30 năm nỗi đau Chernobyl vẫn dai dẳng

Thứ Ba, 26/04/2016 10:34  | Anh Duy

|

(CATP) Hôm nay 26-4, tròn 30 năm từ khi những thanh nhiên liệu tan chảy khiến lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) phát nổ phát tán lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 ra môi trường.

3 thập kỷ trôi qua, “nỗi đau” Chernobyl vẫn còn dai dẳng tác động đến cuộc sống và môi trường. Nhắc đến Chernobyl, người ta nhắc nhở nhau về “con dao” hạt nhân hai lưỡi: một mặt, ứng dụng hạt nhân cung cấp năng lượng cho con người, chế tạo đồng vị phóng xạ chữa bệnh và nhiều ứng dụng khác, nhưng nó cũng nhanh chóng trở mặt thành “hung thần” khi trở thành vũ khí hủy diệt hay bị rò rỉ gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 26-4-1986 khắc ghi thảm họa Chernobyl đã đi vào lịch sử nhân loại. 30 nhân viên cứu hỏa tham gia dập tắt ngọn lửa tại lò phản ứng số 4 chỉ vài tuần sau đã từ giã cõi đời vì bị hàng triệu tia phóng xạ vô hình xuyên thấu qua cơ thể. Phía sau họ, hàng triệu cuộc đời cũng bị ảnh hưởng theo: từ bệnh tật, dị dạng di truyền đến cuộc sống bị đảo lộn khi phải di tản cả gia đình ra khỏi khu vực bị nhiễm xạ quanh Chernobyl.

Chính quyền đương thời đã bưng bít thông tin về sự cố này. Olexandr Syrota khi đó còn là một đứa trẻ, bồi hồi nhớ lại thời điểm đó: “khung cảnh hỗn loạn sau sự cố, mọi người ý thức được có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra nhưng họ không nhận được bất cứ thông tin chính thức nào”.

Cận cảnh lò phản ứng hạt nhân số 4- nhà máy điện Chernobyl nổ tung sau thảm họa  - Ảnh tư liệu

Cũng như hàng ngàn người khác có nhà ở thị trấn Pripyat, Ukraine nằm cạnh bên lò phản ứng- Syrota đã không kịp di tản sớm do sự chậm trễ của thông tin bị bưng bít. Người dân không hiểu rõ bản chất và mức độ nguy hiểm của sự cố này. Vài ngày sau, thậm chí là vài tuần sau thảm họa họ mới lục tục dời đi xa hiện trường theo lệnh của chính quyền. Tuy nhiên, nhiêu đó là đủ cho phóng xạ tác động đến cơ thể con người.

Ba thập kỷ trôi qua, vùng bán kính 40km quanh nhà máy trở thành nơi bỏ hoang khi 93.000 người chết vì sự cố, 50.000 người phải sơ tán. Những thị trấn sầm uất như Pripyat trở thành thị trấn ma, những con đường, ngôi nhà xuống cấp, cỏ dại phủ lên theo từng năm tháng. Nơi đây chỉ còn lại những bầy sói, lợn rừng bước thong dong khi vắng bóng con người.

Thành phố Pripyat nằm cạnh bên nhà máy điện Chernobyl 30 năm sau vẫn hoang tàn, bỏ hoang - Ảnh:Reuters

Ba thập kỷ trôi qua, hàng ngàn đứa trẻ sinh ra từ bố mẹ bị nhiễm xạ do sự cố Chernobyl tại vùng biên giới Ukraine – Belarus mang trong mình những dị tật như hội chứng đầu nhỏ, chậm phát triển thể chất, bị tim bẩm sinh.

Tất cả nhắc nhớ cho nhân loại sự nguy hiểm, “mặt trái” của hạt nhân trong bối cảnh ngày nay khi nhiều nước vẫn đang cạnh tranh nhau uy thế bằng vũ khí hạt nhân. Nhiều dự án điện hạt nhân được quy hoạch thay vì hướng đến dùng năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa khủng bố cực đoan cũng đang hướng đến việc dùng nguyên liệu hạt nhân để chế tạo bom bẩn và các loại vũ khí khác nhằm reo rắc tan thương trong cộng đồng.

Chernobyl là một thảm họa nhưng cũng là một bài học, một nỗi đau để nhắc nhở nhân loại.

Một người đàn ông đốt nến tưởng niệm các công nhân và nhân viên cứu hỏa đã thiệt mạng do nhiễm xạ trong thảm họa Chernobyl tại thành phố Slavutych, Ukraine, gần nhà máy Chernobyl. Ảnh: Reuters

Bình luận (0)

Lên đầu trang