(CATP) Tháng 7-2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Việt Nam với thông điệp nước Mỹ trở lại và đề xuất nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước. Lần này Phó tổng thống Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam từ ngày 22 đến 26-8 đánh dấu sự trở lại của Mỹ ở Đông Nam Á trong bối cảnh có nhiều biến động trong quan hệ với Trung Quốc và sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.
Nhân sự kiện này, chúng tôi bàn về những tính toán của Mỹ trong quan hệ với ASEAN để thấy được những vấn đề cơ bản có tính xuyên suốt và những điều chỉnh qua các động thái gần đây.
Cách tiếp cận lôi kéo các nước ASEAN vào quỹ đạo của Mỹ theo hướng dùng song phương quyết định đa phương có những điểm chính như sau:
1- Hợp tác thương mại để mở cửa thị trường ASEAN
Trong quan hệ thương mại, Mỹ chia các nước ASEAN thành hai nhóm: nhóm tạo thặng dư thương mại cho Mỹ và nhóm gây thâm hụt thương mại cho Mỹ. Với nhóm gây thâm hụt thương mại gồm có 4 nước là Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, Mỹ chủ động tạo ra các sự kiện để buộc các quốc gia này phải giảm thâm hụt thương mại với Mỹ theo các hướng sau:
Một là, gây áp lực buộc các nước Đông Nam Á giảm lượng xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ: (I) cáo buộc các nước có dấu hiệu thao túng tiền tệ để tăng giá hàng xuất khẩu và giảm cạnh tranh mặt hàng của mình trên thị trường Mỹ, (II) khai thác các lỗ hổng trong chính sách của các nước Đông Nam Á đối với hàng nông sản hoặc dệt may (vốn là thế mạnh xuất khẩu của Đông Nam Á) như việc trợ giá hoặc yêu cầu nguồn gốc xuất xứ phải từ các nước trong USMCA (Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada về siết chặt hơn quy định xuất xứ hàng hóa và tiêu chuẩn lao động đối với ngành ô tô và dệt may), (III) buộc các công ty của Mỹ phải mở cơ sở sản xuất ở Mỹ thay vì "thuê ngoài" ồ ạt như hiện nay (dẫn đến hiện tượng Mỹ phải nhập khẩu nhiều linh kiện và sản phẩm điện tử gia công từ các nước Đông Nam Á và khu vực này cũng được hưởng lợi nhiều nhất từ xung đột thương mại Mỹ - Trung). Chủ trương này được triển khai từ chính quyền Donald Trump nhưng hiện vẫn được đánh giá là chưa có hiệu quả về thực tiễn vì yếu tố tối đa hóa lợi nhuận khiến các công ty vẫn tìm kiếm thị trường để "thuê ngoài".
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris lên đường công du Đông Nam Á. Ảnh: Reuters
Hai là, tạo điều kiện cho các tập đoàn Mỹ đầu tư nhiều hơn để tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Đông Nam Á: (a) Tích lũy đầu tư từ các công ty Mỹ vào Đông Nam Á đã lên đến 270 tỷ USD (lớn hơn hẳn tổng đầu tư từ Mỹ vào 4 nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc), nhưng thu lại vẫn là sự thâm hụt về thương mại hàng hóa, nguyên nhân là do ảnh hưởng quá lớn và bất cân bằng giữa các tập đoàn quốc doanh (SoEs) với các tập đoàn dân doanh; (b) Tăng cường đầu tư vào các "thị trường ngách" vốn là ưu thế của các nước phát triển như Mỹ, đặc biệt là việc khai thác và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng - một thị trường tiềm năng rất lớn ở Đông Nam Á trị giá hơn 2,7 nghìn tỷ USD tính đến năm 2040 mà Mỹ và Nhật Bản đã hoàn thành các liên kết tài chính để đẩy mạnh đầu tư. Mặc dù đây là thị trường có nhiều cạnh tranh từ các cường quốc khác (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu...) nhưng phía Mỹ có những lợi thế với Trung Quốc khi tham gia vào các dự án khai thác dầu khí trên Biển Đông (mà dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh là một điển hình).
2- Hợp tác chia sẻ trách nhiệm trên cơ sở xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin và khuôn khổ hành động thống nhất theo các tiêu chuẩn do phía Mỹ đào tạo, đồng thời giúp nâng cao năng lực trong hợp tác thực địa Mỹ - ASEAN (chủ trương "không làm thay") bằng cách:
+ Thúc đẩy các biện pháp xây dựng niềm tin để tăng cường khả năng thống nhất hành động: (I) trao đổi thông tin hải quan (thông qua hợp tác chính phủ), (II) trao đổi thông tin về thực tiễn địa bàn (thông qua các hợp tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, hợp tác quản lý nghề cá ở các cấp), (III) trao đổi thông tin tình báo quân sự, (IV) trao đổi hậu cần hàng hải (thông qua tăng cường tần suất thăm viếng của các tàu tuần duyên, tàu quân sự) hướng đến ký kết các hiệp định trao đổi hậu cần cảng biển hoặc khả năng thăm viếng thường xuyên của hải quân Mỹ đến các cảng biển Đông Nam Á - đây là nền tảng song phương giúp Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại khu vực và tạo thói quen "nương nhờ Mỹ” trong chính sách đối trọng với Trung Quốc.
+ Tăng cường mức độ và quy mô các hoạt động phối hợp trên thực tiễn: hỗ trợ cứu hộ cứu nạn và đào tạo cán bộ chấp pháp, hải quân để tạo niềm tin cũng như thống nhất các khuôn khổ hành động phối hợp chung về sau như tuần tra chung và tập trận chung. Mặc dù ASEAN chưa tham gia các hoạt động tuần tra chung bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) của phía Mỹ nhưng việc hai bên Mỹ - ASEAN thống nhất tiến hành tập trận chung đa phương vào năm 2019 là một minh chứng cho quá trình vận động để gia tăng các hành động chung mà Mỹ đang tiến hành ở khu vực này, bên cạnh các cuộc tập trận song phương giữa Mỹ với Singapore, Thái Lan và Philippines cũng đang tăng cường đáng kể về quy mô hơn hẳn các năm trước.
3. Hợp tác thể chế: duy trì khả năng điều phối bao trùm của Mỹ thay vì sự điều phối tập thể của ASEAN bằng cách:
+ Thúc đẩy các sáng kiến hợp tác với ASEAN trên nền tảng "trục và nan hoa" như: Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN (AHA), Trung tâm Chống Khủng bố khu vực Đông Nam Á (SEARCTT) đặt tại Malaysia, Học viện Thực thi Luật pháp Quốc tế (ILEA) đặt tại Thái Lan, Lực lượng đặc nhiệm hành động chung (JSOTFP) đặt tại Philippines, Chương trình Đào tạo nước thứ ba (TCTP) đặt tại Singapore, Chương trình Hợp tác Chống các Thách thức Thiên niên kỷ (MCC) đặt tại Indonesia, trong đó mỗi quốc gia sẽ trở thành một cơ sở thực hiện các lĩnh vực hợp tác đặc thù trong quan hệ Mỹ - ASEAN (vốn không phải thế mạnh chính sách của các nước Đông Nam Á) và phía Mỹ là bên có khả năng chi phối được chính sách phối hợp đồng bộ các chương trình nghị sự ở các thể chế này.
+ Kết hợp với các sáng kiến liên khu vực (có các thành viên khu vực khác tham gia với Đông Nam Á) do Mỹ điều phối như: Sáng kiến Hợp tác khu vực Hạ nguồn sông MeKong (LMI), tập trận thường niên song phương CARAT, diễn tập Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT), Chương trình Đối tác Thái Bình Dương (PP)... cùng với các Đối thoại An ninh như Shangri-La và các Hội nghị cấp cao ASEAN mở rộng (ASEAN+)... để duy trì vai trò đối tác then chốt trong khu vực.
Qua các chuyến viếng thăm của Thứ trưởng Ngoại giao W.Sherman cho đến Bộ trưởng Quốc phòng L. Austin và lần này là Phó tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam cộng với các động thái "ngoại giao trọng thị” cho thấy ngoài khả năng Mỹ một lần nữa đề nghị nâng tầm quan hệ đối tác và Việt Nam chắc chắn nằm trong mục tiêu chiến lược của việc thiết lập hệ thống không liên minh, nhưng tăng cường hợp tác chặt chẽ về an ninh với Mỹ. Việt Nam với chủ trương "là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm" sẽ giữ vững được cách tiếp cận linh hoạt và chủ động trong quan hệ với các cường quốc gắn với thực tiễn của đất nước, bối cảnh quốc tế của khu vực đảm bảo và tối đa hóa lợi ích quốc gia.
TS. Bùi Hải Đăng, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-TPHCM