Quân Mỹ rút đi, lực lượng người Kurd ở Syria có thể ngả sang Nga

Thứ Sáu, 28/12/2018 13:29  | Anh Duy

|

​(CAO) Một trong những hệ luỵ từ quyết định rút quân chóng vánh của tổng thống Mỹ Donald Trunp chính là khả năng lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria ngả sang lập liên minh với Nga và Iran.

Quyết định rút quân của Mỹ cho thấy cách đối xử của Washington với các đồng minh của mình. Lầu Năm Góc thời gian qua hậu thuẫn lực lượng phiến quân người Kurd ở Syria chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong khi đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem phiến quân người Kurd ở Syria là lực lượng khủng bố, có quan hệ mật thiết với Đảng Công nhân người Kurd trong nước.

Ông Trump sau khi cho rằng Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh “đánh bại IS” ở Syria đã tuyên sẽ bố rút quân, bỏ lại khoảng trống phía sau khi lực lượng người Kurd không còn ai hậu thuẫn, có thể trở thành “miếng mồi” cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang đàn áp.

Trong chuyến thăm Iraq bí mật cách đây mấy ngày, Trump thao thao bất tuyệt với các binh sĩ về quyết định rút quân của ông khỏi Syria, cho biết ông đã thảo luận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về việc để cho Ankara làm nốt công việc “đánh tàn quân của IS” ở Iraq.

Lực lượng dân chủ Syria (SDF), một nhóm được người Kurd hậu thuẫn đi ngang một đống xà bần ở ngoại ô Aleppo - Ảnh: Reuters

Cộng đồng quốc tế đang lo ngại, Erdogan có thể mượn tay dịp này để lùa quân sang đàn áp, thanh trừng sắc tộc nhóm người Kurd (từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS) ở miền bắc Iraq, nhằm xử lý “cái gai” bấy lâu trong mắt của họ. Các phần tử ly khai người Kurd trước nay vẫn đòi lập một nhà nước độc lập của sắc dân này trải dài từ miền bắc Syria qua miền bắc Iraq và một phần phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi thế, tổng thống Pháp Macron mấy ngày qua đã có màn đốp chát ngoại giao với Erdogan, bày tỏ lo ngại về một cuộc thanh trừng sắc tộc do phía Thổ tiến hành.

Không còn ai ủng hộ, lực lượng bán quân sự này có thể tìm cách lập nên một liên minh mới với Nga hay Iran, những đồng minh của chính quyền Syria. Khi liên minh thành lập, các bên có thể lấy cớ để đưa quân đến đây “trấn áp” tàn quân IS bằng cách liên kết với nhóm người Kurd ở địa phương. Cơn ác mộng của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực sự bắt đầu.

Lực lượng người Kurd (YPG) thời gian gần đây dường như đang trở thành tâm điểm bàn thảo trong các cuộc gặp giữa Damascus và Moscow.

Hiện có khoảng 2000 quân Mỹ hiện diện tại miền bắc và phía đông Syria. Trong khi đó lãnh thổ có sự hiện diện của người Kurd tại Syria chiếm ¼ diện tích của nước này, phần lớn nằm ở phía đông sông Euphrates, nằm dưới dự kiểm soát của Lực lượng dân chủ Syria (SDF), một nhóm đối lập được sự hậu thuẫn của lực lượng người Kurd ở miền bắc Iraq.

Một người đàn ông ngồi giữa cảnh hoang tàn ở miền bắc Syria giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters

Những dấu hiệu liên minh gần đây ngày càng rõ ràng hơn. Reuters dân lời chính trị gia cấp cao người Kurd - Aldar Xelil cho biết: “Chúng tôi liên hệ với Nga và chính quyền Syria là để tìm ra cơ chế bảo vệ khu vực biên giới phía bắc”.

Trong khi đó, tổng thống Syria - Bashar al-Assad nói thẳng ông cam kết sẽ lấy lại vùng lãnh thổ của lực lượng người Kurd từ tay IS. Đây là một vùng giàu dầu mỏ, tài nguyên nước, đất đai, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết Syria sau nhiều năm “nồi da, xáo thịt”.

Mặc dù tìm kiếm cơ chế tự trị ở khu vực miền bắc, nhưng lực lượng người Kurd trước nay phần lớn tránh khủng hoảng trực tiếp với chính quyền Damascus trong suốt cuộc nội chiến, thậm chí có nhửng lúc còn chiến đấu và hỗ trợ cho quân đội chính phủ tái chiếm các khu vực từ tay IS.

Vì thế một liên minh nhiều bên: Lực lượng người Kurd- chính quyền Syria – Nga và Iran có thể hình thành để thay thế liên minh Kurd – Mỹ.

Khi đó Nga, Iran cùng chính quyền Damascus có thể đường đường chính chính đưa quân đến khu vực người Kurd, đến sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để “đánh IS”. Quyết định rút quân của Mỹ vì thế càng tạo thêm thuận lợi cho các đối thủ của họ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang