Thế giới năm 2016 với nhiều biến động

Chủ Nhật, 03/01/2016 17:14  | Anh Duy

|

(CAO) Niềm hân hoan đón chào năm mới an khang- thịnh vượng qua nhanh trong phút chốc khi nhân loại bị kéo về thực tại với muôn ngàn nỗi lo.

Hình ảnh Đức huy động lực lượng an ninh đến hai nhà ga Munich và Pasing trước thời khắc giao thừa để ngăn chặn âm mưu khủng bố từ nguồn tin tình báo báo về trước đó cho thấy bất an vẫn đang chực chờ. Năm 2016 chờ đón nhân loại với nhiều biến động khó lường.

Chủ nghĩa cực đoan lan rộng

Những vụ khủng bố từ Paris (Pháp) đến những âm mưu đánh bom dịp giao thừa ở Jakarta vừa được cảnh sát Indonesia phá vỡ cho thấy chủ nghĩa cực đoan hình thành nên những âm mưu tấn công đã lan rộng trên toàn cầu.

Những thanh niên không việc làm, không mục tiêu sống trong lúc “chán đời” dễ thành mục tiêu chiêu dụ của các tổ chức khủng bố giơ cao biểu ngữ “thánh chiến”. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tích cực chiêu dụ tầng lớp thanh niên này gia nhập lực lượng chiến binh của chúng thông qua công cụ tuyên truyền hữu hiệu: Internet, với các ứng dụng chat, clip, phát thông điệp kêu gọi “cực đoan hóa” trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter…

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mang đến nhiều bất an cho thế giới trong năm 2016 - Ảnh: AFP

Đến với các tổ chức cực đoan như IS, một bộ phận thanh, thiếu niên được “thỏa mãn” cái tôi của mình khi nắm trong tay quyền sinh-sát, giao rắc sợ hãi đến cộng đồng xung quanh. Họ lấy đó làm “niềm vui” vì ở xã hội thực tại, những chiến binh này đang “thất bại” khi không có việc làm hay có cảm giác bị bỏ rơi, không hòa nhập được với cộng đồng xung quanh.

Để ngăn chặn làn sóng cực đoan, chỉ có một phương thức hữu hiệu đó là tình yêu và chia sẻ đến từ gia đình và cộng đồng. Khi một cá nhân thấy mình được đối xử, quan tâm, bình đẳng với mọi người thì không có chỗ cho họ bị trầm cảm (stress) để trở thành cực đoan.

Về việc phối hợp chống các âm mưu khủng bố, vụ cảnh sát Indonesia phá thành công âm mưu tấn công Jakarta trong đêm giao thừa vừa qua cho thấy sự cần thiết của hoạt động hợp tác tình báo giữa các quốc gia.

Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia,Tướng Badrodin Haiti đã khẳng định chính thông tin tình báo từ Mỹ, Úc, Singapore đã giúp Jakarta ngăn chặn thành công âm mưu đánh bom của IS. Đã đến lúc các nước gạt bất đồng hợp tác cùng nhau để đẩy lùi khủng bố. 2016 sẽ có thêm nhiều bất an khi chủ nghĩa cực đoan còn lan rộng.

Khủng hoảng di cư

Những cuộc nội chiến như Syria, đói nghèo ở khu vực châu Phi đang đẩy nhân loại vào một cuộc khủng hoảng di cư khổng lồ để lại nhiều hệ quả từ phân bố nhân khẩu, gánh nặng kinh tế đến xung đột văn hóa.

Một châu Âu năm 2015 “oằn mình” đón nhận làn sóng di cư ồ ạt. Những con người chen chúc đi trên các con tàu ọp ẹp để tìm đến một cuộc sống mà họ nghĩ là tốt đẹp ở “thiên đường” châu Âu đã phải vùi thây giữa những đợt sóng lớn trên biển Địa Trung Hải.

Khủng hoảng di cư gây ra gánh nặng cho người dân các nước mà dòng người này đổ đến. Tiền thuế dân đóng thay vì để lo cho phúc lợi xã hội nay phải san sẻ cho người di cư. Điều này gây chia rẽ sâu sắc ngay trong nội khối Liên minh châu Âu (EU). Điển hình là việc Đức dang tay đón dòng người di cư trong khi những nước khác như Hungary lại áp dụng các biện pháp mạnh ngăn dòng người tị nạn như dựng hàng rào dây thép gai dọc biên giới.

Làn sóng  di cư vượt biển vào châu Âu trở thành gánh nặng cho nhiều nước  - Ảnh: Getty Images

Dòng người di cư tràn đến cũng mang theo nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa người dân sở tại với những người ngoại quốc do những khác biệt về văn hóa, quan niệm tôn giáo. Để giải quyết khủng hoảng này cần sự chung tay của nhiều quốc gia.

Chừng nào những cuộc nội chiến và nghèo khổ chưa được giải quyết, làn sóng di cư được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra ồ ạt trong năm 2016.

Tranh chấp lãnh thổ trên biển

Thời đại toàn cầu hóa khiến những tuyến đường thông thương trên biển ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên cách thức của Trung Quốc, tuyên bố chiếm gần trọn diện tích Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế đang gây bức xúc cho cộng đồng.

Từ nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã đơn phương bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa- Việt Nam mà nước này cưỡng chiếm trái phép cùng với việc xây dựng các công trình phi pháp từ hải đăng đến đường băng sân bay tại đây.

Hành động này đã khiến nhiều nước như Mỹ, Úc cử tàu khu trục, máy bay trinh sát tuần tra trên Biển Đông nhằm gửi thông điệp đến chính quyền Bắc Kinh rằng cộng đồng quốc tế sẽ không để một bên bất kỳ đơn phương xâm phạm tự do hàng hải trên biển.

Tuy nhiên, tư tưởng bá quyền vẫn còn ẩn chứa trong tâm thức của giới lãnh đạo nước này. Hôm 25-12, tờ Telegraph đưa tin chính phủ Trung Quốc đang tìm cách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vào sâu trong vùng nước trên Hoàng Hải thuộc khu vực chồng lấn với Hàn Quốc.

Hàn Quốc và Trung Quốc đã bước vào phiên đàm phán đầu tiên về phân định ranh giới ở vùng chồng lấn trên Hoàng Hải bắt đầu từ ngày 22-12.

Trong phiên đàm phán lần đầu tiên sau 7 năm về tranh chấp ở vùng biển này, Hàn Quốc đề xuất lấy đường phân chia nằm giữa khu vực chồng lấn EEZ giữa hai nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác đề nghị này mà đòi đẩy đường phân chia vào sâu về phía bờ Hàn Quốc, gom luôn cả khu vực mà Seoul trước đó đã xây một trạm nghiên cứu hàng hải.

Tờ Telegraph (Anh) dẫn lập luận của phái đoàn đàm phán Trung Quốc cho rằng sở dĩ Bắc Kinh phải đòi diện tích lớn hơn trên Hoàng Hải vì Trung Quốc là nước “có diện tích lớn hơn, đông dân hơn vì thế xứng đáng được kiểm soát một diện tích biển lớn hơn trên Hoàng Hải”.

Hình ảnh vệ tinh đá Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông  - Ảnh: CSIS

Tư tưởng bá quyền đó trong một xã hội văn minh, thượng tôn luật pháp đang biến Trung Quốc thành kẻ lạc lõng giữa cộng đồng quốc tế. Dự báo nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục ứng xử bất chấp luật pháp thì tranh chấp từ Biển Đông đến Biển Hoa Đông và Hoàng Hải có thể bị đẩy đến mức xung đột cao hơn.

Biến đổi khí hậu diễn biến khó lường

Hạn hán, lũ lụt, siêu bão… khó mà dự đoán được chúng sẽ diễn ra khi nào, ở đâu, mức độ tàn phá thế nào. Nước biển dâng khiến nhiều thành phố có nguy cơ úng ngập. Tất cả những thảm cảnh về biến đổi khí hậu nhân loại ai cũng đều ý thức được nhưng hành động để ngăn chặn vẫn còn khá chậm.

“Điểm sáng” trong hành động của nhân loại chống biến đổi khí hậu là vào sáng 13-12 (giờ VN), 195 quốc gia đã đạt được đồng thuận về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ở Hội nghị thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Theo đó, các quốc gia nhất trí sẽ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C. Tất cả các nước đều đồng thuận cắt giảm khí thải carbon. Các quốc gia phát triển và cả Trung Quốc, Ấn Độ đều ủng hộ thỏa thuận này.

Một con gấu Bắc Cực di chuyển giữa những mảng băng tan do biến đổi khí hậu 

Tuy nhiên thỏa thuận này vẫn còn chưa đem đến sự thỏa mãn như kỳ vọng. BBC dẫn lời Helen Szoke- Giám đốc điều hành của tổ chức Oxfam (Anh) nhận định: “thỏa thuận khí hậu tại COP 21 chỉ đạt được một lời hứa mơ hồ về mục tiêu tài chính trong tương lai cho lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khi đó thỏa thuận này lại không buộc các quốc gia phải cắt giảm khí thải đủ nhanh để ngăn chặn một thảm họa về biến đổi khí hậu”.

Dự báo trong năm 2016, tình hình khí hậu sẽ diễn biến khó lường. Giải pháp cho vấn đề này ngoài việc chung tay cắt giảm khí thải, các quốc gia cần phải đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng xanh ( phong điện, quang điện), sử dụng chất liệu tái chế và tích cực khôi phục diện tích rừng bị mất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang