Những căn nhà hoang ám ảnh:

Kỳ 1: “Nhà phù thủy” ở Nhật

Thứ Hai, 22/05/2023 13:08

|

(CATP) Đó là những căn nhà bị bỏ hoang ở các vùng quê hẻo lánh, các thành phố còn đang xây dang dở, thậm chí những tòa chung cư và công trình tiếp tục hoang hóa nơi các “đô thị ma” dần trở thành tàn tích, khiến chính quyền địa phương nhiều nước phải đau đầu tìm cách giải quyết.

Với dân số ngày càng già đi trong khi tỉ lệ sinh ít cùng hàng triệu căn akiya (nhà bị bỏ hoang) tại Nhật (chiếm hơn 10% tổng nguồn cung nhà ở của cả nước), hiện chính quyền các địa phương xứ mặt trời mọc đang gặp không ít khó khăn khi phải quản lý số akiya được xây sau Thế chiến II này.

Nỗi lo từ những căn nhà hoang

Thường những căn akiya nằm ở vùng nông thôn hoang vắng được gọi là “nhà phù thủy” vì xây đã lâu nên trải qua hàng chục năm phơi mình trong mưa gió đã mang vẻ u ám, xiêu vẹo, khó sửa chữa, cải tạo, khi đất cũng không còn giá trị nhiều. Trong một số trường hợp, chủ nhân của những ngôi nhà này qua đời mà không có người thừa kế, hoặc người thân chưa thể thống nhất về cách giải quyết.

Trên thực tế, nỗi lo từ các akiya luôn hiện hữu khi mái ngói nhà bỏ hoang có thể bị cơn bão thổi bay xuống đường gây tai nạn cho khách bộ hành, trong khi cây cối mọc um tùm và côn trùng sinh sôi nảy nở ở những khu đất vô chủ. Theo thống kê, cứ 3 căn nhà tại Nhật sẽ có 1 căn bỏ hoang và vấn đề là sẽ rất khó quản lý từ xa, khi phần mái cần được dọn tuyết vào mùa đông.

Theo Chính phủ Nhật Bản, akiya có thể dẫn đến các vấn đề an ninh và vệ sinh khi chúng ngày càng xuống cấp đến mức không thể cứu vãn. Đa số chủ của các akiya là những người tuổi không còn trẻ, họ quyết định rời bỏ vùng quê khó có khả năng tiếp cận các tiện nghi cơ bản, nhất là bệnh viện, siêu thị, khi những căn nhà hầu hết được xây sau Thế chiến II, với mục đích có thể tạm cư lâu dài qua nhiều thế hệ. Nguyên nhân do sau chiến tranh, nước Nhật kiệt quệ về kinh tế, chính vì thế ưu tiên hàng đầu là cung cấp nhà ở về số lượng, mà chất lượng bị bỏ qua...

Một ngôi nhà bị bỏ hoang ở tỉnh Nagasaki, Nhật Bản. Ảnh: New York Times

Những akiya cứ thế mất dần giá trị theo thời gian như số tuổi ngày càng nhiều lên của người dân Nhật, điều đáng nói là Luật về quyền sở hữu của Nhật Bản cũng khiến việc phá hủy các akiya gặp không ít khó khăn. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Nomura, khoảng 1/3 số nhà trống trên toàn quốc sẽ không có người ở đến năm 2038.

Đối mặt với thực trạng đáng báo động, khi hàng triệu căn nhà bị bỏ hoang trên khắp đất nước liên quan đến việc sụt giảm nhân khẩu học, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét siết chặt việc đánh thuế bất động sản.

Theo đề xuất mới về sửa đổi Luật nhà ở, chính phủ có thể áp thuế phạt những chủ nhân bỏ nhà hoang, dù biện pháp này khả năng không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Có hiệu lực từ năm 2015, Đạo luật đặc biệt về nhà trống đề cập đến những akiya có nguy cơ sụp đổ, từ đó cho phép chính quyền địa phương ban hành lệnh cho chủ sở hữu cải thiện tình trạng ngôi nhà, nếu không sẽ bị phạt tiền. Chủ sở hữu nhà ở tại Nhật Bản có nguy cơ phải nộp khoản tiền phạt cao gấp 6 lần thuế bất động sản nếu họ bỏ hoang những “căn nhà phù thủy”. Về phần mình, chính quyền Kyoto mới đây tuyên bố bắt đầu áp thuế 0,7% giá trị với những căn nhà không được sử dụng thường xuyên từ năm 2026.

Việc dự thảo sửa đổi mới không giảm thuế cho những ngôi nhà hoang đầy rủi ro này khiến dư luận phản ứng, dù qua đó nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả những căn nhà trống. Theo các giới kinh doanh bất động sản, đây chưa phải biện pháp giúp giảm lượng nhà hoang, trong khi số căn xây mới nhiều hơn các akiya “phù thủy” đang tồn tại.

Cải tạo thành nơi đáng sống

Mặc dù vậy, thời gian gần đây những căn akiya ở vị trí “đắc địa” bắt đầu thu hút du khách nước ngoài, nhất là những căn nhà cũ bỏ hoang ở nông thôn Nhật Bản theo kiến trúc truyền thống đang ngày càng được người nước ngoài quan tâm, trong bối cảnh văn hóa truyền thống Nhật được đề cao, từ đó cải tạo lại, trở thành nơi đáng sống hơn.

Trong số này, căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi tại Ryujin, ngôi làng ở tỉnh Wakayama miền Trung Nhật Bản, nơi người dân có truyền thống trồng trà ngay trong sân nhà mình, với các cột gỗ anh đào cùng những góc tường lõm giúp luồng không khí đối lưu đặc biệt đã được cải tạo để trở thành điểm du lịch đón khách đến tham quan.

Gần 3 năm trước, hai doanh nhân quốc tịch Mỹ Parker Allen và Matt Ketchum đã đến Tokyo thành lập 1 công ty chuyên kinh doanh bất động sản để tìm khách hàng cho các căn akiya với mức giá hàng chục triệu yen ở các tỉnh Chiba, Kanagawa, Shizuoka, những địa phương có tuyến giao thông thuận tiện tới Tokyo. Đa số khách hàng coi căn nhà mới là nơi để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu lâu dài, với gần 50 người quan tâm trong năm 2022 - cao gấp 5 lần so với năm 2020.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang