Trẻ em nghèo phải mưu sinh... trên ngọn thốt nốt

Thứ Sáu, 09/10/2015 06:29  | Von Thạch

|

(CAO) Đứng dưới mặt đất ngước lên cây thốt nốt cao từ 10-15 mét không ai nghĩ rằng một đứa trẻ mới học hết lớp 3 có thể trèo lên tới độ cao đó mà không có bất cứ một dụng cụ bảo hộ an toàn nào.

Nguy hiểm nhưng đây lại chính là công việc “thời vụ” của em Thạch Nô (14 tuổi, dân tộc Khmer ở ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Em được mướn trèo để chặt tàu thốt nốt bán cho thương lái mua làm chuồng dơi.

Xem clip:

Cheo leo trên ngọn cây

Dụng cụ duy nhất để “hỗ trợ” cho em Nô leo tới ngọn cây thốt nốt cao “ngất trời” kia là cái một thang bằng tre gai già. Em không có đeo một vật dụng bảo hộ an toàn nào khác ngoài sự dẻo dai, gan dạ và sức khỏe của một đứa trẻ mới học hết lớp 3.

Mỗi cây thốt nốt cao từ 10-15 mét, em Nô cho biết trong 2 ngày em đã leo lên khoảng 30-40 cây thốt nốt như thế này

Anh Thạch Mưng (45 tuổi, dân tộc Khmer ở ấp Trà Mòn, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: "Công việc chặt tàu thốt nốt diễn ra theo thời vụ, phụ thuộc vào mối mang quen biết lâu năm. Khi nào người ta cần mua tàu thốt nốt thì anh xin nghỉ công việc bốc vác vài ngày. Tàu thốt nốt được bán lại cho khách hàng ở Trà Vinh, Bến Tre xuống thu mua tại bến sông".

Lựa những cây tre chắc chắn, dài, thẳng sau đó cắt nhánh tre để chừa phần sát thân ra khoảng nửa gang tay (10cm). Những nhánh mọc so le nhau dôi ra tạo thành các “bậc thang” giúp em leo lên ngọn thốt nốt đỡ mệt hơn.

Cây thang được người chủ dựng nghiêng với thân cây thốt nốt. Phần gốc của cây thang thì lớn và nhỏ dần xuống phần ngọn tre vì thế khi càng lên cao thì cây thang càng đu đưa “nhịp nhàng” theo từng bước chân của cậu bé khiến người xem một phen thót tim. Sau những lần leo xuống tới mặt đất mồ hôi nhễ nhãi em nói: “Không có sợ, không hồi hộp gì cả, có cây thang này leo đỡ mệt hơn leo bằng tay chân không”.

Từng bước chân của cậu bé khiến người xem một phen thót tim

Leo lên gần tới phần tàu lá thì em lại dùng sợi dây thốt nốt cột cây thang vào thân cây thốt nốt cho “chắc ăn” hơn. Tiếp đó dùng con dao tuốt bỏ hai hàng gai sắc nhọn để khi đu lên tàu lá không bị đứt tay và chặt tàu rớt xuống. Hành trình của công việc nguy hiểm đối với một đứa trẻ chưa đủ tuổi lao động cứ lặp đi lặp lại như vậy đối với hàng chục cây thốt nốt còn lại.

Chủ - tớ đều nghèo

Em Thạch Nô là con út trong gia đình 6 người. Mặc dù đã 14 tuổi nhưng trông em nhỏ hơn những đứa trẻ khác cùng lứa.

Sau khi học hết lớp 3 thì Nô nghỉ học. Hiện tại em đang sống với người cha tên Thạch Pha Rum nghiện rượu, không nghề nghiệp trong căn nhà cấp 4 được nhà nước hỗ trợ cấp cho nhiều năm trước đến nay đã xuống cấp, gạch lót lởm chởm.

Em Thạch Nô là con út trong gia đình 6 người

Ông Thạch Thil, Trưởng ấp Cần Thay cho biết: “Hộ gia đình ông Thạch Pha Rum gặp khó khăn về kinh tế từ trước tới nay, tuổi ngày càng lớn không nghề nghiệp, không có đất ruộng vườn canh tác sản xuất, cuộc sống chủ yếu dựa vào các con đi làm mướn. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, giúp đỡ xét gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ vốn…”.

Sau hai ngày chặt tàu thốt nốt em được người chủ em được trả tiền công là 150.000 đồng. Đây là số tiền mà em phải đánh đổi bằng sự nguy hiểm tính mạng của bản thân trèo lên những cây thốt nốt cao chót vót ở ngoài ruộng. Trong khi đó em vẫn hồn nhiên nghĩ rằng nếu té rơi xuống ruộng đất mềm không sao.

Em chia sẻ việc trèo cây khổ nhất là gặp phải bầy ong làm tổ ở trên đó. “Hôm nay em cũng bị ong chích hai đốt nhưng không sao, sợ nhất là loài ong làm tổ dài trên cây”, em Nô nói.

Anh Thạch Mưng, cách nhà em Nô một cánh đồng, cho biết: “Bình thường anh mướn anh của nó, nhưng hôm nay anh nó đi làm đất gạch nên thấy nó ở nhà anh mới mướn nó. Cha mẹ nó cũng dặn anh trông chừng nó giùm nên khi thấy cây nào khó leo quá thì anh cũng không dám để cho nó trèo đâu”.

Anh Mưng cũng là một trong những hộ dân nghèo, gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu trước hục sao. Thường ngày, anh đi làm bốc vác vật liệu xây dựng cho một doanh nghiệp ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn. Do không có ruộng vườn, quanh năm suốt tháng anh Mưng cũng chỉ biết đi làm mướn làm thuê kiếm tiền nuôi vợ và đứa con gái đang học lớp 4.

Ở Việt Nam cây thốt nốt có nhiều ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nhưng ít ai biết rằng ở xã Tây Mỹ, huyện Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long cũng có cây thốt nốt nhiều nhất nhì miền Tây.

Cây thốt nốt thường được trồng men theo bờ ruộng, chịu được khô hạn…

Cây thốt nốt có nhiều lợi ích như: trái để ăn, nước thốt nốt là thức uống rất ngon và là nguyên liệu để chế biến đường thốt nốt đặc sản ở An Giang. Riêng lá của nó thì được chặt lúc vừa già để làm tổ nuôi dơi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang