(CAO) Số ca nhiễm nCoV trên toàn thế giới hiện đã vượt qua mức 18 triệu trường hợp, trong đó số tử vong vào khoảng gần 690.000 người. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch chết chóc nhất thế giới với số ca nhiễm trung bình mỗi ngày lên tới hơn 55.000 trường hợp.
Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với ghi nhận 4.774.551 trường hợp nhiễm, trong đó có 157.997 người chết. Gần 30 bang tại Mỹ đã tạm dừng kế hoạch tái mở cửa, đồng thời đưa ra những hạn chế mới như: đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh tụ tập đông người...
Khu vực test nhanh nCoV ở Mỹ
Hiện tại, giới chức y tế Mỹ vẫn đang rất khó khăn trong việc đề ra các biện pháp nhằm hạn chế dịch. Bởi đa số chuyên gia cho rằng, nước này hiện vẫn chưa còn kết thúc đợt dịch đầu tiên đã phải tiếp tục đón "làn sóng thứ 2" nên hệ thống y tế đa phần đều quá tải.
Trong khi đó, Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới nhưng vẫn tiến hành mở cửa, cụ thể là mở lại đường bay quốc tế vào ngày 30-3, với yêu cầu người nước ngoài khi tới đây phải hoàn tất các thủ tục bảo hiểm trong suốt chuyến đi. Nước này hiện ghi nhận 2.708.876 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 93.616 người chết và 1.884.051 ca hồi phục.
Hai nước Mỹ Latinh khác cũng đang trong tình trạng khó khăn trong việc kiểm soát dịch nCoV là Mexico và Peru. Trong đó, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Mexico là khoảng 7.500 trường hợp, còn Peru là hơn 7.000 trường hợp.
Các nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân nhiễm nCoV
Mexico hiện vẫn đang yêu cầu đóng cửa nhiều nơi như: trường học, khu vực công cộng... một số nơi được mở cửa một phần gồm: cửa hàng, nhà hàng, quán bar... Peru hiện cũng đang duy trì các biện pháp tương tự. Theo chuyên gia, các hoạt động chỉ được nối lại ở hai nước như bình thường khi số ca nhiễm mới được kiểm soát.
Nga hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới 850.870 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 14.128 người chết và hơn 650.000 ca hồi phục. Tuy nhiên, Nga được cho là đang kiểm soát tốt tình hình, đặc biệt các nhà khoa học còn tuyên bố vắc xin nCoV có thể đưa vào sản xuất trong tháng 8 và người dân Moscow sẽ được chủng ngừa miễn phí. Trước đó, nước này đã mở cửa biên giới với một số nước vào tháng 6. Các chuyến bay quốc tế dự kiến được nối lại vào ngày 1-8, với các điểm đến ban đầu bao gồm Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Nhiều chuyên gia y tế lo ngại Nam Phi gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh
Vùng dịch đứng thứ 5 thế giới là Nam Phi nhưng lại là vùng dịch lớn nhất châu Phi, với ghi nhận 503.290 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 8.153 người chết và 342.461 ca hồi phục. Dù nước này đã ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 3, bao gồm: đóng cửa trường học, nhà máy...
Mọi thứ được nối lại một phần thời gian sau đó nhưng phải tiếp tục đóng cửa trở lại vào hồi tháng 6. Các chuyên gia y tế lo ngại Nam Phi sẽ rất khó kiểm soát dịch nCoV bởi hệ thống y tế còn yếu kém. Chưa kể khả năng dịch từ nước này sẽ lây lan ra các nước lân cận và rất dễ tạo nên một cuộc khủng hoảng tại châu Phi.