình hình dịch tả heo châu Phi lan rộng, cơ sở đã cam kết chỉ nhận heo đã qua thú y kiểm dịch và cấm nhập heo qua các trạm trung chuyển để tránh trường hợp trà trộn heo từ bên ngoài khu vực vào. Do đó, hiện cơ sở nhập vào khoảng 900 con heo.
Tương tự tại cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng, số lượng giết mổ cũng giảm xuống còn 1.200 – 1.300 so với tổng công suất thường ngày 1.500 con.
Tại các chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, đoàn kiểm tra ghi nhận không khí mua bán thịt heo tại đây vẫn tấp nập. Tuy nhiên các tiểu thương cho biết, do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi nên tâm lý người dùng đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức mua, dù heo đưa về đây đều phải truy xuất được nguồn gốc và có lực lượng thú y kiểm tra.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cùng đoàn đi kiểm tra thịt heo tại chợ đầu mối
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM cho biết, hiện nguồn heo nhập về TP.HCM chủ yếu từ Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Bình Thuận, Bến Tre.
Từ ngày 25-2, TP.HCM đã yêu cầu các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố không tiếp nhận nguồn heo từ phía Bắc đưa vào. Tất cả heo nhập về cơ sở giết mổ phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và đối với phương tiện xe vận chuyển heo phải có niêm phong của chi cục thú y liên tỉnh.
Nhờ việc thường xuyên lập những đoàn kiểm tra, giám sát từ khâu đầu vào đến lò mổ, ra chợ đầu mối, nguồn heo tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM đến nay vẫn được đảm bảo an toàn, không có dấu hiệu lây lan của dịch bệnh. Do đó, dù giá heo bán lẻ ở các tỉnh miền Bắc giảm mạnh từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá bán lẻ ở TP.HCM vẫn giữ ở mức ổn định, không quá nhiều biến động.
Tuy nhiên, vì giá thịt heo ở TP.HCM cao hơn phía Bắc khá nhiều nên TP lo ngại việc heo từ các địa phương khác dồn về là theo quy luật giá cả thị trường. TP.HCM đã có đề xuất với Trung ương, trước mắt để giảm lây nhiễm từ vùng này sang vùng khác, cần có những lệnh cấm chính thức về việc vận chuyển heo từ Bắc vào Nam.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, về mặt an toàn thực phẩm, có thể khẳng định dịch tả heo châu Phi không lây lan qua người.
Tuy nhiên, trước thực trạng dịch tả heo châu Phi đang lan tràn tại các tỉnh phía Bắc, tình trạng có thể xảy ra là heo từ phía Bắc di chuyển vào trong Nam và đưa ngược trở lại thành phố. Vì thế nguy cơ về lây nhiễm bệnh, đặc biệt bệnh cho đàn heo còn sống là rất lớn. Vì vậy, thành phố phải tăng cường công tác kiểm soát.
Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị người dùng nên tìm mua thịt heo ở các cơ sở hợp pháp như siêu thị, các sạp đảm bảo an toàn ở các chợ truyền thống, góp một phần trách nhiệm vào ổn định thị trường, không tiếp tay cho các điểm giết mổ lậu. Ảnh: NĐ
Vấn đề khiến Ban Quản lý An toàn thực phẩm lo ngại là tình trạng giết mổ lậu hoặc những heo tuồn về thành phố không theo đường chính thống thì sẽ rất khó kiểm soát. Thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đã liên tục bắt được hàng tấn thịt heo có biểu hiện lở mồm long móng, tai xanh hoặc ôi thiu chuẩn bị tuồn vào các chợ đầu mối tiêu thụ.
Hiện nay TP.HCM đã gia tăng các điểm chốt chặn, các cửa ngõ vào thành phố, đồng thời để nâng cao ý thức của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không lén lút nhập heo không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, cần có chế độ đền bù thỏa đáng, kịp thời cho người dân nếu xảy ra heo chết vì dịch bệnh. Điều này để những người chăn nuôi thể hiện trách nhiệm với cộng đồng như không giấu dịch, đem đi tiêu hủy, không lén lút đưa vào thị trường. Nếu không, đây là một thảm họa kinh tế.
Với người tiêu dùng, bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị người dùng nên tìm mua thịt heo ở các cơ sở hợp pháp như siêu thị, các sạp đảm bảo an toàn ở các chợ truyền thống. Như thế, người tiêu dùng cũng đã đóng góp một phần trách nhiệm vào ổn định thị trường, không tiếp tay cho các điểm giết mổ lậu.
(CAO) Mỗi ngày, TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Trước tình hình bệnh dịch tả heo (lợn) Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan, TP.HCM triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này.