Vụ 40 người chạy khỏi casino Campuchia bơi sông về Việt Nam:

Lời kể của những người trốn chạy khỏi "thiên đường"

Thứ Bảy, 20/08/2022 18:33  | Thiện Thảo

|

(CATP) Thời gian qua, đã có rất nhiều cảnh báo hình thức tuyển lao động việc nhẹ, lương cao ở Campuchia nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy. Khi ra đi, ai cũng ấp ủ mộng "thiên đường" nhưng tất cả đều vỡ mộng. Những cuộc trốn chạy từ đó nối dài. Chiều 19-8, các cơ quan chức năng tỉnh An Giang tiếp tục làm rõ nhân thân 40 người vượt sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Trước đó, hàng loạt các cuộc trốn chạy xuyên biên giới sau giấc mộng đổi đời.

Kế hoạch vượt sông Bình Di

Khoảng 9 giờ 45 ngày 18-8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đóng tại khóm Tân Khánh (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện hàng chục người nam, nữ bơi giữa dòng sông phía biên giới về Việt Nam. Vừa đến bờ, một số người chạy đến ôm lực lượng biên phòng: "Các anh cứu tôi...". Phía dưới sông có tiếng hô to: "Có người chết đuối...". "Chúng tôi bị bắt...".

Trước tình cảnh trên, lực lượng đưa các nạn nhân vào bờ và phối hợp với Công an huyện An Phú tiến hành lấy lời khai các nạn nhân, một số chiến sĩ tìm người mất tích. Bước đầu, lực lượng bắt giữ 40 người, gồm 35 nam và 5 nữ (chủ yếu đến từ các tỉnh Miền Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ) từ Casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Thiếu tá Lê Ngọc Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang xác nhận, tổng số có 42 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam nhưng chỉ bắt giữ được 40 người. Qua xác minh bước đầu, có 1 người mất tích khi bơi vượt sông là Đỗ Mạnh Hùng (SN 2006, hộ khẩu thường trú TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Còn 1 người bị bảo vệ casino bắt giữ lại... "Đơn vị bước đầu đã tiến hành test nhanh Covid-19 cho 40 người này, kết quả đều âm tính. Hiện đơn vị đang phối hợp với Công an huyện An Phú tiến hành lấy lời khai nhóm người này để làm rõ bản chất sự việc.

V. cùng gia đình đang kể lại những ngày tháng bị đọa đày ở nước bạn

Qua quá trình điều tra, khai thác nhanh, nhóm người này đã khai nhận họ xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau khi sang Campuchia, họ hợp đồng làm việc tại casino Rich World. "Trong nhóm có một người trước đó làm việc trong các casino đối diện tỉnh Tây Ninh, Long An do người Trung Quốc quản lý, sau đó được chuyển về casino Rich World. Hàng ngày, những người này làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý casino người Trung Quốc. Do phải làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi), không được trả lương, nên nhóm người này thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam", thiếu tá Tuấn cho biết.

Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Các nạn nhân hẹn với nhau thời gian trốn khỏi sòng bạc nhưng không biết đường về. Một trong số nạn nhân, nhìn bên kia sông Bình Di có cờ Việt Nam treo Đồn biên phòng nên quyết định vượt sông Bình Di. Đến khoảng 9 giờ ngày 18-8, 42 người tập trung tại một địa điểm (đã thống nhất từ trước). Sau đó, các nạn nhân đồng loạt tấn công bảo vệ casino rồi nhanh chân chạy ra cổng casino bơi qua sông Bình Di nhập cảnh vào Việt Nam. Tối 18-8, sau khi khai thác xong các thông tin ban đầu, đơn vị phối hợp với Công an huyện An Phú và chính quyền địa phương chuyển nhóm người này về Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú, chờ ý kiến chỉ đạo xử lý.

Đọa đày nơi đất khách

Việc 40 người vượt sông nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như hồi chuông cảnh tỉnh sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao ở sòng bạc. Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ nạn nhân trốn chạy khỏi sòng bạc về nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.

Theo lời kể của các nạn nhân, qua những lời rủ rê tuyển nhân viên việc nhẹ lương cao trên mạng, họ đồng ý làm việc ở sòng bạc tại Campuchia. Các nạn nhân sẽ được đưa đến TPHCM để làm hộ chiếu. Từ đây, các cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ là nơi được chọn để chuyển người, một trong cửa khẩu được ưa chuộng là Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Sang đất Campuchia, các nạn nhân sẽ được đưa đến nhiều tỉnh khác nhau với các công việc tương ứng. Môi giới sẽ bán "con mồi" vào các công ty với giá khoảng 2.000 - 3.000 USD. Công việc của các thanh niên tại đây sẽ vào các game cờ bạc, giả làm gái, nhắn tin làm quen, ve vãn nam giới ở Việt Nam.

