Nghệ An:

‘Tàu 67’ không thể cập cảng vì Lạch Vạn bồi lắng

Thứ Hai, 26/06/2017 08:12  | Nguyên Thi

|

(CAO) Cùng với nhiều chiếc tàu cá có công suất lớn khác, những chiếc “tàu 67” được đóng mới có giá trị hàng chục tỷ đồng, là niềm mơ ước của biết bao ngư dân vùng biển trong cả nước.

Thế nhưng hiện nay những con tàu đó của ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) lại không thể cập bờ chỉ vì cảng cá Lạch Vạn bị bồi lắng.

Cứu cánh của ngư dân

Từ khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP về việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ. Đó là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ, vừa giúp ngư dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi lớn để đóng mới những tàu bằng thép chắc chắn hơn, hiện đại hơn. Vừa là phương tiện để đánh bắt xa bờ, thu về nhiều nguồn hải sản có giá trị, là hướng đi đúng đắn để những ngư dân trên biển bảo vệ “ lãnh thổ” của mình.

Đối với ngư dân vùng biển Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, cũng hết sức vui mừng khi được Chính phủ quan tâm để người dân có thể hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu thuyền. Từ đó, thay đổi tư duy đánh bắt trên những con tàu bằng thép, với nhưng ngư lưới cụ hiện đại và nhiều công cụ hỗ trợ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thế nhưng, có một thức tế đáng buồn hiện nay ở xã Diễn Ngọc, đó là hai trong số ba chiếc “tàu 67” được đóng mới to lớn, lực lưỡng của ngư dân Nguyễn Do Thái (55 tuổi) trú ở xóm Ngọc Tân xã Diễn Ngọc, đó là niềm mơ ước của biết bao ngư dân vùng biển, nhưng lúc trở về cập cảng Lạch Vạn sau mỗi chuyến hành trình đi biển lại không thể vào neo đậu được tàu, vì Lạch Vạn bị bồi lắng.

Lạch Vạn bị bồi lắng khiến các tàu cá bị hỏng mạn tàu, gãy chân vịt xảy ra nhiều. Các tàu cá phải neo đầu phía ngoài xa bờ

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Do Thái cho biết: “Theo Nghị định 67, trong hai năm 2015 và 2016 gia đình tôi được hỗ trợ đóng mới hai tàu gồm một tàu vỏ sắt có công suất 829 CV và một tàu vỏ gỗ 405 CV với tổng giá trị hơn 25 tỷ đồng.

Nhờ những con tàu này mà gia đình có thể đánh bắt được xa bờ, với những phương tiện hiện đại hơn, năng suất lao động cao hơn, tăng thu nhập so với những con tàu vỏ gỗ trước kia. Thế nhưng do cảng Lạch Vạn bị bồi lắng nên tàu không thể cập cảng được, đó cũng là một bất cập hiện nay”.

Do một phần ý thức của người dân xả rác thải, khiến khu vực xung quanh cảng cá ngập rác, đó cũng là nguyên nhân gây bồi lắng

Gia đình ông Thái vốn có nghề truyền thống đi biển hàng chục năm nay. Trước kia gia đình có hai cặp tàu với 4 chiếc vỏ gỗ đi đánh bắt trên biển. Lâu dần tàu ngày càng hư hỏng, xuống cấp hơn, hiệu quả mạng lại không còn cao như trước nữa. Sau đó, gia đình đã đầu tư hai chiếc “tàu 67” này. Đối với người dân vùng biển nơi đây, để có được con tàu như vậy đó là niềm mơ ước lớn.

Nhờ có hai tàu cá hiện đại của gia đình mà hiện nay đã giải quyết việc làm cho khoảng 30 công nhân là lao động ở các xã của huyện Diễn Châu cũng như huyện Quỳnh Lưu đang đi trên tàu. Đó nơi tạo công ăn việc, làm ổn định với thu nhập khá cao so với các ngành nghề khác hiện nay ở địa phương.

