Tạp chất thành… nước, tôm bẩn thành… tôm sạch

Thứ Bảy, 27/08/2016 05:45  | Thiện Thảo

|

(CAO) Chưa bao giờ thực trạng chích tạp chất (agar hay còn gọi là bột thạch rau câu) vào con tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trở nên “nóng” như hiện nay. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thì cá nhân, doanh nghiệp luôn tìm trăm phương nghìn kế để đối phó…

Giao tang vật cho đối tượng vi phạm giữ dùm

Ngày 26-8, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau có báo cáo gởi UBND tỉnh. Theo đó, sở giao toàn bộ hồ sơ việc xử lý Công ty TNHH chế biến xuất nhập khẩu Quốc Ái (gọi tắt là Công ty Quốc Ái, trụ sở tại số 63, Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, TP.Cà Mau do bà Nguyễn Ngọc Ánh làm giám đốc) cho đoàn thanh tra xem xét xử lý.

Cơ quan chức năng tiến hành liêm phong số tôm tạp chất và tạp chất (agar) ngay tại Công ty Quốc Ái
Ông Hồ Văn Tường, địa diện công ty ký vào các biên bản làm việc

Qua hồ sơ, chúng tôi thật sự bất ngờ trước kiểu xử lý của đoàn kiểm tra. Lúc 18 giờ 30 phút ngày 21-8, đoàn liên ngành gồm: Cơ quan Chất lượng Nam Bộ; Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản Vùng V; Cục An ninh Kinh tế Nông lâm ngư nghiệp phối hợp Công an tỉnh Cà Mau kiểm tra đột xuất Công ty Quốc Ái.

Ban đầu, công ty bất hợp tác, bảo vệ không mở cổng. Trinh sát nhiều lần đề nghị bảo vệ hỗ trợ lực lượng thi hành công vụ thì bảo vệ mới thi hành. Khi vào bên trong, nhân viên công ty liền đóng cửa xưởng nhưng bị thành viên đoàn ngăn lại. Sau đó, hàng loạt sự cố bất ngờ xảy ra như: cúp điện, xì hơi gas,…

Trước thái độ kiên quyết của đoàn kiểm tra, ông Hồ Văn Tường, Phó giám đốc công ty làm việc với đoàn thanh tra. Tại hiện trường, Đoàn kiểm tra thu giữ hơn 70 kg tôm có tạp chất; khoảng 120 kg agar; 15 bộ xi lanh, kim tiêm và một số thiết bị bơm tạp chất khác.

Ngay tại Công ty Quốc Ái, cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm nghiệm mẫu và tiến hành liêm phong số lượng tôm và tạp chất thu được; Lập biên bản vụ việc, biên bản kỹ thuật và biên bản giao nhận.

Ông Hồ Văn Tường đại diện đơn vị doanh nghiệp làm việc với cơ quan chức năng đã đồng ý ký vào các biên bản trên. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra lại gởi tang vật cho đối tượng vi phạm sau khi đã niêm phong.

Sáng hôm sau, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đến hiện trường vụ việc để thu tang vật theo bàn giao của đoàn thanh tra. Ban đầu, hiện trường không có dấu hiệu cho thấy niêm phong bị hủy hoại. Do hai thùng niêm phong quá lớn, đơn vị đã gỡ niêm phong để vận chuyển về.

Bằng mắt thường cũng phát hiện, các thùng agar đã biến thành nước. Số tôm được niêm phong trong thùng cũng không có tạp chất. Theo cơ quan chức năng, tang vật bị tráo bởi agar để lâu không thể thành nước mà chuyển sang màu đen. Vì vậy, việc xử lý ngoài “khả năng” của sở.

Đoàn chức năng phát hiện 120 agar chưa kịp tẩu tán. Sáng hôm sau, tạp chất biến thành nước…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Hồ sơ Công ty Quốc Ái, đoàn thanh tra làm chưa chặt chẽ. Mẫu tôm đoàn thu giữ không bắt quả tang đang bơm thì phải lấy mẫu đi phân tích. Trong đó, lấy 2 mẫu ngẩu nhiên (1 mẫu đối chứng, 1 mẫu phân tích) còn đoàn kiểm tra không lấy mẫu đối chứng.

Thứ 2 tang vật vi phạm phải được giao cho chính đối tượng vi phạm. Khi bàn giao cho sở tang vật có dấu hiệu bị tráo. Thứ 3, tang vật agar không còn agar nữa mà biến thánh nước… Do đó, sở không xử lý được”.

Báo động việc chích tạp chất vào tôm

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, Công ty Quốc Ái đối phó với đoàn thanh tra là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hành vi chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bị phát hiện sẽ bị xử theo nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Thế nhưng, trước siêu lợi nhuận chích tôm tạp chất, 1kg tôm sú, sau khi bơm tạp chất có thể đạt trọng lượng lên đến 1,25kg, chiếm từ 15 - 30% trọng lượng tôm nên đối tượng vi phạm tiếp tục vi phạm. Tôm bẩn biến thành tôm sạch.

Theo Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau, số vụ phát hiện tôm tạp chất rất ít so với thực tế vụ việc vi phạm. Hầu hết, các vụ tôm có chứa tạp chất bị phát hiện, xử lý chủ yếu là đang trên đường vận chuyển, một số ít tại cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu nhỏ lẻ; chưa phát hiện và xử lý tận gốc các tụ điểm bơm chích tạp chất tại địa phương.

Từ trước đến nay, chưa phát hiện, xử lý được tụ điểm bơm chích nào tại các địa phương với số lượng lớn. Cụ thể ngày 21-6, Đội liên ngành tỉnh Cà Mau phát hiện lô tôm gần 100 kg có chứa tạp chất tại doanh nghiệp tư nhân Lê Lan (ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, do bà Lê Thị Lan làm chủ).

Đoàn thu giữ nhiều tang vật tại Công ty Quốc Ái

Ngày 4-8, Đội Quản lý thị trường cơ động thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau phối hợp Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã bắt quả tang 1 xe tải chở 553kg tôm bơm tạp chất.

Tại thời điểm bị bắt giữ, trên xe tải có chứa 21 thùng tôm sú nguyên liệu đã bơm tạp chất. Tài xế khai nhận chở thuê tôm cho ông Trần Văn Toàn (ngụ tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu).

Thử nhanh hóa học tạp chất trong tôm nguyên liệu, lực lượng chức năng kết luận, số tôm sú trên có chứa tạp chất. Lực lượng làm nhiệm vụ đã lập biên bản và tiến hành các bước xử lý theo quy định. Tính từ đầu năm đến nay, Cà Mau phát hiện gần 10 vụ tôm tạp chất.

Thời gian qua, Công an tỉnh Bạc Liêu bất ngờ kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tại hiện trường có hàng chục công nhân đang tiến hành bơm các chất tạp chất vào tôm.

Trụ sở Công ty Quốc Ái

Những thùng chứa đầy tôm tạp chất đã sẵn sàng để các thương lái chuyển đi tiêu thụ ở các nơi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Cà Mau, Sóc Trăng. Trong ngày 27-7, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 2 cơ sở chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Kiểm tra nhà bà Nguyễn Thị Bèo (tại ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, Bạc Liêu, thương lái mua tôm nguyên liệu), đoàn bắt quả tang nhân công bơm tạp chất với 50kg tôm, tịch thu số tôm đã bơm chích 15,4kg.

Đoàn kiểm tra phát hiện tại nhà ông Lê Hoàng Nữa, hộ có đăng ký giấy phép kinh doanh (ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) đang bơm chích tạp chất vào tôm với số lượng thu giữ 141kg.

Hội Chế biến thủy sản và Xuất khẩu tỉnh Cà Mau cho rằng, thời gian qua, có những lô hàng tôm xuất khẩu bị phát hiện trả về do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và sự cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên trường quốc tế.

Do đó, công tác Phòng chống tôm tạp chất, không còn là chuyện của một doanh nghiệp hay một cá nhân nào mà cần có sự phối hợp từ ngành chức năng với doanh nghiệp từ địa phương này với địa phương khác và trên cả nước. Đồng thời, phải có những chế tài xử lý mạnh các vụ đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo, khi tôm có chứa tạp chất ở dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi để phát triển nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm.

Người dùng ăn phải loại tôm này sẽ có nguy cơ ngộ độc và mắc một số chứng bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, thương hàn, tả,… Nếu nguồn nước sử dụng để bơm tạp chất vào tôm bị ô nhiễm thì các vi khuẩn càng có cơ hội tấn công cơ thể, khiến người ăn dễ bị mắc bệnh,...

Bình luận (0)

Lên đầu trang