(CAO) Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.
Đó là những thông tin vừa được các chuyên gia y tế cập nhật tại Chương trình đào tạo y khoa liên tục chuyên đề “Tư vấn di truyền hỗ trợ sinh sản 2019” do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, chuyên gia về sản khoa, các nhà phôi học,… trong và ngoài nước.
Các chuyên gia y tế tham dự chuyên đề “Tư vấn di truyền hỗ trợ sinh sản 2019
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh trong độ tuổi sinh sản, hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề vô sinh, hiếm muộn.
Ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản còn mang ý nghĩa nhân văn, mang đến cơ hội tiếp cận các kỹ thuật điều trị cao cho người dân ngay tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia y tế, trong vô sinh, nam giới chiếm khoảng 40%, nữ giới 40%, còn lại đến từ cả hai phía.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ngoài những nguyên nhân bất thường của cơ thể như do viêm nhiễm, tắc vòi trứng, rối loạn phóng noãn, khối u, không có tử cung,... ở nữ giới; do bất thường về tinh dịch đồ ở nam giới. Một tình trạng chung khiến tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn tăng, theo các chuyên gia, là do yếu tố xã hội.
Xã hội đang phát triển khi ngày càng nhiều người ngại lập gia đình, phấn đấu sự nghiệp nên sinh con muộn. Tới khi tính có con thì khả năng sinh sản đã giảm. Có trường hợp sinh con đầu tiên, rồi tới cả chục năm mới tính tiếp tục mang bầu lại lâm vào tình trạng vô sinh thứ phát.
Tình trạng béo phì gia tăng ở cả nam lẫn nữ cũng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ngoài ra, mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn tỷ lệ chính xác cho các trường hợp vô sinh hiếm muộn, nhưng các chuyên gia tin rằng môi trường độc hại, ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân chính.
Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, việc điều trị hiếm muộn chủ yếu điều trị nguyên nhân, tuy nhiên cũng có đến 10% không rõ nguyên nhân.
Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh ở nước ta không hề nhỏ. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra, trong đó có khoảng 1.400 – 1.800 trẻ mắc hội chứng Down (Trisomy 21), 200 – 250 trẻ mắc hội chứng EdWards (Trisomy 18), 1.000 – 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 2.200 trẻ mắc bệnh Thalassemia (Tan máu bẩm sinh),...
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược cho biết, với thực trạng trên, việc ứng dụng phân tích di truyền trong điều trị vô sinh, hiếm muộn đã mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, giúp sàng lọc, chẩn đoán các hội chứng di truyền trước sinh.
"Ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản còn mang ý nghĩa nhân văn, giúp nhiều cặp vợ chồng thực hiện được thiên chức làm cha mẹ, hạn chế tan vỡ gia đình,...", TS. Hoàng Bắc chia sẻ.
(CAO) "Sau ca phẫu thuật, tỉnh dậy thấy hai đứa trẻ tôi mừng rơi nước mắt, một phần vì xúc động, phần vì mình đã làm tròn lời hứa", sản phụ N.T.M. (34 tuổi, Khánh Hòa) chia sẻ niềm hạnh phúc vỡ òa kỳ diệu mà chị vừa trải qua.