Ngõ giao mùa

Thứ Hai, 23/01/2023 17:36

|

(CATP) Dường như sự xao xuyến giao mùa dễ làm lòng người xúc động. Nó là cảm giác gì đó vừa mơ hồ vừa rõ rệt kéo dài trong tiếc nhớ, bâng khuâng. Thường ở tuổi trung niên và tuổi già, cảm giác này thường trực hơn mỗi khi trời đất giao mùa. Tôi là kẻ đứng giữa hai bờ mờ tỏ ấy, nên không tránh khỏi những cảm xúc bất chợt, vu vơ. Chỉ cần nhìn ngoài trời, ngọn heo may bắt đầu run rẫy, mưa lất phất qua ngõ phố, lòng cũng thức dậy những xốn xang xưa cũ. Cái lạnh đầu đông bắt người ta hoài niệm, mọi người cảm thấy cần nhau hơn trong câu chuyện kể, trong cái nắm tay truyền hơi ấm. Vì thế, những chiếc áo lạnh ngày càng tôn lên vẻ đẹp của sự gặp gỡ, làm ấm lên tình người bao lâu nguội lạnh, hững hờ....

Phương Nam với khí hậu nhiệt đới, chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng bắt đầu vào tháng 11 vẫn cảm nhận được mùa đông đất Bắc. Từng đợt gió lạnh kéo về, rồi áp thấp nhiệt đới từ biển Đông hình thành, rồi nắng mưa bất chợt, bão giông sấm sét, đã cho thấy những tín hiệu mùa có sự đổi khác. Nhất là tín hiệu hoa, mùa hạ hoa sen, mùa thu hoa cúc, thì mùa đông có hoa cải vàng, hoa cúc họa mi điểm xuyết...

Những con đường Tây Nguyên, hoa dã quỳ lộng lẫy ươm vàng từ sườn đồi, ngõ dốc. Màu áo thiên nhiên ấy mặc vào mùa đông, khiến cho không khí lạnh lẽo trở nên ấm áp, nồng nàn hơn. Không khí lễ hội tưng bừng đang chờ đợi những chàng trai, cô gái dệt nên những tình khúc mùa đông lãng mạn, dịu dàng. Ngày xưa, mùa đông đáng sợ bao nhiêu thì ngày nay mùa đông đã trở thành thứ đặc sản cho những lễ hội khắp các vùng miền. Tuy nhiên, mùa đông với rét đậm rét hại, vẫn còn là nỗi buồn cho những vùng sâu vùng xa, vùng núi non hiểm trở, con người và gia súc như trâu bò vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Chớm đông, bỗng nhớ về tuổi thơ, nhớ những con đường ngõ hẹp dẫn ra đồng. Rạ rơm quyến quyện gót chân, cùng nhau lội trong bùn lầy, trong giá lạnh chăn trâu cắt cỏ. Tuy manh áo còn nghèo nàn, nhưng bữa cơm ấm áp của gia đình đã nuôi lớn những ước mơ. Sau này lớn lên, đi xa, những đụn khói ngày bắt ốc luộc rau, lùi khoai nướng vẫn còn thơm trong ký ức một thời.

Người Việt chúng ta chủ yếu sống bằng nông nghiệp, hiếm thấy ai không được sinh ra từ gốc rạ, nên mùa đông cũng là mùa vất vả, lo toan. Mẹ ta một nắng hai sương, gồng gánh suốt đời vì chồng vì con, nên tuổi già mẹ ngấm mưa nắng mà thành những cơn đau nhức. Cha ta một đời rơm rạ, dầm chân trên đồng cạn dưới đồng sâu, luống cày thẳng tắp đời người.

Bây giờ mùa đông tóc bạc như tuyết, người không còn sức để lợp lại mái nhà, khi ngọn gió đông lang thang thổi ngược đêm rít qua khe cửa, thì cái rét thấu xương đã thấm vào tuổi tác khiến người run lên bần bật, dù đã đắp nhiều tấm chăn dày hơn xưa. Những đứa con của mẹ, của cha không thể nào hiểu được mùa đông cuối của đời người là gì, nên song thân lặng lẽ đi trong rét mướt mưa phùn. Đó là một ngày lạnh lẽo nhất thế gian mà các con của cha mẹ cảm nhận được.

Vì thế, mùa đông về cũng là thầm nhắc một con ngõ giao thoa giữa cuối thu và chớm đông. Ấy là con ngõ bất tận, con ngõ mở ra mà không thể đóng vào. Nếu nói mùa thu là mùa đẹp nhất đời người, thì mùa đông nối tiếp cái đẹp ấy bằng sự nghiệt ngả của quy luật mà đất trời đã hình thành từ vạn thuở.

Một nhành mai tuyệt đẹp bung nở vào một sớm mùa xuân, cũng được hình thành trong tàn đông giá rét. Con người càng đi qua nhiều mùa đông của hành trình, càng vững chải bước chân hơn trong bão táp mưa sa. Bởi có câu nói rất hay rằng: “Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp”... Giao mùa cũng là giao cho ta chiếc chìa khóa, để mở ra cánh cửa nơi con ngõ hướng về phía mặt trời...

Bình luận (0)

Lên đầu trang