Một nạn nhân tường trình với lực lượng biên phòng

Sau 2 - 3 ngày, khi "con mồi" đã bắt đầu cắn câu, tài khoản giả gái của các thanh niên này sẽ được cài đặt nhiều video một cô gái khỏa thân, đưa cho các nam giới Việt Nam xem miễn phí. Sau thời gian trò chuyện, các "con mồi" sẽ đồng loạt nạp tiền chơi game để tiếp tục vừa đánh bạc vừa xem. Một số người sẽ được bán vào công ty lừa đảo trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada hoặc sòng casino, công việc của họ là làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý. Các nạn nhân lao động cật lực nhưng không có lương. Ăn uống thì nhỏ giọt và chịu sự quản lý gắt gao của bảo vệ. Nếu muốn về Việt Nam, người bị lừa phải đưa tiền chuộc từ 90 triệu và có thể lên đến gần 200 triệu đồng.

Em Trần Thế V. (17 tuổi, ngụ ấp Rạch Bèo, xã Long Đức, TP.Trà Vinh) may mắn vượt biên thoát chết. Sau hơn 1 tháng, V. không quên được những ngày tháng kinh hoàng nơi đất khách. Tháng 4-2022, thông qua Hội tìm việc làm trên mạng xã hội, V. được một người đàn ông giới thiệu làm quản lý quán Internet ở TPHCM với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Cha mẹ không đồng ý vì nghi bị lừa nhưng V. trốn lên TPHCM. Đến nơi, V. liên hệ người nhận việc và được đưa đến nhà nghỉ cùng một vài người khác cũng "ôm mộng làm việc nhẹ nhàng mà được hưởng lương cao". "Em nhớ, trong căn nhà đó, nhiều người lắm nằm ở khu vực vắng vẻ gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Đến khuya, tất cả được đưa vào rừng cao su, chờ thời cơ để vượt biên sang Campuchia. Các đối tượng giám sát rất kỹ, thu hết điện thoại", Vinh nhớ lại.

Các nạn nhân tấn công bảo vệ sòng bạc rồi chạy ra sông Bình Di vượt biên

Sang đến Campuchia, V. bị đưa đến một tòa nhà cao tầng ở Phnôm Pênh. Bọn chúng nhốt V. vào một phòng cùng với 8 người khác ở các tỉnh miền Nam và miền Bắc. Hàng ngày, bọn chúng giao V. nhiệm vụ lên mạng xã hội lừa đảo những người Việt Nam khác bằng hình thức chốt hàng online. Thời gian làm việc từ sáng sớm đến 10 giờ đêm, không được di chuyển ra khỏi phòng. Biết bị lừa, V. hỏi người quản lý muốn trở về Việt Nam thì nhận được câu trả lời là 2.500 USD. Dù điều kiện gia đình rất khó khăn nhưng cha, mẹ V. cũng tìm cách vay mượn để chuyển khoản cho đối tượng và thuê xe đưa V. về Việt Nam. Trước đó vài ngày, một thanh niên quê Hà Giang ở cùng phòng với V. cũng được gia đình chuộc về.

Em N.T.Q. (19 tuổi, quê Quảng Nam) vừa được cứu về từ Campuchia cách đây chưa đầy 2 tháng, những người lừa thanh niên Việt Nam sang nước bạn làm việc có nhiều cách. Phổ biến nhất là họ đưa ra nhiều công việc nhẹ nhàng, yêu cầu chỉ cần biết máy tính cơ bản nhưng với mức lương trên 1.000 USD/tháng. Sang đến nước bạn, các nạn nhân bị bóc lột sức lao động và làm việc không lương. Anh N.V.P. (SN 1995, trú phường Hải Thành, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) đã bị một nữ nhân viên massage tên Linh lừa bán sang Campuchia.

Linh hẹn anh P. bắt xe khách vào TPHCM, sau đó đến tỉnh Long An chơi. Họ cùng ăn nhậu với 5 người bạn của Linh. Sau đó, nhóm này đã trói tay, khống chế anh P. Hai nam giới trong nhóm đã chở anh P. vượt biên qua Campuchia trong đêm theo đường mòn bằng xe máy rồi bán cho một cơ sở. Đến cuối tháng 5, người lao động trong cùng cơ sở anh P. làm việc đã tổ chức phản đối, đình công. Nhờ đó, nhiều người chạy thoát ra ngoài và được cơ quan chức năng Campuchia phát hiện, bắt giữ, trục xuất về Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề người Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào tháng 7-2022, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương ở trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng của nước này thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã có đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, đường dây nóng của Cục Lãnh sự để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cũng như các thông tin cảnh báo khác; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng ở trong nước, đặc biệt là cơ quan báo chí để thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và nâng cao nhận thức của người dân. Hiện Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước cũng như Campuchia tăng cường điều tra, triển khai biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh, với mục tiêu có thể giảm và sớm đẩy lùi tình trạng này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang