(CAO) Năm 1972, một đội đặc nhiệm trong đó có 2 thành viên trẻ tuổi (sau này đều là Thủ tướng của Israel) đã tiến hành kế hoạch giải cứu con tin trên chuyến bay 571 bị nhóm không tặc ‘Tháng 9 đen tối’ tấn công.
Việc giải cứu thành công con tin trên chuyến bay bị không tặc tấn công đã tạo nên tiếng vang lớn, thậm chí còn có một bộ phim tài liệu nói về chiến tích này của đội đặc nhiệm Israel. Theo lời kể của Theresa Halsa (nữ không tặc trong vụ cướp máy bay, hiện tại đã hơn 60 tuổi) thì lúc đó bà mới chỉ 18 tuổi và đã sẵn sàng chết nếu vụ cướp thất bại. ‘Tháng 9 đen tối’ gồm 4 thành viên và Theresa Halsa là người duy nhất còn sống sót.
Theo lời kể của Halsa, vào ngày 8-5-1972, chiếc máy bay Boeing 707 của hãng hàng không Sabena đang trên đường từ Vienna (Áo) đến Tel Aviv (Israel) vừa cất cánh được 20 phút thì bất ngờ bị nhóm của bà tấn công.
Binh sĩ Israel bao vây chiếc máy bay bị không tặc tấn công. Ảnh: AP
Sau khi buộc cơ trưởng người Anh Reginald Levy hạ cánh xuống sân bay Lod (nay là sân bay Ben Gurion), nhóm ‘Tháng 9 đen tối’ yêu cầu chính quyền Israel phải thả 315 người Palestine đang bị giam giữ vì tội khủng bố. Đồng thời, nhóm không tặc đe dọa sẽ cho chiếc máy bay biến thành ‘quả cầu lửa’ nếu yêu cầu không được đáp ứng.
Nhóm ‘Tháng 9 đen tối’ đã dùng súng đe dọa, khống chế 90 hành khách cùng 10 thành viên phi hành đoàn. Halsa nhớ lại cảnh tượng lúc đó và cho biết: “Tôi nghĩ mình sẽ bị lính Israel bắn, hoặc chúng tôi sẽ chết khi cho nổ tung chiếc máy bay nếu yêu cầu không được đáp ứng. Tôi sẵn sàng chết vì tôi muốn cho châu Âu và Mỹ biết rằng người Palestine đã bị người Israel đối xử bất công như thế nào”.
Theresa Halsa bị áp giải xuống máy bay. Ảnh: AP
Ngay sau khi nhận được tin báo chiếc máy bay bị cướp đã hạ cánh xuống sân bay Lod, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan và Bộ trưởng Giao thông vận tải Shimon Peres (người sau này trở thành Thủ tướng và Tổng thống Israel) đã ngay lập tức đến hiện trường để đàm phán với nhóm không tặc.
Phía Israel giả vờ tiến hành đàm phán, chấp nhận các yêu cầu để kéo dài thời gian cho lực lượng đặc nhiệm lên kế hoạch giải cứu con tin. 24 giờ sau khi chiếc máy bay hạ cánh tại sân bay Lod, chiến dịch giải cứu có tên Isotope chính thức được tiến hành. Đội đặc nhiệm mặc đồ trắng, đóng giả làm nhân viên bảo trì máy bay để đánh lừa nhóm không tặc, tiếp cận máy bay.
Theresa Halsa (phải) và đồng phạm Rima Tannous (trái) tại phiên tòa xét xử. Ảnh: AP
Sau khi đột nhập vào được máy bay, đội đặc nhiệm đã đấu súng với nhóm ‘Tháng 9 đen tối’. Kết quả 2 thành viên trong nhóm này bị bắn chết tại chỗ, 2 thành viên nữ còn lại (trong đó có Halsa) bị bắt. Tuy nhiên, cuộc đọ súng đã khiến 3 hành khách bị thương, dù đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng 1 người đã không qua khỏi.
Đặc biệt, trong chiến dịch Isotope có 2 thành viên trẻ là Ehud Barak và Binyamin Netanyahu, cả 2 sau này đều trở thành Thủ tướng của Israel. Sau này, một tờ báo tại Israel đã viết lại vụ việc và đặt tựa đề: "Khi các Thủ tướng hợp lực hạ gục không tặc".