Lâm Đồng:

Tảo lam bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm tại Hồ Xuân Hương

Thứ Tư, 06/04/2016 18:08  | Kim Đồng

|

(CAO) Liên quan đến việc tảo lam xuất hiện, nổi đặc quánh trên mặt hồ Xuân Hương Đà Lạt (Lâm Đồng) và bốc mồi hôi thối gây ô nhiễm. Sáng nay, Công ty Địa cầu và Môi trường - đơn vị chịu trách nhiệm đã tiến hành dọn vệ mặt Hồ Xuân Hương bằng việc dùng lưới quét kéo gom tảo lam.

Những ngày qua, theo ghi nhận của chúng tôi, tại Hồ Xuân Hương Đà Lạt xuất hiện tảo lam nổi lên trên mặt hồ. Loại tảo này nổi lên tạo thành từng thảm lớn kéo dài khoảng 300 mét. Tảo lam nổi đặc quánh, xủi bọt và bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, vị trí tảo lam xuất hiện nhiều nhất là từ khu vực bến du thuyền kéo dài tới cầu Ông Đạo. Liên quan đến nạn tảo lam gây ô nhiễm, tỉnh Lâm Đồng đã phải chi nhiều tỷ đồng để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Tảo lam nổi đặc quách, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm nước Hồ Xuân Hương

Ngay sau khi phát hiện tảo lam nổi lên trên mặt Hồ Xuân Hương Đà Lạt, để xử lý tạm thời nạn tảo lam gây ô nhiễm nước hồ, Công ty Địa cầu và Môi trường - đơn vị chịu trách nhiệm đã cử nhân viên làm vệ sinh mặt hồ bằng việc dùng lưới quét kéo gom tảo lam về phía cống thoát nước ở cầu ông Đạo đẩy trôi về phía thác Cam Ly để vệ sinh môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, năm 2015 Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã cho chạy thử nghiệm thiết bị thu gom tảo lam có khả năng tự động di chuyển, thu gom tảo trên diện tích mặt hồ là 38ha và dưới độ sâu 50cm để xử lý tảo lam tại Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, thiết bị này đã không còn áp dụng.

Nhân viên làm vệ sinh mặt hồ bằng việc dùng lưới quét

Ngoài giải pháp trên, trước đó Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tiến hành trồng hoa súng dưới hồ Xuân Hương (đoạn trước Vườn hoa thành phố Đà Lạt). Đồng thời phía Công ty Địa cầu và Môi trường đã thả 500kg cá mè xuống hồ Xuân Hương để tiêu diệt tảo lam. Tuy nhiên, tình trạng tảo lam nổi trên mặt Hồ Xuân Hương vẫn xuất hiện.

Được biết, để xử lý tảo lam gây ô nhiễm tại Hồ Xuân Hương Đà Lạt, nhiều năm qua tỉnh Lâm Đồng đã phải chi nhiều tỷ đồng để tìm cách giải quyết.

Hiện nay, Hồ Xuân Hương Đà Lạt đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tỉnh Lâm Đồng cần có giải pháp hiệu quả hơn để xử lý “triệt để” nạn tảo lam gây ô nhiễm nước hồ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang