(CATP) Hôm 16-4, người dân Hàn Quốc tưởng niệm một năm khoảnh khắc kinh hoàng, khi phà Sewol chở 476 người bị chìm khiến 304 người thiệt mạng.
Một năm sau, nỗi đau vẫn bật ra trong từng tiếng khóc của thân nhân những người bị nạn. 9 người vẫn còn mất tích trong khi chiếc phà nặng 6.825 tấn chưa được vớt lên. Một năm sau, uy tín Chính phủ Hàn Quốc mà “đứng mũi chịu sào” là Tổng thống Park Geun-hye đã giảm sút nghiêm trọng.
Sewol tạo nên cơn phẫn nộ trong cộng đồng, khi chính quyền Seoul bị lên án thiếu trách nhiệm trong quản lý phương tiện giao thông thủy và khả năng cứu hộ yếu kém lúc tai nạn xảy ra.
Uy tín chính quyền và con phà chưa trục vớt giờ đây “neo” vào nhau, khiến bước chân Thủ tướng Lee Wan Koo đến đại sảnh tưởng niệm tại Trường trung học Danwon (thành phố Ansan) bị thân nhân những người thiệt mạng ngăn lại. Chính tại trường Danwon, 250 học sinh bước lên phà Sewol đã vĩnh viễn không quay lại.
Tại đảo Jindo, khi nghe phong thanh Tổng thống Park Geun-hye đến thăm khu vực gần nơi phà chìm, một số thân nhân có người thiệt mạng cũng nhanh chóng đóng cửa ngôi đền tọa lạc ở hải cảng trên đảo. Thái độ phản ứng của người dân từ chối tiếp ông Lee hay bà Park, cho thấy họ chưa thỏa mãn với phương cách giải quyết hậu quả của chính quyền.
Phà Sewol chìm trên biển Hoàng Hải một năm trước - Ảnh: AP
Các tờ báo lớn của Hàn Quốc từ JoongAng Daily đến Chosun Ilbol, chỉ trích Seoul trong các bài xã luận: “Hàn Quốc chúng ta vẫn chưa an toàn”, “một năm, vẫn chưa có gì thay đổi”. Đảng Saenuri của bà Park cũng lao đao, khi uy tín của bà chìm theo con phà chưa vớt.
Vụ chìm phà Sewol còn là nhát dao cắt vào tình thân quyến, tình đồng loại. Khi chiếc phà chìm dần, đoạn video 10 phút tung lên mạng chiếu cảnh thuyền trưởng phà Sewol Lee Joon Seok nhảy khỏi chiếc phà đang nghiêng qua thuyền của lực lượng cứu hộ chờ sẵn. Ông thoát thân an toàn giữa lúc hàng trăm hành khách kẹt lại bên trong chờ chết. Theo sau là các thành viên khác của thủy thủ đoàn cũng nhanh chóng trèo qua tàu cứu sinh.
Người dân Hàn Quốc thả hoa cúc xuống biển, tưởng niệm một năm sau thảm họa
Một năm sau, khi xem lại các video này ít ai nguôi ngoai sự phẫn nộ. Phà Sewol chìm để lại vết thương tâm lý hằn sâu trong lòng nhiều ông bố, bà mẹ. Họ “uống rượu say mèm mỗi đêm, ngày nào cũng đến đài tưởng niệm trong thành phố khóc” - tờ New York Times tường thuật về gia đình bà Eom Ji Young, có cô con gái 16 tuổi mất khi phà Sewol chìm.
Sewol và uy tín, Sewol và sang chấn tâm lý. Một chiếc phà chìm kéo theo nhiều mất mát, đau thương.
Anh Duy