Tàu thuyền khó khăn khi vào cảng

Trước thực trạng Lạch Vạn bị bồi đắp khiến tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng khó khăn, “tàu 67” cũng như nhiều chủ tàu khác có công suất lớn của ngư dân xã Diễn Ngọc buộc phải chuyển sang cập ở các cảng Lạch Cờn (Hoàng Mai), Lạch Quèn (Quỳnh Lưu), Lạch Hội (Cửa Hội),... khiến cho chi phí mỗi chuyến đi biển của bà con ngư dân bị đội lên từ 20 - 25 triệu đồng, cùng nhiều các khoản phí khác phát sinh thêm khi tàu phải đậu ở xa.

Cũng theo phản ánh từ người dân, do cảng Lạch Vạn bị bồi lắng nên trước đó, nhiều tàu cá của ngư dân cái thì bị vỡ mạn tàu, cái lại gãy chân vịt vì mắc cạn. Nhiều tàu cá muốn đi ra khơi phải chờ khi con nước lên, hay phải đi thật sớm lúc 1-2 giờ sáng rồi ra neo đậu ở phía ngoài nước sâu để tránh tàu bị mắc kẹt.

Tàu cá mắc cạn không thể ra khởi, nhiều ngư dân tranh thủ sửa chữa lại ngư cụ trên bờ

Ông là Phạm Ngọc Sâm, chủ tàu cá NA-3712 TS (51 tuổi, ngụ xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc) cho biết: “Thực tế Lạch Vạn bị bồi lắng nhiều năm qua, do bị đồi lắng nên việc vào bờ neo đậu tàu thuyền gặp nhiều khó khăn. Có tàu muốn ra khơi thì phải chờ con nước lên mới ra bể được. Có tàu bị mặc kẹt, hỏng chân vịt, hỏng thuyền xảy ra rất nhiều”.

Cảng Lạch Vạn không chỉ là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân Diễn Châu mà còn là nơi tránh trú bão, trao đổi hàng hoá, hậu cần nghề cá của nhiều địa phương trong tỉnh và tàu thuyền tỉnh bạn.

Số lượng tàu thuyền lên đến hàng nghìn chiếc, tính riêng đội tàu thuyền của xã Diễn Ngọc đã có gần 500 phương tiện các loại. Chính vì vậy việc cảng Lạch Vạn bị bồi lắng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế của vùng biển nơi đây.

Cũng vì lí do Lạch Vạn bị bồi lắng, luồng lạch không đáp ứng được việc tàu cà ra vào thuận lợi nên nhiều ngư dân dù muốn đầu tư tàu lớn, máy móc hiện đại hơn để đánh bắt, nhất là từ khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, dài ngày, khai thác các loài hải sản có giá trị cao.

Ông Nguyễn Do Thái cho biết, có hai “tàu 67” nhưng không thể cập cảng Lạch Vạn vì bị bồi lắng

Song, vì lý do luồng lạch không đáp ứng được yêu cầu nên đành phải từ bỏ ý định. Hơn bao giờ hết, người dân mong muốn Nhà nước có phương án nạo vét cửa lạch để giải quyết tình trạng bồi lắng, tạo điều kiện giúp ngư dân ra vào cảng thuận lợi hơn, để hoạt động nghề cá thật sự là nghề chính mang lại kinh tế cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: “Tình trạng bồi lắng ở vùng Lạch Vạn đã diễn ra nhiều năm nay khiến cho tàu thuyền của ngư dân xã Diễn Ngọc nói riêng và huyện Diễn Châu nói chung, gặp rất nhiều khó khăn khi ra vào cảng.

Người dân đã nhiều lần có ý kiến, các cuộc họp hội đồng nhân dân các cấp đều nêu ra vấn đề này. Địa phương cũng đã tiếp thu các kiến nghị của bà con và trình lên các cơ quan chức năng để có biện pháp nạo vét, tạo điều kiện để bà con yên tâm bám biển, phát triển kinh tế biển”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang