Thiệt hại lớn vì hội nhập sâu rộng
Có một nghịch lý về kinh tế và xã hội xảy ra ở Trung Quốc cũng như trên toàn cầu trong trận dịch này: Đó là toàn cầu hoá đem đến những vận hội kinh doanh, giao lưu văn hoá giữa các vùng và liên quốc gia...
Nhưng đặc tính “phẳng” như một ngôi làng nơi các ranh giới địa lý bị xoá nhoà cùng tính liên kết về kinh tế đã tạo ra “hiệu ứng domino” gây thiệt hại dây chuyền khiến dịch lan xa hơn và thiệt hại kinh tế nặng hơn.
Gần 20 năm trước khi dịch SARS bùng lên trong giai đoạn 2002-2003, Trung Quốc thiệt hại nặng nhưng có lẽ không khốc liệt như trận dịch hiện hành. Tờ New York Times nhận định đó là vì mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế nước này vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hồi dịch SARS, Trung Quốc mới mở cửa kinh tế được hơn 20 năm từ thời Đặng Tiểu Bình. Nước này thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chủ yếu vào các ngành nghề gia công hàng hoá giá trị thấp cho các tập đoàn nước ngoài như quần áo, giày dép.
Cơ cấu đó nay vẫn được duy trì nhưng ở mức độ cao hơn: Trung Quốc đã trở thành mắt xích cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hoá có giá trị và độ tinh vi cao hơn: Đó là những mặt hàng công nghệ.
Trung tâm thương mại ở Bắc Kinh - Trung Quốc vắng tanh vì dịch bệnh - Ảnh: Reuters Trang PhoneArena dẫn lời các chuyên gia nhận định dịch viêm phổi Vũ Hán khiến iPhone 9 của “ông lớn” công nghệ Mỹ Apple có thể ra mắt chậm vì sản phẩm chủ yếu được sản xuất, lắp ráp bởi hai công ty sản xuất điện tử khổng lồ của vùng lãnh thổ Đài Loan: Pegatronvà Foxconn. Nhà máy của cả hai nằm ở hai tỉnh/thành Hà Nam và Thượng Hải, cách Vũ Hán đến 500km. Nhưng cả 2 nơi này đều đã ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh.
Trong tình huống trận dịch đạt đỉnh buộc chính quyền phải ra lệnh đóng cửa tạm thời các nhà máy thiệt hại sẽ nhiều vô kể. PhoneArena dẫn lời nhà phân tích Patrich Moorhead nhận định trong một nền kinh tế phụ thuộc nhau theo dạng chuỗi, chỉ cần 1 đơn vị trong chuỗi bị trục trặc, những thiết bị như iPhone sẽ bị ảnh hưởng tiến độ vì bị gián đoạn trong quy trình thử nghiệm, chế tạo.
Câu chuyện của iPhone chỉ là một “lát cắt” trong bức tranh dịch bệnh hiện nay khi tờ New York Times nhận định nạn nhân chịu tổn thất nặng nề hơn ai hết chính là các công ty đa quốc gia hiện nay đang phụ thuộc vào nhà máy sản xuất và thị trường tiêu dùng của Trung Quốc.
Dịch bệnh kéo theo lo sợ trong tâm lý của nhiều người, khiến nhiều ngành nghề lao đao - Ảnh: Reuters
Trung Quốc nay đã “giàu hơn” so với thời dịch SARS. Với dân số đông nhất Thế giới hơn 1,3 tỷ người, thị trường béo bở này chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sau hơn 4 thập kỷ mở cửa, xã hội nước này đã hình thành nên một tầng lớp trung lưu thành thị đến nay đã lên đến 400 triệu người (hơn dân số Mỹ).
Tầng lớp này có của ăn của để và cái họ nhắm đến không còn là “cơm ăn áo mặc” mà là xe hơi hạng sang, bất động sản cao cấp, quần áo thời trang xa xỉ phẩm cho đến những chuyến đi du lịch nước ngoài.
Viêm phổi Vũ Hán khiến ngành du lịch nhiều nước lao đao khi du khách Trung Quốc là nguồn thu chính: Các nhà hàng, khách sạn thất thu, điểm tham quan vắng khách. Sức tiêu thụ nội địa giảm đi trong đợt dịch cũng khiến ngay chính các công ty Trung Quốc lao đao.
Đến nay Trung Quốc đã chiếm 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, một con số quá lớn để nước này chỉ cần “hắt hơi” cả Thế giới sẽ lập tức “sổ mũi”.
Hãng phân tích tài chính Oxford Economics (Anh) dự báo ảnh hưởng của dịch coronavirus có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có khả năng chỉ đạt mức 5,6% so với mức 6,1% vào năm ngoái. Điều này kéo theo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay, xuống còn 2,3%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và thiệt hại đó sẽ còn tăng lên tuỳ thuộc vào dịch bệnh này kéo dài trong bao lâu.
Thế giới “bệnh theo” vì hạ tầng kết nối
Nhận định về dịch coronavirus lần này, các nhà quan sát quốc tế lại chỉ ra tình cảnh trớ trêu: Vì Trung Quốc ngày càng hiện đại dịch mới lan nhanh như thế. So với kỳ dịch SARS, hạ tầng giao thông của nước này ngày càng tốt hơn. Các tuyến đường sắt cao tốc nối những thành phố lớn với nhau, hệ thống đường cao tốc cho xe ô tô chạy ngày càng mở rộng làm gia tăng tính kết nối liên vùng.
Mạng lưới giao thông ngày càng tốt, kết nối chằng chịt sau 4 thập kỷ mở cửa đổ tiền đổ sức vào phát triển hạ tầng giúp người dân tiện lợi di chuyển, trao đổi hàng hoá nay chính chúng lại trở thành “huyết mạch” để vận chuyển…virus.
Trận dịch thể hiện đặc tính tiêu biểu của thời toàn cầu hoá: Tính liên kết. Trong ảnh một người đeo khẩu trang ở Paris (Pháp) để phòng dịch với tâm dịch Vũ Hán cách xa hàng ngàn km - Ảnh: Reuters
Người dân từ Vũ Hán, tâm dịch có thể di chuyển dễ dàng đến các thành phố lớn Thượng Hải, Bắc Kinh. Đó là lý do chính quyền phải đưa ra mệnh lệnh chưa từng có: Phong toả thành phố 11 triệu dân này, và đến nay là tất cả các thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc, chủ yếu đánh vào hệ thống giao thông và hoạt động di chuyển của người dân: Máy bay đến và đi từ Vũ Hán bị cấm (trừ những chuyến đặc biệt), hệ thống giao thông công cộng đô thị bị ngưng hoạt động qua đó cũng cấm nốt các chuyến tàu hoả, tàu điện từ nơi này đi các nơi khác trong nước.
Ổ dịch Vũ Hán cũng được kết nối bằng các chuyến bay thương mại đi khắp mọi nơi: Từ Mỹ, Việt Nam đến Nhật, Pháp, Úc… Chính vì “Ngôi làng toàn cầu” tạo nên một “thế giới phẳng” không chỉ về mặt công nghệ liên lạc, giao tiếp mà còn ở khía cạnh giao thông đã mang đến hơn 100 ca bệnh được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó đến nay đã có 14 ca tại Việt Nam đều có liên quan đến những người đến từ Vũ Hán, quá cảnh ở đây hay những cá nhân tiếp xúc từ những người đến từ vùng dịch.
Bìa báo trên tờ tạp chí chuyên về các vấn đề quốc tế của Nhật đặt câu hỏi: Châu Á đã chuẩn bị để đối phó với coronavirus Vũ Hán chưa?
Lấy một trận dịch khác là Ebola bùng phát ở các nước Tây Phi để so sánh: Dù Ebola có tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều, có thời điểm lên đến 90% so với mức 2 đến 3% của viêm phổi Vũ Hán hiện tại nhưng đến nay dịch chỉ khu trú ở khu vực nơi nó xuất phát chứ chưa thể lan ra toàn cầu vì tính hội nhập của khu vực này kém hơn Trung Quốc.
Đây là những nước cực nghèo trên Thế giới, ít giao thương kinh tế, ít có những chuyến bay đến các thành phố lớn trên toàn cầu. Tỷ trọng kinh tế của họ trong nền kinh tế toàn cầu cũng chiếm cực nhỏ so với Trung Quốc nên dịch Ebola không gây ảnh hưởng nhiều về phương diện kinh tế.
Viêm phổi Vũ Hán chính là dịp để các chính quyền toàn cầu nhìn thấy một dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra vào thời toàn cầu hoá sẽ tác động khủng khiếp đến thế nào. Vì thế công tác phòng dịch và xử lý các tình huống khẩn cấp như vậy cần phải được chú trọng trong hoạt động quản trị nhà nước.
(CAO) Các nhà kinh tế dự đoán chính quyền Trung Quốc phải cắt giảm thuế, tăng chi tiêu, cắt giảm lãi suất để ngăn chặn dịch viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới gây ra. Các động thái này có thể góp phần tàn phá nền kinh tế của họ.