Mẹ VNAH Trương Thị Chiếm tròn 100 tuổi: Tấm gương người phụ nữ kiên trung

Thứ Năm, 27/07/2023 10:39

|

(CATP) Năm 2014, bà Trương Thị Chiếm (100 tuổi, ngụ Khu phố 2, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). Đây là hình ảnh một bà mẹ đã hiến dâng cuộc đời cho đất nước, nuôi dạy con cháu nên người ở vùng đất biên giới.

Vĩnh Hưng là một huyện biên giới của tỉnh Long An. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, huyện Vĩnh Hưng là quận Tuyên Bình thuộc tỉnh Kiến Tường. Nơi đây được cách mạng xác định là vùng 8 căn cứ địa quan trọng của quân giải phóng, chính vì thế địch thường xuyên bắn phá, càn quét rất ác liệt vùng sâu cứ địa. Dù gian khổ, khó khăn, nhân dân huyện Vĩnh Hưng vẫn kiên quyết bám trụ, không ngại hy sinh, đóng góp người, tài sản cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ Trương Thị Chiếm (SN 1923) sống trong vùng này có ý chí quật cường cùng chồng, con tham gia cách mạng với quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên từ nhỏ Mẹ đã có lòng căm thù giặc ngoại xâm, chiến tranh đã làm cho đất nước lầm than, bao gia đình lâm vào cảnh nhà tan cửa nát. Mẹ Chiếm lấy chồng năm 19 tuổi. Chồng Mẹ là ông Trần Văn Inh (hòa bình rồi đổi tên là Lê Văn Inh, SN 1923, ngụ ấp Cả Cát, xã Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Hưng). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, giữ nhiều vai trò khác nhau như Trưởng trạm y tế, Công an xã Vĩnh Lợi, được kết nạp vào Đảng năm 1960, có hơn 40 năm công tác chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên chính quê hương mình. Ông mất năm 1995.

Mẹ VNAH Trương Thị Chiếm

Mẹ Chiếm có 10 người con. Những năm chiến tranh ác liệt, Mẹ cùng chồng tham gia cách mạng, bí mật nuôi cơm cán bộ, bảo vệ người dân vô tội. Noi gương cha mẹ, hầu hết các con của Mẹ Chiếm đều tham gia cách mạng. Liệt sĩ Trần Văn Coi là con trai trưởng lên đường nhập ngũ khi còn khá trẻ và hy sinh năm 1968. Nỗi buồn lớn nhất là đến nay thân nhân vẫn chưa tìm được hài cốt của ông. Liệt sĩ Trần Văn Kiếm là con trai thứ hai của Mẹ cũng tình nguyện xông pha lên đường chống giặc ngoại xâm và anh dũng hy sinh trong một trận đánh năm 1974. Dù đau lòng, nhưng Mẹ vẫn tự hào bởi sự hy sinh của các con trai mình đã đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc.

Mẹ Chiếm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2014

Ông Lê Ngọc Em - con trai út của Mẹ Chiếm rất tự hào: "Gia đình tham gia cách mạng từ ông ngoại đến cậu, dì rồi cha mẹ và các anh chị cũng tiếp bước truyền thống. Hai người anh lớn hy sinh, cha mẹ thì nuôi giữ cán bộ bị phát hiện rồi cha bị bắt, bị tra tấn, đánh đập dẫn đến dập phổi thành bệnh binh nhưng vẫn bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng".

Bà Nguyễn Thị Lệ - con dâu út của Mẹ Chiếm yêu thương, chăm sóc bà mẹ già như con gái ruột để Mẹ vui vẻ sống lâu cùng con cháu. Trong giai đoạn xây dựng đất nước, những người con, cháu của Mẹ đều góp công sức cùng chính quyền địa phương tăng gia sản xuất, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp ý xây dựng các chủ trương của nhà nước trên một số lĩnh vực ở vùng biên. Ghi nhận những đóng góp to lớn, gia đình Mẹ được Nhà nước tặng Bảng vàng danh dự năm 1983.

Năm nay đã tròn 100 tuổi, Mẹ Chiếm vẫn còn rất khỏe mạnh, tươi vui với nụ cười thật bình dị và đậm chất Nam bộ. Mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang