Điểm lại các sự kiện gần đây từ việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa, đã có những cảnh báo về cuộc đua vũ khí hạt nhân sẽ bùng phát ở khu vực này với quy mô chưa từng thấy kể từ sau khi Chiến Tranh lạnh kết thúc.
Theo đánh giá của CNN:
1/ Trung Quốc
Là lực lượng quân đội có quân số lớn với khoảng 3 triệu người nhưng thiếu kinh nghiệm chiến đấu khi chưa từng đóng vai trò đáng kể nào trong các cuộc xung đột ở Thái Bình Dương. Chính kinh nghiệm chiến đấu ít là điểm yếu của quân đội nước này.
Từ năm 1979, quân đội nước này đến nay không còn góp mặt chiến đấu trong cuộc chiến trên bộ nào nữa.
Chuyên gia an ninh Corey Wallace thuộc đại học Freie ở Berlin (Đức) được CNN dẫn lời nhận định: “Mỹ và các đồng minh vẫn có lợi thế hơn về kinh nghiệm chiến đấu và hoạt động hậu cần phục vụ chiến tranh so với Trung Quốc. Nếu bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra trong thời gian lâu dài, lợi thế lớn nhất vẫn thuộc về Mỹ và các đồng minh của Washington.
Trung Quốc có thể bị cản trở bởi các hoạt động cô lập của đối phương. Việc thiếu các đồng minh và mạng lưới căn cứ trong khu vực của Trung Quốc cũng là một điểm yếu.
Quân đội Trung Quốc có quân số đông nhưng thiếu kinh nghiệm
Hiện nay hải quân Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay duy nhất có tên Liêu Ninh, mua của Ukraine rồi cải biến lại. Trong khi đó, hải quân Mỹ có đến 10 tàu sân bay trong 1 hạm đội, bao gồm cả tàu USS Ronald Reagan đang hiện diện tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại mạnh về tên lửa với những tên lửa của họ có thể tấn công các mục tiêu là các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Guam.
Trong trường hợp những căn cứ quân sự này bị đánh, các loại máy bay tiêm kích như F-35 hay F-22, và thậm chí là các loại máy bay ném bom B-1 và B-52 sẽ có ít lựa chọn trong việc tiếp nhiên liệu hay vũ khí.
CNN nhận định Trung Quốc có lợi thế quân đông nhưng thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Sức mạnh tập trung chủ yếu ở tên lửa nhưng điểm yếu là thiếu đồng minh và căn cứ quân sự - Ảnh: đồ họa của CNN Tên lửa tầm trung FF-26 của Trung Quốc có khả năng sẽ dội hỏa lực chưa từng thấy vào đảo Guam. Ngoài ra các kỹ thuật tên lửa phát triển gần đây của Trung Quốc có khả năng khiến Mỹ phải “trả giá đắt”.
Trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở khu vực tây Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đều có một mạng lưới các căn cứ nơi họ có thể thiết đặt các cỗ máy chiến đấu, các cố vấn quân sự cũng được triển khai.
Các căn cứ từ căn cứ không quân Misawa ở phía bắc Nhật Bản cho đến Singapore đều được quân đội Mỹ sử dụng. Mỹ đã triển khai mỗi năm thêm nhiều vũ khí tối tân ở các khu căn cứ này từ máy bay tiêm kích F-35, hệ thống radar tăng cường Hawkyeye (Mắt diều hâu), tàu chiến lớp Aegis tại Nhật cũng như tàu chiến và trực thăng do thám ở Singapore. Máy bay chiến đấu F-22 ở Úc.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand - Wayne Mapp vì thế cho rằng thậm chí trong trường hợp Trung Quốc phá hủy các căn cứ của Mỹ tại Nhật (hay Guam) cũng không đủ khiến Washington thất thế vì mạng lưới căn cứ của Mỹ phủ khắp châu Á. “Không bộ phận nào của quân đội Trung Quốc có khả năng tương đương với Mỹ” – Mapp nhấn mạnh.
Tên lửa không đối không được phóng từ máy bay tiêm kích J-20 không thể bắn hạ những loại máy bay tiếp nhiên liệu như KC-135 hay máy bay E-3A AWACS của Mỹ.
Tuy nhiên việc bố trí quân lực lên đến hơn 47.000 lính ở Nhật, hơn 28.000 lính ở Hàn Quốc và 5000 ở Guam cùng hàng trăm quân ở các địa điểm khác như Singapore hay Úc của Mỹ có thể dễ dàng biến thành mục tiêu tấn công của đối phương nhằm gây hại về quân lực.
2/ Triều Tiên
Khả năng của quân đội nước này khiến mọi người không ngừng đồn đoán. Điều gì khiến Bình Nhưỡng trở nên mạnh mẽ? Có hai điều: nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể sử dụng khả năng hạt nhân của mình và không ai chắc chắn khi nào thì họ sử dụng năng lực này.
Triều Tiên tuyên bố họ đã thành công trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân vào năm 2016. Tuy nhiên tên lửa thử nghiệm chỉ bay được 200 dặm từ bờ ra biển Nhật Bản.
Một đất nước bí ẩn khiến các nhà lãnh đạo ở Washington, Tokyo và Seoul phải không ngừng dự đoán xem ông Kim sẽ có hành động gì tiếp theo. Cựu bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Wayne Mapp nhận định: “Điều đó giúp họ miễn dịch trước các cuộc xâm lược”.
Thêm vào đó, Triều Tiên còn có 1 lợi thế nếu xung đột xảy ra: Đó là thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách đường biên hai nước có 35 dặm. 25 triệu người Hàn Quốc ở khu vực này sẽ nằm trong tầm ngắm của các loại vũ khí của Triều Tiên . Khả năng tên lửa cùng lực lượng quân đội 1,2 triệu người sẽ là lợi thế trước đối phương.
