Tết cho trẻ con

Thứ Hai, 23/01/2023 17:48

|

(CATP) Trong khi người lớn bận bịu, thậm chí là lo toan với Tết - thì trẻ con không thôi mong ngóng Tết về. Và khi người lớn mải mê mua sắm cỗ bàn, trang hoàng nhà cửa… thì trẻ con chỉ cần ngắm cành mai, bông đào hay cánh én cũng đủ thấy tâm hồn rộn rã. Dường như cả thiên nhiên, đất trời và người lớn cùng chăm lo cái Tết cho trẻ con.

TRẺ CON ĐÓN TẾT SỚM HƠN

Những đứa trẻ không quá quan tâm việc người lớn đã sáng tạo ra lịch để làm gì. Ngoài những thứ, những ngày để đến trường, đến lớp và vui với bốn mùa; bất chợt một hôm lũ trẻ kháo nhau: Chỉ còn bây nhiêu ngày nữa là Tết. Ấy cũng là khi chúng bắt đầu ngóng Tết.

Và khi người miền Bắc tuốt lá cây đào, người miền Nam lặt lá cây mai thì trẻ con như đã hồi hộp với Tết. Cũng bắt đầu từ khi ấy, chúng đếm từng ngày. Ấy vậy mà tưởng Tết đã đến gần, nhưng sao mà vẫn xa xôi.

Rồi dấu hiệu của Tết ngày càng rõ hơn. Đó là khi bà và mẹ nhặt hành để muối dưa; ông và bố cắt tỉa, sửa sang những cây đào, gốc mai để lựa chọn cây nào sẽ được đưa vào nhà, vào sân; rồi đến lễ cúng ông Công - ông Táo. Cùng với cảm xúc bồi hồi rằng Tết đã đến rất gần, những đứa trẻ cảm thấy vui biết bao nếu như được ông, bà, bố, mẹ nhờ chúng góp sức chuẩn bị và chăm lo Tết.

Song chỉ cần bảo chúng làm lâu lâu một chút thôi, chúng sẽ sớm tỏ ra nhàm chán. Bởi vì tâm hồn trẻ con ấy vẫn cần được rong ruổi để tìm thêm những dấu hiệu mùa xuân. Chúng cần phải được chạy ra đường xem những cửa hàng, cửa hiệu chuẩn bị Tết rộn ràng và sặc sỡ ra sao. Chúng cũng cần nhìn lên bầu trời để xem đâu là cánh én đầu tiên bay về. Thậm chí chúng sẽ thi xem đứa nào nhìn thấy những bông hoa đào, hoa mai đầu tiên bung nở.

Rồi những đứa trẻ cũng cần túm tụm với nhau để chia sẻ thông tin rằng Tết này của mình dự kiến sẽ diễn ra như thế nào. Những đứa trẻ thành phố sẽ về thăm ông bà và ăn Tết làng quê; cũng sẽ có những đứa trẻ khoe Tết này lần đầu tiên cùng gia đình đi du lịch đến một miền không gian khác và cũng rất nhiều đứa trẻ đơn giản là tận hưởng Tết một cách vô định.

Nhưng sao mà lạ thế. Đã xé bao nhiêu tờ lịch, đã làm bao nhiêu việc chuẩn bị và đã ngóng chờ mãi mà Tết vẫn chưa về đến nơi. Những khi đám trẻ “dỗi hơi” không có điều gì để nghĩ và chẳng có việc gì để làm thì chúng sẽ tự hỏi: Sao Tết mãi chưa về? Sao chưa được nghỉ học và vẫn còn phải làm bài tập? Trả lời cho những câu hỏi của trẻ con, những ông, bà, bố, mẹ thường hay nói đùa với chúng, rằng: Tết mới về đến đầu phố thôi, đó là nơi bày mứt Tết để bán" hoặc cũng có thể là Tết đã về đến, bó lá dong để gói bánh chưng, nhưng lại còn chờ gạo nếp, đỗ xanh và nhân thịt lợn nữa… Và thế là những đứa trẻ con lại kiên nhẫn chờ.

Vào một ngày nọ, lũ trẻ con biết chắc chắn rằng hôm nay là ngày học cuối rồi sẽ được nghỉ Tết. Sẽ rất hiếm có đứa trẻ con nào tập trung được vào bài học ngày hôm ấy. Chúng sẽ dành nguyên cả buổi học chỉ để chờ đợi cái khoảnh khắc được ùa ra khỏi lớp, chạy ra ngoài đường cùng chúng bạn để chào đón Tết đã ban tặng cho chúng món quà “Được nghỉ học” và trịnh trọng thông báo với ông, bà, bố, mẹ như thế. Rồi cũng từ đây, chúng sẽ tham gia vào những việc chuẩn bị Tết một cách tích cực và sốt sắng hơn. Những đứa trẻ thấy mình như lớn bổng lên. Chúng sắp thêm một tuổi!

Bỗng nhiên “dấu hiệu Tết” ùa về dồn dập. Nào là rộn rã gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả bàn thờ tổ tiên; nào là làm cỗ tất niên, chuẩn bị “bầu cử” ai xông nhà lúc đón giao thừa năm mới… Đám trẻ con như bị choáng ngợp với cảm xúc: Chao ôi, sao Tết về nhanh thế và Tết đã về trên khắp mọi nơi. Thậm chí không ít đứa trẻ lại mong ước Tết hãy về… chậm thôi. “Tất cả mọi người lớn đều đã từng là trẻ con” - nhà văn Antoine de Saint-Exupéry đã viết như vậy trong cuốn truyện nổi tiếng “Hoàng tử bé”. Và trong một nhịp lặng nào đó, người lớn vốn là em bé trước kia tìm thấy bóng dáng của mình qua những đứa trẻ. Ai cũng đã từng ngóng Tết như thế và đột nhiên thấy: Tết đã về trong tâm hồn người.

TẾT CHO TÂM HỒN THƠ BÉ

Nếu chiêm nghiệm thì sẽ thấy: Trẻ con không chỉ đón Tết sớm hơn mà còn chia tay Tết muộn hơn. Ngay cả khi hết Tết và đi học trở lại, chuyện chúng vui Tết như thế nào còn râm ran mãi. Đặc biệt hơn thế, với chúng, Tết là không gian của niềm vui tâm hồn. Tất nhiên là đứng trước cái Tết, trẻ con đã luôn được người lớn chăm lo chu đáo nhất có thể về vật chất. Song tôi đoán chắc rằng: Tết của trẻ con không cần nhiều vật chất và nhiều sự lo toan đến thế.

Đã có một quãng thời gian, “nhịp sống công nghiệp” khiến không ít người cho rằng: Chỉ cần một cái Tết đủ đầy, tươm tất. Điều đó cũng đồng nghĩa cứ có tiền “mua Tết” về là được. Song trẻ con cần nhiều ý nghĩa và giá trị từ cái Tết hơn thế. Ngoài những món ăn ngày xuân - mà trẻ con thường ăn rất ít - thì sự giải phóng tâm hồn khi nghỉ học, rồi cảm xúc chộn rộn khi thấy bông hoa đào đỏ, sắc biếc mai vàng hay cánh én chao nghiêng, hoặc như được thức đêm để đun nồi bánh chưng… có lẽ mới thực sự cho chúng rung động và trải nghiệm trong không gian Tết.

Tết cổ truyền Việt Nam là Tết sum vầy. Cùng với giá trị thiêng liêng ấy thì phong vị Tết mới thực sự là sợi dây kết nối thế hệ và làm nên bản sắc văn hóa. Hơn ai hết, trẻ con chính là “điểm kết nối tiếp theo” trong sợi dây thế hệ để vừa đào thải sự cổ hủ, lạc hậu; đồng thời bồi đắp yếu tố truyền thống tốt đẹp và tinh thần văn minh. Vì thế trong những năm gần đây, không chỉ ở làng quê, mà ngay cả những “người quê” ở phố cũng thường cùng nhau gói và nấu bánh chưng khi Tết đến. Người lớn làm điều này cho trẻ con và cho chính mình. Bản chất của hoạt động này cùng với nhiều nếp sinh hoạt được khôi phục, duy trì là để người lớn cùng trẻ con đoàn viên, tương tác và sống trong không gian văn hóa Tết. Đây cũng là lúc người lớn truyền cảm hứng cho trẻ về những giá trị tốt đẹp cần gìn giữ và phát huy.

Cũng thật vui khi mà trong những năm gần đây, xã hội chứng kiến sự hồi sinh của một nét văn hóa đẹp đẽ làm cho Tết thêm nhiều ý nghĩa. Đó là những tập “Sách Tết” - trong đó có sách dành cho trẻ con. Từ năm 2020 đến nay, cùng với Đông A thì Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra “Sách Tết” dành cho trẻ con. Sự xuất hiện trở lại của “Sách Tết” dành cho trẻ con với nội dung hay, hình thức đẹp đã cho thấy nhu cầu tâm hồn trong không gian văn hóa Tết của trẻ con là chính đáng và quý báu biết chừng nào.

Đó cũng là minh chứng: Với trẻ con là vui Tết chứ không hẳn là… ăn tết. Và khi người lớn tổ chức Tết thì hãy đừng quên: Tết của trẻ con có một phần đặc biệt quan trọng là nhu cầu của tâm hồn!

Bình luận (0)

Lên đầu trang