Hàn – Triều ngày càng chi bạo cho quốc phòng để đối phó nhau

Thứ Tư, 11/09/2019 23:04  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 11-9, Reuters dẫn các số liệu gần đây cho thấy bất chấp những tiến triển trên bàn ngoại giao, cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục đổ các nguồn lực vào việc hiện đại hoá quân đội nhằm đối phó nhau.

Thời gian gần đây, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa ra biển. Bình Nhưỡng cho biết đây là bước đi cần thiết để chống lại các loại vũ khí mới của Hàn Quốc, bao gồm một lô máy bay chiến đấu tàng hình F-35 được Seoul nhập từ Mỹ.

Hôm 11-9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đã loan tin và hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên – Kim Jong Un đích thân thị sát vụ phóng thử tên lửa sử dụng hệ thống phóng đa tên lửa kích cỡ cực lớn. Các chuyên gia phân tích vũ khí nhận định đây là thông điệp đe doạ gửi đến quân đội Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng gần đây cũng liên tục chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn với sự tham gia của đội tàu sân bay, máy bay tiêm kích và vệ tinh do thám. KCNA bình luận việc Hàn Quốc theo đuổi nâng cấp, phát triển các loại vũ khí mới là hành động “không thể chấp nhận”, đe doạ đến hoà bình trên bán đảo.

Trong khi đó, chính quyền tổng thống Hàn Quốc - Moon Jae-in cam kết tiếp tục tăng thêm hàng tỷ USD chi cho ngân sách quốc phòng. Chỉ trong năm 2018, ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc đạt mức 43,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009.

Lính Hàn - Mỹ tập trận chung - Ảnh: Reuters

Hồi tháng 7, Hàn Quốc thông báo sẽ chế tạo một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ, lần đầu tiên của nước này. Đến tháng 8, nước này lên kế hoạch chi khoảng 239 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, trong giai đoạn từ giữa năm 2020 đến 2024.

Trong đó khoảng 85 tỷ USD của ngân sách được sử dụng để nâng cấp vũ khí.

Trong danh sách mua sắm vũ khí của Hàn Quốc được liệt ra bao gồm việc mua hệ thống tên lửa phòng thủ mới, thêm 3 tàu khu trục được trang bị hệ thống radar Aegis, vệ tinh do thám, thiết bị bay không người lái (drone) để thám sát, trực thăng chống ngầm, máy bay tuần tra hàng hải, tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo cùng một tàu chiến được trang bị tên lửa dẫn đường.

Reuters dẫn lời Daniel DePetris – một ngiên cứu sinh ở Defense Priorities, một tổ chức nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Washington nhận định: “Cả hai nước trên bán đảo Triều Tiên đều không muốn đối đầu toàn diện, nhưng cả hai đều muốn đảm bảo rằng họ có sẵn nền tảng vũ khí và tài nguyên phòng thủ trong trường hợp xảy ra xung đột”. Nói nôm na là thị uy để dằn mặt nhau nhằm hạn chế khả năng đánh nhau.

Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn mới - Ảnh: KCNA

Về phần Hàn Quốc, có một vấn đề nữa là dân số nước này ngày càng có xu hướng già hoá làm giảm lượng người trẻ phục vụ trong quân đội. Vì thế Seoul chọn cách nâng cấp vũ khí để bù lại. Đến năm 2025, Hàn Quốc lên kế hoạch giảm quân số thường trực từ 599.000 người xuống còn 500.000. Sách Trắng quốc phòng nước này nêu rõ mục tiêu hướng đến: “Một đội quân ngày càng tinh gọn về quy mô nhưng ngày càng mạnh mẽ hơn trong chiến đấu”.

Trong khi đó với việc Hàn Quốc nhận thêm 40 chiếc tiêm kích F-35A của Mỹ đã buộc Triều Tiên phải phát triển tên lửa tầm ngắn mới (SRBM) để có thể “tiêu diệt hoàn toàn” các mối đe doạ mới.

Như vậy mặc dù có những chuyển biến về mặt ngoại giao, Hàn – Triều vẫn nhìn nhau với ánh mắt hoài nghi khi những nghi kỵ vẫn còn và việc quân Mỹ vẫn còn đồn trú ở Hàn Quốc với số lượng lớn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang