Mất mát khổng lồ: 149.000 người thiệt mạng sau ngày 11-9

Thứ Sáu, 05/06/2015 15:18  | M.T(Theo CNN)

|

(CAO) Vụ tấn công của các tay súng cực đoan nhằm vào một nhóm công nhân cứu trợ ở Afghanistan hôm 2-6-2015 làm chết chín người, chưa phải là minh chứng điển hình cho những mất mát khổng lồ từ các cảnh bạo lực đang diễn ra trong khu vực.

Theo một nghiên cứu mới từ dự án "Những mất mát của chiến tranh" tại Đại học Brown, ước tính hơn 149.000 người đã thiệt mạng liên quan đến chiến tranh ở Afghanistan và Pakistan, với khoảng 162.000 người bị thương nghiêm trọng kể từ năm 2001.

Tuy nhiên, những con số này cũng không nói lên được hết toàn bộ câu chuyện khi chưa thống kê những thiệt hại hạ tầng nghiêm trọng khiến nhiều người dân bị mất chỗ ở và những cái chết gián tiếp do suy dinh dưỡng, dịch bệnh.

Người dân Afghanistan bất lực trước cảnh đổ nát sau vụ đánh bom liều chết ở một chợ thuộc tỉnh Paktika hồi tháng 7-2014 

Theo báo cáo, thương vong cho dân thường cao đặc biệt, khoảng 26.270 người chết ở Afghanistan và 21.500 người mất mạng ở Pakistan. Nghiên cứu nói rằng hầu hết thương vong đối với dân thường ở Afghanistan gây ra bởi các nhóm cực đoan, nhưng số người vô tội chết vì đạn pháo từ các lực lượng quốc tế và Afghanistan cũng tăng lên từ năm 2012.

Cuộc xung đột hiện nay ở Afghanistan bắt đầu từ năm 2001. Nhà cầm quyền lúc đó là lực lượng Taliban đã bị liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ trong đòn đáp trả những vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Cho dù chế độ cực đoan đã chính thức bị đánh bại, Taliban chưa bao giờ ngừng cuộc nổi dậy của mình trong  nỗ lực chiếm lại chính quyền.

Những rối loạn ở Pakistan, nơi trú ẩn của Taliban và các phe nhánh al Qaeda, ngày càng có quan hệ mật thiết với tình trạng hỗn độn ở Afghanistan, với dòng người tị nạn và chiến binh chống chính phủ băng qua biên giới.

Cộng đồng quốc tế đã làm việc với các tổ chức địa phương để giải quyết cuộc khủng hoảng ở cả hai nước nhưng các nỗ lực đó chỉ tạm thời và ngắn hạn trong khi những tác động gián tiếp của chiến tranh đối với sức khỏe con người còn kéo dài tới tận sau khi chiến tranh kết thúc.

Nghiên cứu từ Viện Watson của Brown, thu hút các nguồn lực từ khoa kinh tế, luật, khoa học chính trị và nhiều ngành khác. Sử dụng số liệu từ các cơ quan quốc tế chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ thập đỏ, nghiên cứu nhằm ngụ ý về phản ứng “quá mạnh” của Mỹ sau các vụ tấn công vào tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc ngày 11-9-2001.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang