Hôm 6-1, Tân Hoa Xã đưa tin chính quyền Trung Quốc đã cho bay thử nghiệm phi pháp thêm hai chuyến bay dân dụng ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa –Việt Nam.
Hãng tin này không tiết lộ chi tiết loại máy bay đã đáp xuống đá Chữ Thập nhưng “hùng hồn” khẳng định các chuyến bay thử nghiệm thành công cho thấy sân bay Bắc Kinh xây trái phép trên đá Chữ Thập “đảm bảo an toàn cho hoạt động của máy bay dân dụng cỡ lớn”.
Trước đó vào ngày 2-1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết một máy bay dân dụng đã đáp trên đường băng ở Đá Chữ Thập, trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nước này ra các đường băng xây phi pháp trên Biển Đông.
Bình luận về động thái này, Reuters trong bài viết đăng tải ngày 5-1 với nhan đề “ Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông khi máy bay Trung Quốc hạ cánh trên đảo nhân tạo” nhận định chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ra đá Chữ Thập cho thấy Bắc Kinh đã hoàn thành đúng tiến độ các công trình hạ tầng tại đây và thời gian tới nhiều khả năng nước này sẽ điều máy bay quân sự đến.
Các chuyên gia quốc tế cũng nhận định với Reuters rằng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến việc nước này đơn phương thiết lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông trong thời gian ngắn sắp tới.
Việc thiết lập ADIZ nếu thành sự thật là một động thái “đùa với lửa” của Bắc Kinh khi có thể kéo theo đó sự xung đột gay gắt giữa nước này với hàng loạt quốc gia như Việt Nam, Philippines… hiện là các bên tranh chấp trên Biển Đông và với Mỹ- một cường quốc không thể khoanh tay đứng nhìn khi “tự do hàng hải” bị xâm phạm ở vùng biển thương mại bận rộn này.
Hình ảthnh vệ tinh cho thấy các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam), bao gồm cả một đường băng đáp máy bay
Hôm 2-1, Bắc Kinh xác nhận đã cho bay thử nghiệm một chiếc máy bay dân sự hạ cánh xuống đường băng xây phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thử nghiệm hạ cánh trên một đường băng nước này xây trên một bãi đá bị bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Cả Việt Nam và Philippines đều phản đối kịch liệt chuyến bay thử nghiệm này. Thậm chí Philippines còn dọa sẽ “hành động tương tự”, tức cho bay thử nghiệm đến một bãi đá nước này chiếm trên Biển Đông để đáp lại Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định: “Hành động này gây quan ngại khi Trung Quốc nay mai sẽ kiểm soát Biển Đông và gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh: “ chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng và đe dọa sự ổn định trong khu vực”.
Còn Thượng nghĩ sĩ Mỹ John McCain sau khi nhận tin Trung Quốc cho bay thử nghiệm ra Biển Đông đã chỉ trích chính quyền Obama ít thực hiện các cuộc tuần tra vì “tự do hàng hải” trên Biển Đông trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp trên vùng biển này.
Đường băng xây phi pháp trên đá Chữ Thập dài 3 km, theo các chuyên gia quân sự là “đủ sức” cho các loại máy bay ném bom và vận chuyển quân sự cất, hạ cánh.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc trước nay vẫn biện hộ rằng các đường băng này xây để phục vụ mục đích dân sự như phục vụ hoạt động tuần tra bờ biển và nghiên cứu thủy sản. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lặp lại luận điệu cũ: “ chuyến bay thử nghiệm nhằm kiểm tra đường băng phục vụ cho mục đích dân sự có đạt tiêu chuẩn hay chưa” và khẳng định “ đường băng này hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
Sự ngông cuồng ấy như một lời thách thức trực tiếp cộng đồng quốc tế, ngụ ý: Trung Quốc đã xây xong đường băng, và bãi đá này thuộc về Bắc Kinh.
Hình ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập trước khi bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ( ảnh trên) và sau khi đã bị cải tạo, bồi đắp thành đảo nhân tạo (ảnh dưới)- Ảnh: BBC
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự quốc tế thì không nghĩ vậy, Reuters dẫn lời Leszek Buszynski- chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc dự báo việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự đến những bãi đá trên Biển Đông nay đã thành đảo nhân tạo là việc “ không thể tránh khỏi”.
Buszynski nhấn mạnh: “bước tiếp theo sẽ là khi đã thử nghiệm thêm một vài chuyến bay dân sự đến các bãi đá này, họ sẽ mang đến đây những chiếc máy bay quân sự Su-27 và Su-33 và sẽ hoạt động cố định tại đây. Đó là những gì Trung Quốc có khả năng làm”.
Reuters cũng dẫn lời Ian Storey – một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) nhận định căng thẳng trên Biển Đông sẽ trở nên trầm trọng hơn khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở hạ tầng nước này xây phi pháp ở đây ( đường băng, hải đăng, cảng biển) để gia tăng ảnh hưởng của mình trên vùng biển này.
Trung Quốc sẽ tiếp tục “sống chết” bảo vệ các đường băng và cơ sở hạ tầng họ đã xây ở đây ngay cả khi chưa đơn phương thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ)- Ian Storey nhận định.
‘Khi các công trình này đi vào hoạt động, việc Trung Quốc đưa ra những cảnh báo với máy bay quân sự và cả máy bay dân sự sẽ trở nên thường xuyên hơn. Đây là những tiền đề để Trung Quốc thiết lập ADIZ, hoặc một ADIZ tự mặc định mà chưa tuyên bố của họ”- chuyên gia Ian Storey cảnh báo.
Tình hình Biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp do tư tưởng bá quyền, bất chấp luật pháp của Trung Quốc.
Ngày 2-1, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phát biểu nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.”
Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.