CNN nhận định Triều Tiên là một quân đội khó đoán định sức mạnh. Điểm mạnh của họ là có một nhà lãnh đạo vô tiền khoáng hậu từ trước đến nay và khả năng hạt nhân tên lửa. Điểm yếu của họ là không có đồng minh và tài nguyên nghèo nàn (không thể phục vụ cho chiến tranh) - Ảnh: đồ họa của CNN
Thêm vào đó, do Triều Tiên có tài nguyên nghèo nàn, không có vị trí nào nổi bật để trở thành địa điểm bị tấn công tiềm năng nên cũng là cái “khó” cho Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản khi tổ chức tấn công.
Mối quan hệ trắc trở với Trung Quốc trong thời gian gần đây với Triều Tiên cũng tác động không nhỏ đến cục diện chiến trường khi xảy ra xung đột.
Hàn Quốc và Mỹ cùng nhau triển khai hệ thống THAAD đối phó với Triều Tiên
Việc Mỹ - Hàn triển khai hệ thống THAAD trên bán đảo Triều Tiên đã làm cho Trung Quốc “khó chịu” khi họ xem đây là mối đe dọa đến an ninh của nước mình. Nguyên nhân chính cũng từ việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa.
Một chuyên gia nhận định với CNN rằng “Trung Quốc có thể chịu đựng Triều Tiên để đảm bảo tình hình ổn định ở biên giới và tạo ra vùng đệm giữa họ với quân đội Mỹ. Tuy nhiên nếu Triều Tiên hành động chống lại những lợi ích an ninh của Bắc Kinh như cách thức hiện nay, những tính toán có thể được thay đổi”.
3/ Hàn Quốc
Quân đội Hàn Quốc mạnh về khả năng tấn công do chỉ tập trung vào một mục tiêu là Triều Tiên. Đối mặt với quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, theo Mapp, đây là một kinh nghiệm quý báo với việc phát triển quân đội theo hướng tập trung sức mạnh chủ lực, không phải để tấn công mọi thứ mà để bảo vệ cho chính họ (thủ chủ yếu, công thứ yếu).
Hàn Quốc đang không ngừng cải tiến năng lực vũ khí, bao gồm các loại máy bay tiêm kích F-15, F-35, phát triển tàu ngầm và tàu khu trực lớp Great có tên Sejong được trang bị tên lửa dẫn đường. Seoul đang nhắm đến việc tăng cường năng lực tàu chiến ở quy mô lớn trên Thế giới.
Mapp nhận định: “Sức mạnh của Hàn Quốc chính là Mỹ. Họ thực sự không phải làm gì. Họ chỉ lo ngại về Triều Tiên”.
CNN nhận định điểm mạnh của quân đội Hàn Quốc là được Mỹ hậu thuẫn về quân sự. Mục tiêu của quân đội chỉ nhắm đến một kẻ thù chính là Triều Tiên. Điểm yếu là hợp tác chưa tốt với Nhật Bản. Thủ đô Seoul nằm cách đường biên giới chỉ 35 dặm, nằm trong tầm ngắm của các loại vũ khí Triều Tiên - Ảnh: đồ họa của CNN
Ngoài ra Hàn Quốc có mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản trong mạng lưới hợp tác phong phú trong lĩnh vực quân sự và tình báo
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đã được thiết đặt trên các tàu chiến của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Việc hợp tác thông tin tình báo và quân sự hiện đang là mắc míu lớn nhất trong việc phối hợp tác chiến giữa Hàn và Nhật. Tuy nhiên tình hình chia sẻ thông tin đang dần được cải thiện. Như trong tuần qua một tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc đã diễn tập chống tên lửa với tàu khu trục Nhật Bản và Mỹ. Việc hợp tác chung để tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa giữa 3 nước cho thấy bước tiến này.
4/ Nhật Bản
Trong khi Hàn Quốc chỉ cần chú tâm vào Triều Tiên thì Nhật Bản có hai mục tiêu là Triều Tiên và Trung Quốc.
Tên lửa Triều Tiên gần đây được phóng xuống biển Nhật Bản khiến Tokyo phải xem xét biện pháp trả đũa Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho biết việc thử tên lửa để nhắm vào các đơn vị quân sự của Nhật cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại Nhật.
Với Trung Quốc, Nhật Bản khống chế lối ra biển Hoa Đông của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà theo chuyên gia Wallace là khả năng đáp trả “cả về kỹ thuật và tác chiến của Nhật Bàn” đều trội hơn. Tokyo có 12 tàu ngầm lớp Soryu, dòng tàu ngầm lớn nhất được đóng kể từ thế chiến thứ hai . Khi loại tàu ngầm này kết hợp với trực thăng vận và máy bay săn ngầm sẽ tạo ra “bất ngờ lớn” cho đối thủ.
CNN nhận định điểm mạnh của quân đội Nhật là khả năng chống ngầm, tuy nhiên yếu điểm là khả năng không kích trực tiếp và phối hợp thông tin tác chiến với Hàn Quốc - Ảnh: đồ họa CNN
Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia: “Nhật Bản có thể đánh bom bất cứ phương tiện nào của đối thủ đáp xuống một trong những hòn đảo chính của họ nhưng không thể không kích căn cứ không quân của Trung Quốc và Triều Tiên hoặc những địa điểm thiết đặt tên lửa của hai nước này. Máy bay của Nhật Bản không thể mang thiết bị cần thiết để chặn đối thủ. Họ có thể phòng vệ nhưng không thể đấm lại".
Theo CNN, Anh Duy lược dịch