Ngày này 65 năm trước: Người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest

Thứ Ba, 29/05/2018 10:18

|

(CAO) Lúc 11 giờ 30 sáng ngày 29-5-1953, Edmund Hillary (New Zealand) và Tenzing Norgay (Nepal) đã trở thành những nhà thám hiểm đầu tiên chinh phục nóc nhà của thế giới - đỉnh Everest cao 8.848 m.

Nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, Everestđỉnh núi cao nhất thế giới. Được xem là nóc nhà thế giới, mức oxy trên đỉnh Everest rất thấp, nhiệt độ cực lạnh, thời tiết không thể đoán trước và vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, rất nhiều nhà thám hiểm đến từ khắp các quốc gia trên thế giới đều ôm giấc mộng chinh phục đỉnh Everest.

Đỉnh Everest từ lâu đã khiến các nhà thám hiểm khao khát chinh phục.

Nỗ lực đầu tiên chinh phục đỉnh Everest là vào năm 1921, một nhóm thám hiểm người Anh đã cố thử sức nhưng một cơn bão dữ dội đã khiến nhóm này hủy bỏ chuyến hành trình. Năm 1922, nhóm thám hiểm thứ 2 của người Anh quay trở lại, lần này có sự tham gia của các nhà leo núi như George Finch, Geoffrey Bruce và George Leigh Mallory. Lần này, nhóm thám hiểm đã leo đến độ cao hơn 8.000 m.

Năm 1924, một nhóm thám hiểm người Anh lại tiếp tục hành trình chinh phục nóc nhà thế giới. Lần này George Leigh Mallory cũng tiếp tục tham gia (Mallory cũng từng góp mặt trong 2 chuyến chinh phục Everest vào năm 1921 và 1922).

Andrew Irvine (trái) và George Leigh Mallory (phải).

Một số thông tin cho biết ngày 8-6-1924, George Leigh Mallory cùng Andrew Irvine đã quyết định chinh phục đỉnh Everest. Cả 2 đã chinh phục độ cao khoảng 8.600 m, tuy nhiên sau đó không ai còn thấy 2 người nữa. Mãi đến năm 1999, các nhà leo núi mới tìm thấy thi thể của Mallory, còn thi thể của Andrew Irvine vẫn chưa thể tìm thấy. Đến hiện tại, câu hỏi liệu George Leigh Mallory và Andrew Irvine đã chinh phục được đỉnh Everest hay chưa vẫn còn là một ẩn số.

Năm 1952, một đoàn thám hiểm người Thụy Sĩ đã có những bước tiến đáng kể trong việc chinh phục đỉnh Everest. Hai nhà thám hiểm Raymond Lambert và Tenzing Norgay đã đạt tới độ cao khoảng hơn 8.600 m, tuy nhiên cả 2 đã phải quay trở lại vì thiếu thiết bị.

Tenzing (trái) và Hillary (phải) là những người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest.

Bất ngờ trước thông tin người Thụy Sĩ sắp thành công chinh phục nóc nhà thế giới, một đoàn thám hiểm người Anh đã quay trở lại và quyết tâm leo đến đỉnh Everest. Lần này, đoàn thám hiểm có sự góp mặt của George Lowe và Edmund Hillary, 2 nhà leo núi đầy tài năng. Ngoài ra, nhóm thám hiểm còn có sự giúp đỡ của những người Sherpa giàu kinh nghiệm như Tenzing Norgay (người Sherpa là người dân địa phương rất giỏi leo núi, chuyên hướng dẫn và giúp đỡ những nhóm thám hiểm muốn chinh phục Everest).

Hillary và Tenzing.

Các thành viên của đoàn thám hiểm được trang bị ủng, quần áo đặc biệt, thiết bị vô tuyến và bình dưỡng khí tốt nhất thời điểm đó. Vào ngày 26-5-1953, Charles Evans và Tom Bourdillon đã nỗ lực chinh phục đỉnh Everest. Dù chỉ còn cách đỉnh khoảng 91 m nhưng cả 2 đã buộc phải quay trở lại do bình dưỡng khí bị hỏng.

Ngày 28-5-1953, Tenzing và Hillary tiếp tục lên đường chinh phục nóc nhà thế giới. Đến cuối ngày, cả 2 dựng trại ở độ cao khoảng 8.500 m. Sau 1 đêm mất ngủ vì thời tiết lạnh giá, cả 2 tiếp tục cuộc hành trình vào lúc 9 giờ sáng ngày 29-5. Vào lúc 11 giờ 30 phút sáng ngày 29-5-1953, Edmund Hillary và Tenzing Norgay chính thức trở thành những người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest. Cuối năm 1953, Edmund Hillary được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ, còn Tenzing Norgay được trao tặng huy chương.

Bà Tabei Junko là người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh núi Everest.

Sau khi Hillary và Norgay chinh phục nóc nhà thế giới, nhiều cuộc thám hiểm chinh phục đỉnh Everest đã được tiến hành. Năm 1963, James Whittaker trở thành người Mỹ đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest. Năm 1975, bà Tabei Junko (Nhật Bản) trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục nóc nhà thế giới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang