Đụng độ dữ dội giữa người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Thứ Năm, 10/10/2019 18:34  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 10-10, BBC đưa tin bước sang ngày thứ 2 của chiến dịch quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành, tấn công vào khu vực đông bắc Syria, nơi có sự hiện diện của lực lượng dân quân người Kurd, đã diễn ra những cuộc đụng độ dữ dội.

Lực lượng quân đội Thổ theo đó đã đẩy mạnh các đợt không kích lẫn tiến công trên mặt đất vào khu vực do lực lượng người Kurd chiếm giữ. Những báo cáo ban đầu cho thấy đã xảy ra đụng độ dữ dội giữa hai bên khiến 7 thường dân thiệt mạng. Người Kurd trong khu vực hiện đang hoảng loạn với hàng chục ngàn người rời khỏi nhà để lánh nạn.

Động thái tiến quân của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh Mỹ, đồng minh chủ chốt của Thổ lẫn lực lượng dân quân người Kurd trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quyết định rút quân khỏi nơi này. Không có lực lượng đối trọng, Ankara trống đường để tấn công người Kurd ở đây, lực lượng được họ liệt vào danh sách các phần tử khủng bố, luôn ấp ủ âm mưu ly khai để lập một nhà nước riêng trải dài từ miền bắc Syria sang Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn qua chiến dịch này, thiết lập một vùng đệm an toàn cách ly nhóm người Kurd ở Syria với lực lượng người Kurd trong nước.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria, càn quét người Kurd - Ảnh: Getty

Quyết định rút quân của Mỹ vấp phải nhiều chỉ trích, nhất là các tướng lĩnh trong nước nhắm vào tổng thống Trump. Lực lượng dân quân người Kurd xem hành động này của Mỹ là sự phản bội, quay lưng bỏ mặt đồng minh trong khi trước đó lực lượng này đã sát cánh cùng Mỹ đẩy lùi nhiều đợt tiến công của các phần tử IS.

Bị chỉ trích dồn dập, hôm 9-10 Ngoại trưởng Mỹ Pompeo bác bỏ thông tin Washitngon “đã bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch tấn công.

Nhưng ông Trump trong cuộc họp báo đã phủi tay cái một. Ông nói rằng người Thổ và người Kurd đã có một lịch sử chiến đấu chống lại nhau. Trump cũng cho rằng các chiến binh người Kurd trước đó đã “không giúp đỡ Mỹ trong Thế chiến thứ 2, nhất là trong cuộc đổ bộ Normandy”.

Người dân chạy nạn trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AFP

Dư luận Mỹ hiện nay đang chia rẽ vì vụ việc. Một mặt có một bộ phận tướng lĩnh và người dân ủng hộ quyết định rút quân của Trump vì không muốn tiếp tục sa lầy ở đây. Trong khi một bộ phận còn lại cho rằng việc quay lưng với lực lượng người Kurd sẽ làm xấu đi uy tín và hình ảnh của nước Mỹ. Sau này còn ai tin tưởng để thiết lập mối quan hệ đồng minh với Mỹ khi bài học nhãn tiền cho thấy chỉ cần xong việc, họ sẵn sàng phủi tay. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang