(CAO) Hôm 15-4, Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu cử máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của họ, J-20 để tuần tra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Các phiên bản đầu tiên của máy bay phản lực tàng hình J-20 sử dụng động cơ của Nga - nhưng sau đó nó đã được thay thế bằng động cơ đôi sản xuất trong nước. Các máy bay phản lực lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng vào năm ngoái tại cuộc triển lãm hàng không Trung Quốc.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi tướng Kenneth Wilsbach - Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết các máy bay F-35 của Mỹ và máy bay J-20 của Trung Quốc ngày càng tiến gần nhau hơn trên Biển Hoa Đông.
Biển Hoa Đông và Biển Đông có một số khu vực tranh chấp từ lâu, với các yêu sách lãnh thổ chồng lấn của nhiều quốc gia.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp gần như toàn bộ diện tích Biển Đông rộng lớn. Họ đã và đang xây dựng và quân sự hóa một cách trái phép trên các bãi đá ngầm, biến chúng thành các căn cứ quân sự và đường băng, đồng thời được cho là đã tạo ra một lực lượng dân quân hàng hải có thể lên tới hàng ngàn chiếc thuyền.
Trong khi đó ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, còn được gọi là quần đảo Điếu Ngư. Trong những năm gần đây, Mỹ đã nhắc lại lời hứa sẽ bảo vệ các đảo của Nhật Bản trong trường hợp bị nước ngoài tấn công.
Các chuyên gia cho rằng việc triển khai J-20 cho thấy hai điều: Trung Quốc ngày càng tự tin vào khả năng quân sự của mình đồng thời phát đi cảnh báo của họ đối với các nước khác có liên quan trong tranh chấp lãnh thổ.
Theo báo cáo, với khoảng 200 chiếc J-20 đang được biên chế trong Lực lượng không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAAF).
Peter Layton đến từ Viện Griffith Châu Á ở Úc cho rằng thông điệp của Trung Quốc với thế giới là: "Bất kỳ máy bay quân sự nước ngoài nào xâm nhập vào vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều có thể bị các máy bay J-20 chặn".
Những chiếc J-20 tại triển lãm hàng không Trung Quốc - Ảnh: Getty
Mặc dù một động thái như vậy sẽ rất khó khăn về mặt chính trị, nhưng bán kính hoạt động rộng của J-20 có nghĩa là nó có thể tuần tra xa hơn trên biển hoặc ở lại lâu hơn ở các khu vực như Biển Hoa Đông, Layton nói.
Các đội hình nhỏ, chẳng hạn như một số máy bay phản lực, cũng có thể thực hiện các cuộc tuần tra sâu không thường xuyên vào trung tâm Biển Đông, hạ cánh để tiếp nhiên liệu tại một trong những căn cứ không quân trên các bãi đá Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép và xây dựng cơ sở ở đây, sau đó quay trở lại đất liền.
Layton nói, việc chuyển đổi từ động cơ Nga sang động cơ do Trung Quốc chế tạo cũng cho thấy sự độc lập ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất quân sự.
"Không phải là Trung Quốc không cần sự giúp đỡ của Nga nữa, mà là các máy bay do Trung Quốc chế tạo hiện nay đã vượt trội” – ông nhận định.
J-20 từ lâu đã được coi là câu trả lời của Trung Quốc trước F-22 của Mỹ - được coi là máy bay chiến đấu tàng hình hàng đầu thế giới và F-35.
Một báo cáo năm 2017 của Dự án Năng lượng Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết các động cơ mới của Trung Quốc sẽ cung cấp cho J-20 khả năng siêu vượt âm thấp, có nghĩa là chúng có thể bay với tốc độ siêu thanh trong thời gian dài.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã nói rằng J-20 không thể xếp ngang hàng với các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ - nhưng Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết vào tháng trước rằng các máy bay J-20 đã gây ấn tượng mạnh khi đụng độ với F-35 của Mỹ trên Biển Hoa Đông.
"Chúng tôi tương đối ấn tượng với khả năng chỉ huy và điều khiển liên quan đến J-20" - Wilsbach cho biết tại một hội nghị của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell.
Ông nói, Mỹ đã quan sát thấy "những chuyến bay tương đối chuyên nghiệp" của các phi công Trung Quốc, nhưng lưu ý rằng Mỹ không chắc chắn về việc Trung Quốc sẽ sử dụng J-20 như thế nào, cho dù trong vai trò đa nhiệm vụ như F-35 hay trong vai trò chiếm ưu thế trên không như F-22.