Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu công bố các biện pháp trừng phạt Nga

Thứ Sáu, 25/02/2022 07:16

|

(CAO) Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và lãnh đạo EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân, thực thể tại Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga nhằm phản ứng với cuộc tấn công của Moskva vào Ukraine, các lệnh trừng phạt này sẽ bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Điều này sẽ gây ra những tổn thất trầm trọng đối với kinh tế Nga ngay tức thì và trong dài hạn."

Ông Biden lưu ý rằng các biện pháp này được phối hợp cùng với châu Âu sẽ ngăn chặn các ngân hàng hàng đầu của Nga tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và “cắt giảm hơn một nửa mặt hàng nhập khẩu công nghệ cao của Nga.”

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về căng thẳng tại khu vực miền Đông Ukraine, tại Washington, ngày 18/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết thêm rằng các cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine đang diễn ra đúng như các quan chức Mỹ dự báo, đồng thời mô tả cuộc tấn công này là “vô cớ.”

Ông Biden nói: “Trong những tuần qua, chúng tôi đã cảnh báo rằng cuộc tấn công này sẽ xảy ra và hiện nay phần lớn diễn biến đều theo dự báo của chúng tôi.”

Ông Biden cho rằng cuộc tấn công của Nga là một “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.”

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp đã nhất trí áp đặt trừng phạt đối với các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, qua đó mang lại "những hậu quả nghiêm trọng và to lớn" đối với Moskva do nước này có hành động quân sự với Ukraine.

Kết luận của hội nghị thượng đỉnh EU có nêu: "Những biện pháp trừng phạt này bao trùm lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải, hàng hóa lưỡng dụng cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, danh sách bổ sung của các cá nhân Nga và các tiêu chí niêm yết mới."

EU cho biết hiện khối sẽ tìm cách thông qua các biện pháp này "một cách tức thì".

Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố các biện pháp trừng phạt đối với hơn 100 cá nhân và thực thể Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng đường bộ, đường biển và đường không.

Phát biểu với các nghị sỹ, Thủ tướng Johnson nêu rõ: "Nhìn chung, chúng tôi sẽ áp đặt biện pháp phong tỏa tài sản với hơn 100 cá nhân và thực thể mới vào danh sách hàng trăm đối tượng mà chúng tôi đã công bố trước đây. Những cá nhân và thực thể hứng chịu trừng phạt bao gồm tất cả các nhà sản xuất lớn ủng hộ cỗ máy chiến tranh của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cấm hãng hàng không Aeroflot tại Anh."

Thủ tướng Johnson cũng cho biết Anh sẽ cắt đứt các ngân hàng Nga khỏi thị trường đồng bảng Anh và thanh toán bù trừ, trong khi Mỹ cũng sẽ có động thái tương tự đối với đồng USD.

Ông Johnson nói: "Quyền hạn này sẽ cho phép chúng tôi hoàn toàn loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính của Anh, vốn dĩ là lớn nhất ở châu Âu, ngăn Nga tiếp cận đồng bảng Anh và thanh toán bù trừ qua Anh."

Phản ứng của Nga

Trước các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh, ngày 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ra tuyên bố cho biết Nga sẽ đáp lại bằng các biện pháp trả đũa sau khi các nước phương Tây tìm cách trừng phạt Moskva vì căng thẳng tại Ukraine.

Trước đó cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo một gói các biện pháp đáp trả việc Moskva công nhận Cộng hòa nhân dân Donetsktự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) tại miền Đông Ukraine.

EU tuyên bố đây mới chỉ là phần đầu trong gói những biện pháp “chưa có tiền lệ” mà khối này đã chuẩn bị đối với Nga.

Phần còn lại đang được chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bùng phát xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ cùng Đức áp đặt những biện pháp cản trở nhằm vào dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.

Trong một diễn biến liên quan, EU đã triệu Đại sứ của Nga tại EU Vladimir Chizhov để phản đối về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, đồng thời đề nghị Moskva chấm dứt ngay lập tức chiến dịch này.

Thông báo của cơ quan chính sách đối ngoại của EU cho biết Hội nghị thượng đỉnh EU khẩn cấp sẽ diễn ra tối 24/2 tại Brussels để đưa ra phản ứng tiếp theo của EU.

 Đoàn xe tăng tiến vào Ukraine từ phía Belarus - Ảnh: CCTV

G7 họp thảo luận tình hình căng thẳng Nga - Ukraine

Ngày 24/2, lãnh đạo các nước thuộc Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành họp kín trực tuyến để thảo luận về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

G7 gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ.

Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thống nhất các phản ứng chung trước diễn biến căng thẳng hiện nay tại miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại đây.

Trước đó, các nước thành viên G7 đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản dự kiến áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính của Nga cũng như hạn chế xuất khẩu, trong khi Mỹ cũng đề nghị áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính và công nghệ cao của Nga.

Nhà Trắng cho biết trước cuộc họp G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Ukraine.

Tổng thống Biden đã tuyên bố Mỹ và các đồng minh cùng đối tác sẽ có phản ứng một cách thống nhất và quyết đoán trước những động thái của Nga tại miền Đông Ukraine.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày 24/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moskva luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng vẫn còn cơ hội để quay trở lại các nghĩa vụ quốc tế.

Hãng tin Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng các biện pháp mà Moskva thực hiện ở Ukraine là nhằm đảm bảo an ninh cho người Nga.

Ông nêu rõ khi Nga thực hiện các biện pháp mà Tổng thống Vladimir Putin đã công bố để đảm bảo an ninh của đất nước và người dân Nga, Moskva chắc chắn sẽ luôn sẵn sàng tiến hành đối thoại.

Tổng thống Ukraine: Súng sẽ được cấp cho tất cả những ai muốn có
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang