(CAO) Mỗi ngày, TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Trước tình hình bệnh dịch tả heo (lợn) Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan, TP.HCM triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này.
Theo đó, thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. Đáng nói, bệnh dịch này cũng đã xuất hiện tại 25 tỉnh ở Trung Quốc (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam).
Cụ thể, có 105 ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện với hơn 950.000 con heo các loại buộc phải tiêu hủy (theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3-8-2018 đến ngày 17-2-2019).
Lo ngại hơn, mới đây theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian vừa qua đã xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại 2 hộ chăn nuôi tại 2 xã của tỉnh Hưng Yên và 6 hộ chăn nuôi tại 1 xã của tỉnh Thái Bình.
Tại đây, Lực lượng chức năng cũng đã tiêu hủy trên 200 con ở 3 ổ xuất hiện dịch tả heo Châu Phi này.
Trước tình hình bệnh dịch tả heo (lợn) Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan, TP.HCM triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này. Ảnh minh họa
Trước tình hình trên, để ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định Triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi. TP.HCM cũng xây dựng cả kịch bản ứng phó tình huống khi bệnh này xuất hiện tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi phải khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện có heo bệnh, heo chết bất thường để lấy mẫu giám sát. Đồng thời thường xuyên lấy mẫu đối với nguồn heo nhập để chủ động giám sát và phát hiện sớm, xử lý kịp thời.
Hiện TP.HCM có gần 4.400 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 300.000 con. Trong đó có 278 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, quán ăn với tổng đàn 22.740 con, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12.
Mỗi ngày, thành phố cũng tiêu thụ từ 10.000 - 11.000 con lợn và một lượng lớn trong số đó nhập từ các tỉnh thành khác. Đây là những nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM đã thực hiện tích cực việc tăng cường công tác kiểm tra tại các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố thông qua các cơ chế hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành; triển khai tháng tiêu độc khử trùng; tăng cường công tác vận động người dân, các hộ chăn nuôi thực hiện việc tập trung kiểm soát về an toàn sinh học trong chăn nuôi…
Đối với các hộ chăn nuôi thì tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 1 lần đến 2 lần/tuần đối với trang trại của mình. Đối với các trang trại chăn nuôi thì sẽ hạn chế khách tham quan, kể cả trường hợp thương lái vào chuồng để lựa lợn để mua…
(CAO) Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này.